Những thói quen xấu âm thầm len lỏi vào cuộc sống
Tiến sĩ Jeffrey Bernstein, nhà tâm lý học người Mỹ với hơn 30 năm kinh nghiệm, chỉ ra ba thói quen khiến bạn sống trong đau khổ.
So sánh với người khác
Mỗi lần Serena lướt mạng xã hội, một trạng thái tâm lý khó chịu quen thuộc hình thành. Dù là ảnh chụp kỳ nghỉ của đồng nghiệp, thông báo thăng chức của bạn đại học hay cách pha cà phê buổi sáng hoàn hảo của người lạ cũng khiến cô cảm thấy mình vô dụng và kém cỏi. Serena tự hỏi "Tại sao mình không sống một cuộc sống như thế?".
Thói quen này, tiến sĩ Jefferey Bernstein gọi là so sánh xã hội - một kẻ đánh cắp niềm vui. Khi tập trung vào những gì người khác có mà bạn không có sẽ phóng đại sự bất an và bỏ qua những điểm mạnh và thành tích của mình.
Đặc biệt, thói quen này gia tăng khi sự phát triển của mạng xã hội cho phép mọi người công khai một khoảnh khắc mà không thể thấy những thực tế tồi tệ phía sau.
Con người hiện đại dễ so sánh mình với người khác do tác động từ mạng xã hội. Ảnh:Pixabay
Bỏ quên những điều tốt đẹp hàng ngày
Buổi sáng của Jamal bắt đầu vội vã. Anh căng thẳng vì các cuộc họp và KPI ngay khi cầm tách cà phê và ra khỏi cửa. Khi về nhà, anh quá mệt mỏi khi nghĩ về ngày hôm đó. Jamal nằm trên giường nghĩ về những gì đã sai hoặc những gì cần làm.
Khi bạn bỏ qua những điều tốt đẹp trong cuộc sống nghĩa là tự tước đi niềm vui. Nghiên cứu cho thấy, những người tích cực thực hành lòng biết ơn sẽ hạnh phúc lớn hơn, ít căng thẳng hơn và sức khỏe được cải thiện.
Lòng biết ơn không phải bỏ qua khó khăn mà là nhận ra những điều nhỏ nhặt bạn có được, giúp cuộc sống tươi đẹp hơn.
Chuyên gia khuyên nên bắt đầu hoặc kết thúc một ngày bằng nhật ký biết ơn. Hãy viết ra ba điều bạn biết ơn, đơn giản như cách ánh sáng mặt trời chiếu vào bàn bếp, một lời tử tế từ đồng nghiệp hoặc thậm chí một tách cà phê ngon.
Theo thời gian, thói quen này sẽ định hình lại bộ não, giúp bạn tập trung vào những điều tích cực.
Trì hoãn những việc quan trọng
Lila có những ước mơ như viết một cuốn sách, du lịch đến một đất nước cô muốn và khởi nghiệp kinh doanh. Nhưng mỗi ngày, những ước mơ đó lùi lại phía sau những việc có vẻ cấp bách và không quan trọng: trả lời email, xem TV liên tục, lướt qua các nguồn tin tức.
Việc này không chỉ trì hoãn mục tiêu của bạn, còn làm cạn kiệt sự viên mãn. Theo thời gian, thói quen này tạo cảm giác không hài lòng, đè nặng lên hạnh phúc.
Nhà tâm lý học Jefferey Bernstein lưu ý cần xác định nhiệm vụ hoặc mục tiêu có ý nghĩa mỗi ngày, dành 20 phút cho mục tiêu đó. Bạn nên chia nhỏ những mục tiêu lớn thành các bước nhỏ hơn, dễ quản lý hơn. Khi bạn tiến bộ, sẽ thấy có cảm giác hoàn thành và động lực nâng cao tinh thần, giúp tập trung.
Chuyên gia cho rằng hạnh phúc không phải cảm xúc thoáng qua mà là sự phản ánh những thói quen bạn vun đắp. Giống Serena, Jamal và Lila, bạn có thể phá hoại niềm vui của mình mà không nhận ra. Nhưng với một vài thay đổi có ý thức, bạn có thể thoát khỏi khuôn mẫu này.
"Hạnh phúc không phải là đạt được sự hoàn hảo mà là dành chỗ cho niềm vui trong những khoảnh khắc thường ngày", chuyên gia nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/3-thoi-quen-hang-ngay-khien-ban-thay-kho-4827387.html