Những lưu ý trong việc lập bàn thờ Phật tại gia
Những điều lưu ý trong việc lập bàn thờ Phật tại gia
Điều quan trọng nhất khi thờ Phật đó chính là một lòng thành tâm. Khi lập bàn thờ Phật tại gia, bạn phải luôn giữ gìn ngũ giới, không được phép sát sinh trong nhà. Nên có thói quen ăn chay vào ngày mùng 1 và ngày rằm hàng tháng. Luôn giữ thân – khẩu – ý thiện lành, thiền định và niệm Phật mỗi ngày sẽ tốt hơn. Biết nhận ra sai trái và sám hối, thường xuyên làm việc thiện, tránh gây ra ác nghiệp.
Không được thờ Phật với mưu cầu danh lợi, giàu sang phú quý… Bởi lẽ, Phật luôn dạy chúng ta mọi vạn vật trên nhân gian luôn có nhân quả. Chính vì vậy, thờ Phật với mưu cầu danh lợi sẽ gây ra tà nghiệp.
Khi thỉnh Phật ra khỏi cửa hàng là đi thẳng về nhà ngay. Sau khi về nhà, hãy an vị Phật lên bàn thờ, không để những nơi lộn xộn trong nhà. Cho nên, trước khi thỉnh Phật về nhà bạn cần chuẩn bị bàn thờ chu đáo và trang nghiêm nhất.
Bày trí bàn thờ Phật tại gia
Bàn thờ Phật phải được đặt ở sảnh giữa nhà, áp lưng vào tường. Hướng quay ra cửa chính của nhà. Khi người ngoài nhìn vào là thấy ngay bàn thờ Phật mà thành tâm phụng lễ.
Bàn thờ Phật không được đặt hướng đối diện lò, bếp, phòng ngủ, nhà vệ sinh. Không được dựa bàn thờ Phật vào tường nhà tắm, nhà vệ sinh, cầu thang. Và đặc biệt không nên thờ Phật trong phòng ngủ.
Nếu trong nhà có bàn thờ gia tiên, thì phải đặt bàn thờ gia tiên ở phía bên trái hoặc bên phải của bàn thờ Phật. Bàn thờ Phật phải được đặt vị trí cao nhất, vì Ngài là bậc Viên Giác của chúng sinh.
Cần chú ý, khi thờ Phật thì không được thờ thần, thánh. Mà đã thờ thần, thánh thì không được thờ Phật, chỉ nên thờ một dòng.
Bàn thờ Phật không cần bày trí quá cầu kì, chỉ cần đơn giản nhưng trang nghiêm:
Bát hương: Đặt ở giữa bàn thờ. Bát hương không nên quá đầy tro. Ngày 15 âm lịch hàng tháng có thể rút bớt chân hương cho sạch sẽ.
Chuông: Khi niệm Phật xong, thắp nhang lên bát hương rồi gõ 3 tiếng chuông.
Bình hoa: Tốt nhất là dùng hoa sen, hoa huệ, hoặc cây sống đời cũng được vì nó có thể sống lâu. Để bình hoa ở bên phải bàn thờ Phật nếu nhìn từ ngoài vào.
Dĩa đựng trái cây: Dĩa đựng trái cây cúng dường Phật không được dùng cho bàn thờ gia tiên hay dùng cho việc khác (tương tự cho các bàn thờ khác, không dùng qua lại lộn xộn). Chỉ dâng hoa quả cúng dường Phật mà thôi, tuyệt đối không cúng mặn. Không sắm sửa vàng mã, tiền âm phủ… để dâng cúng trên bàn thờ Phật mà tạo nghiệp. Trái cây dâng cúng Phật nên chọn trái tươi ngon, cần chất lượng chứ không trọng số lượng. Khi sắp trái cây lên dĩa nên quay cuống lá lên trên, tránh để ngược cuống xuống dưới mà trái với tự nhiên. Đặt dĩa trái cây ở bên trái bàn thờ Phật nếu nhìn từ ngoài vào.
Ly nước: Nên đặt ở giữa hoặc bên trái bàn thờ, cạnh đĩa trái cây. Nước dâng Phật phải là nước sạch, tinh khiết. Không được dùng ly nước trên bàn thờ Phật vào việc khác.
Phải luôn giữ bàn thờ Phật thật sạch sẽ. Nên dâng hương bàn thờ Phật ngày 2 lần. Tốt nhất là quỳ lạy Phật, sám hối trước bàn thờ Phật khi dâng hương mỗi ngày.
Tượng Phật, Bồ Tát: Đa phần thỉnh ở các cửa hàng chuyên về hình tượng Phật. Tùy tâm, có thể thờ Tam Thế Phật (Đức A Di Đà – Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni – Đức Di Lặc), hoặc Tây Phương Tam Phật (Đức A Di Đà, Đức Quán Thế Âm, Đức Đại Thế Chí), hoặc chỉ đơn giản là hình tượng Đức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật hay A Di Đà Phật (đặt ở giữa bàn thờ) và mẹ Quán Thế Âm Bồ Tát (đặt ở bên trái bàn thờ, nhìn từ ngoài vào). Hình tượng Phật, Bồ Tát nên chọn sao cho khuôn mặt, diện mạo cân đối, toát lên vẻ Từ Bi Hỷ Xả, trang nghiêm thoát tục. Sở dĩ nói vậy vì một số người đúc tượng, vẽ hình Phật “không” có tâm nên sản phẩm họ làm ra nhìn rất mất thẩm mỹ, thậm chí khuôn mặt cau có, mày nhăn, môi chúm… không mang nét Từ Bi Hỷ Xả vốn có của nhà Phật. Quý cư sĩ nên lưu ý.
An vị tượng Phật
Ngày thượng an vị Phật nên chọn vào ngày mùng 1, ngày rằm, hay ngày vía chư Phật, chư Bồ Tát.
Khi đã chuẩn bị mọi thứ xong, bày trí sẵn sàng (như đã giảng ở trên) mới thỉnh hình tượng Phật về để an vị. Nhớ rằng thỉnh ở cửa hàng ra là về thẳng ngay tư gia mà thượng Phật lên bàn thờ, làm lễ an vị. Thắp 1 hoặc 3 nén hương, mọi người trong gia đạo quỳ trước chư Phật (bàn thờ Phật) mà khấn rằng:
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Chúng con tên… Pháp danh… Tuổi…
Nay quỳ trước Phật đài, chúng con xin đảnh lễ an vị Phật tại tư gia… Nguyện hồng ân Tam Bảo 10 phương gia hộ cho mọi người trong gia đạo chúng con nói riêng, pháp giới chúng sanh nói chung được khai tâm mở trí, sám hối nghiệp chướng bao đời, thấm nhuần Phật Pháp mà tu hành tinh tấn đúng theo Chánh Pháp Phật…
Nam mô A Di Đà Phật (3 lần)
Đó chỉ là gợi ý điển hình, Quý cư sĩ có thể tùy tâm mà khấn nguyện sao cho đúng Pháp. Tuyệt đối không thờ Phật để cầu danh lợi, con cái, giàu sang phú quý… mà rơi vào tà kiến, nghiệp mang. Tất cả đều phải thuận theo luật nhân-quả, khế hợp với tâm Từ Bi Hỷ Xả – Vô ngã – Vô cầu của nhà Phật thì việc thờ Phật mới đúng Pháp trang nghiêm, tự khắc sẽ được chư Phật – chư Hộ Pháp 10 phương gia trì tu tiến.
Phải giữ bàn thờ Phật luôn sạch sẽ. Nên dâng hương lạy Phật mỗi ngày 2 lần, khoảng 6 giờ sáng và 6 giờ tối. Nếu kết hợp lạy sám hối với công phu thực hành tham thiền, niệm Phật, trì chú thì không gì quý bằng.
Phật chẳng có tướng nơi hình, tượng đang thờ. Lập bàn thờ Phật là nương nơi sự tướng mà tu Phật, hành theo hạnh Phật, tầm về Tự Tánh Phật của chính mình. Thờ một vị Phật tức thờ thập phương ba đời Chư Phật. Niệm Phật danh một vị Phật tức đồng niệm Phật danh thập phương ba đời Chư Phật. Vì vậy, tùy tâm duyên mà thỉnh vị Phật mình kính hướng nhưng tuyệt đối không sanh tâm ý phân biệt cao thấp, chọn Phật này, bỏ Phật kia… mà phạm thượng. “Năng lễ, sở lễ, Tánh không tịch”, nếu có thể liễu triệt Lý Tánh nêu trên thì việc thờ kính Phật, tu hành sẽ lợi lạc vô cùng trên đường giác ngộ.
Article sourced from TUVINGAYNAY.
Original source can be found here: https://tuvingaynay.com/lap-ban-tho-phat-tai-gia-va-nhung-luu-y-can-biet-de-ca-nha-luon-binh-an.html