Những ý tưởng chấm dứt xung đột Ukraine của đội ngũ ông Trump
Tổng thống đắc cử Donald Trump nhiều lần phàn nàn về khoản viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine, đồng thời tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột ngay sau khi nhậm chức vào tháng 1 năm tới.
Cho đến nay, ông Trump chưa nói chi tiết về cách ông sẽ chấm dứt xung đột, nhưng một số cố vấn của Tổng thống đắc cử đã chia sẻ đề xuất có thể nằm trong kế hoạch hành động của chính quyền mới.
Một cựu quan chức an ninh quốc gia dưới thời ông Trump tham gia quá trình chuyển giao quyền lực cho biết có 3 đề xuất. Một của tướng về hưu Keith Kellogg, người được ông Trump chọn làm đặc phái viên xung đột, hai là của Phó tổng thống đắc cử JD Vance và cuối cùng là của Richard Grenell, cựu quyền giám đốc tình báo thời nhiệm kỳ đầu của ông Trump.
Ông Donald Trump (trái) và tướng về hưu Keith Kellogg tại Mar-a-Lago, Palm Beach, bang Florida hồi tháng 2/2017. Ảnh: AP
Kế hoạch mà ông Keith Kellogg và cộng sự Fred Fleitz, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, vạch ra là đóng băng chiến tuyến hiện tại.
Theo đề xuất, ông Trump sẽ cung cấp thêm vũ khí của Mỹ cho Ukraine nếu Kiev đồng ý đàm phán hòa bình. Đồng thời, ông cảnh báo Nga rằng Mỹ sẽ tăng viện trợ cho Ukraine nếu Moskva từ chối đàm phán. NATO sẽ trì hoãn các cuộc thảo luận về tư cách thành viên của Ukraine trong thời gian lên tới 10 năm, giải quyết một trong những mối quan ngại chính của Nga.
Ukraine sẽ được Mỹ đảm bảo an ninh, có thể gồm tăng cường hỗ trợ vũ khí sau khi thỏa thuận hòa bình được ký kết, với mục đích răn đe Nga.
Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông Anh hồi tháng 6, Sebastian Gorka, người sẽ là phó cố vấn an ninh quốc gia, nói ông Trump sẽ buộc Tổng thống Vladimir Putin phải đàm phán bằng cách đe dọa chuyển cho Ukraine những loại vũ khí chưa từng có nếu Moskva khước từ yêu cầu.
Nhưng đồng thời, Mỹ cũng sẽ thể hiện thiện chí đàm phán với Nga bằng cách dỡ một phần các lệnh trừng phạt.
Phó tổng thống đắc cử JD Vance, thượng nghị sĩ Mỹ từng phản đối viện trợ cho Ukraine, hồi tháng 9 đưa ra ý tưởng xung đột. Ông nói với người dẫn chương trình podcast Mỹ Shawn Ryan rằng thỏa thuận có thể sẽ bao gồm thiết lập khu phi quân sự dọc tiền tuyến hiện tại, nơi sẽ được củng cố để ngăn các cuộc tấn công từ Nga.
Kế hoạch này đồng nghĩa Nga vẫn sẽ giữ những vùng đất mà họ đã kiểm soát ở Ukraine. Đề xuất của ông Vance cũng gồm việc từ chối tư cách thành viên tương lai của Ukraine trong NATO.
Richard Grenell, cựu đại sứ Mỹ tại Đức, hồi tháng 7 ủng hộ thành lập "khu tự trị" ở miền đông Ukraine nhưng không nói chi tiết. Ông cũng cho rằng việc Ukraine trở thành thành viên NATO không đem lại lợi ích cho Mỹ.
Grenell chưa được đảm bảo có vị trí trong chính quyền mới, dù ông là người Tổng thống đắc cử tham vấn về các vấn đề châu Âu. Grenell là một trong số ít người tham gia cuộc gặp giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky ở New York hồi tháng 9.
Đối mặt nhiều khó khăn trên chiến trường cùng tương lai bấp bênh khi ông Trump trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Ukraine Zelensky gần đây để ngỏ khả năng sẵn sàng đàm phán. Ông thừa nhận quân đội nước này hiện không đủ mạnh để giành lại các vùng đất mà Nga kiểm soát, thay vào đó hướng tới các giải pháp hòa bình.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng các ý tưởng mà phụ tá của ông Trump đưa ra có thể vấp phản đối từ Ukraine. Dù để ngỏ ý tưởng đàm phán, ông Zelensky sẽ khó chấp nhận đề xuất Ukraine không được gia nhập NATO. Lãnh đạo Ukraine đã đưa yêu cầu này trở thành một phần quan trọng trong "Kế hoạch Chiến thắng" của mình. Ukraine gần đây liên tục gửi thư cho các đối tác NATO, kêu gọi họ đưa ra lời mời nước này gia nhập.
Ngoài ra, ông Trump có thể không có được đòn bẩy để buộc Ukraine đàm phán, khi một số đồng minh châu Âu gần đây bày tỏ sẵn sàng tăng viện trợ. Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng đang nỗ lực cung cấp vũ khí cho Kiev trước khi rời nhiệm sở.
Lính Ukraine khai hỏa về phía vị trí quân Nga gần Kharkov ngày 6/11. Ảnh: AP
Giới phân tích và cựu quan chức Mỹ cảnh báo Tổng thống Putin cũng có thể không sẵn sàng đàm phán với Ukraine. Quân Nga gần đây giành nhiều lợi thế trên chiến trường và có thể theo đuổi mục tiêu kiểm soát thêm lãnh thổ Ukraine.
"Ông Putin không cần vội vàng", Eugene Rumer, cựu nhà phân tích tình báo Mỹ về Ukraine, hiện làm việc tại tổ chức nghiên cứu Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, nói.
Rumer thêm rằng lãnh đạo Nga dường như vẫn kiên quyết với các điều kiện như Ukraine phải từ bỏ ý định gia nhập NATO và chấp nhận "thực tế mới" về 4 khu vực mà Nga đã sáp nhập gồm Kherson, Zaporizhzhia, Donetsk và Lugansk. Trong khi đó, đây là những yêu cầu mà Kiev nhiều lần bác bỏ.
Nga đã kiểm soát toàn bộ bán đảo Crimea kể từ sau khi sáp nhập năm 2014. Moskva hiện kiểm soát khoảng 80% vùng Donbass, gồm 2 tỉnh Donetsk và Lugansk, cũng như hơn 70% Zaporizhzhia và Kherson. Ngoài ra, lực lượng nước này cũng nắm giữ một phần nhỏ ở Mykolaiv và Kharkov.
Nhà phân tích này nhận định ông Putin có thể sẽ chờ đợi để giành thêm lợi thế và xem ông Trump có thể đưa ra những nhượng bộ nào để thuyết phục Nga ngồi vào bàn đàm phán.
Kế hoạch của ông Kellogg, tăng viện trợ cho Ukraine nếu Nga không chịu đàm phán, có thể vấp phản đối gay gắt từ quốc hội, nơi một số đồng minh thân cận của ông Trump vốn không sẵn sàng phê duyệt viện trợ bổ sung cho quốc gia Đông Âu này.
"Tôi không nghĩ bất kỳ ai đưa ra được kế hoạch thực sự tiềm năng để kết thúc xung đột", Rumer nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-y-tuong-cham-dut-xung-dot-ukraine-cua-doi-ngu-ong-trump-4824746.html