Những lần lực lượng Mỹ bắn nhầm quân mình
Bộ Tư lệnh Trung tâm (CENTCOM), đơn vị đặc trách hoạt động của quân đội Mỹ tại Trung Đông, ngày 22/12 thông báo tuần dương hạm USS Gettysburg đã bắn nhầm tiêm kích F/A-18F khi phi cơ đang làm nhiệm vụ tại khu vực Biển Đỏ. Một quan chức hải quân Mỹ nói sự việc xảy ra vào 3h sáng 22/12.
Sau khi tiêm kích trúng tên lửa, hai phi công phóng ghế thoát hiểm và được giải cứu an toàn. Cả chiến hạm USS Gettysburg và tiêm kích F/A-18F đều thuộc biên chế nhóm tác chiến tàu sân bay USS Harry S. Truman. Lực lượng Mỹ được cho là đang cân nhắc trục vớt xác máy bay.
Tiêm kích F/A-18F cất cánh từ tàu sân bay USS Harry S. Truman tại Trung Đông hôm 16/12. Ảnh: US Navy
Đây không phải lần đầu tiên Mỹ để xảy ra sự cố "quân ta bắn quân mình", dù nước này là cường quốc quân sự hàng đầu thế giới và đang vận hành các công nghệ nhận diện địch - ta tiên tiến.
Một trong những vụ nổi tiếng nhất xảy ra vào ngày 14/4/1994 tại miền bắc Iraq, trong khuôn khổ Chiến dịch An ủi (OPC) được Mỹ thực hiện để hỗ trợ dân tị nạn người Kurd sau Chiến tranh Vùng Vịnh năm 1991.
Khi đó, hai phi cơ F-15C Eagle của không quân Mỹ đang hoạt động dưới sự chỉ huy của một máy bay cảnh báo sớm (AWACS) đã nhận diện nhầm hai trực thăng UH-60 Black Hawk của lục quân Mỹ là trực thăng quân sự Mi-24 của Iraq. Vì vậy, hai chiếc F-15C Eagle đã phóng tên lửa phá hủy các trực thăng, khiến toàn bộ 26 người trên đó thiệt mạng, bao gồm quân nhân Mỹ, Anh, Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.
Kết quả điều tra cho thấy đã có nhiều sai sót xảy ra, trong có các phi công F-15 bị chỉ trích vì nhận nhầm đồng đội thành kẻ thù, còn phi hành đoàn của chiếc AWACS mắc lỗi vì đã không can thiệp.
Ngoài ra, thiết bị nhận diện địch - ta trên hai chiếc Black Hawk đã không hoạt động đúng cách, trực thăng thuộc biên chế lục quân Mỹ cũng không được tích hợp tốt vào hoạt động chung của không quân trong khuôn khổ OPC.
Tiêm kích F-15C Eagle Mỹ bay trên bầu trời bang Massachusetts hồi tháng 7. Ảnh: Không quân Mỹ
Một số sĩ quan không quân Mỹ đã bị phạt hành chính, chỉ có một thành viên trong phi hành đoàn của chiếc AWACS bị đưa ra tòa án quân sự, song người này được tuyên vô tội.
Một sự cố bắn nhầm đồng đội đáng chú ý khác của quân đội Mỹ xảy ra vào ngày 2/4/2003, gần thành phố Karbala ở miền trung Iraq, trong lúc hai tiêm kích hạm F/A-18 đang trở về tàu sân USS Kitty Hawk.
Một khẩu đội Patriot nhận diện nhầm tín hiệu radar của chiếc F/A-18 là tên lửa Iraq và thông báo cho Trung tâm Điều phối Thông tin, sở chỉ huy phòng không Mỹ ở khu vực. Không lâu sau đó, một khẩu đội Patriot khác cũng phát hiện chiếc tiêm kích hạm và đưa ra kết luận sai lầm tương tự, tin rằng họ và lực lượng Mỹ tại khu vực đang bị tấn công.
Các báo cáo này khiến trung tâm chỉ huy quyết định cho phép khai hỏa hai tên lửa phòng không để hạ mục tiêu, làm chiếc F/A-18 bị rơi và phi công thiệt mạng.
Cuộc điều tra sau đó kết luận rằng sự cố bắt nguồn từ chuỗi phán đoán sai lầm mang tính hệ thống, không phải do bất cẩn và các quân nhân liên quan không phải chịu bất kỳ hình thức kỷ luật nào.
Đây là vụ "quân ta bắn quân mình" thứ hai của lực lượng Mỹ trong hơn một tuần. Trước đó, ngày 22/3/2003, một chiến đấu cơ Tornado GR4 của Anh đã bị tổ hợp phòng không Patriot của đồng minh Mỹ bắn rơi gần biên giới Iraq - Kuwait, khiến cả hai thành viên phi hành đoàn thiệt mạng. Chiếc phi cơ bị nhận diện nhầm là tên lửa diệt radar.
Theo kết quả điều tra, hệ thống nhận diện địch - ta trên chiếc Tornado GR4 đã ngừng hoạt động giữa chừng, dù đã được kiểm tra trước khi bay. Nguyên nhân được cho là do sự cố liên quan nguồn điện của bộ phát đáp và lỗi này cũng khiến hệ thống cảnh báo không thể kích hoạt để báo hiệu cho phi công khi tên lửa lao tới.
Bệ phóng Patriot được lục quân Mỹ triển khai ở Croatia tháng 5/2021. Ảnh: Lục quân Mỹ
Trong khi đó, tổ vận hành hệ thống Patriot mới chỉ đến Kuwait khoảng một tháng và không được cung cấp đầy đủ thiết bị tiêu chuẩn. Họ khi đó cũng đang ở trong tình trạng báo động cao, do một căn cứ khác tại khu vực vừa bị tấn công bằng lựu đạn.
Tổ vận hành chỉ có thể liên lạc với sở chỉ huy tiểu đoàn thông qua một đường truyền vô tuyến duy nhất, điều hạn chế khả năng nhận thức tình hình của họ khi chiếc Tornado bắt đầu hạ độ cao để quay về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ không kích.
Khi hệ thống nhận diện địch - ta trên phi cơ Anh không phản hồi, tên lửa Patriot tự động xác định nó là mối đe dọa từ Iraq, dẫn đến sự cố chết người.
Một đồng minh khác của Mỹ là Canada cũng từng là nạn nhân của tình trạng "quân ta bắn quân mình". Ngày 17/4/2002, trên đường trở về căn cứ sau khi hoàn thành nhiệm vụ tuần tra tại Afghanistan, hai tiêm kích F-16 của Vệ binh Quốc gia Mỹ đã đi qua vùng sa mạc gần thành phố miền nam Kandahar, nơi lực lượng Canada đang tiến hành tập trận bắn đạn thật.
Tưởng nhầm mình đang bị tấn công từ dưới mặt đất, một trong hai phi công đã xin sở chỉ huy cho phép oanh tạc mục tiêu, song được lệnh chờ do thông tin chưa rõ ràng.
Dù vậy, viên phi công này sau đó vẫn tự ý thả một quả bom dẫn đường nặng 500 kg xuống phía dưới với lý do đang bị pháo binh đối phương nhắm bắn, khiến 4 quân nhân Canada thiệt mạng và 8 người bị thương. Đây là các binh sĩ Canada đầu tiên tử trận kể từ Chiến tranh Triều Tiên 1950-1953.
Viên phi công sau không phải ra tòa án quân sự, chỉ bị kết tội thiếu trách nhiệm khi làm nhiệm vụ, bị khiển trách và trừ một tháng lương.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-lan-luc-luong-my-ban-nham-quan-minh-4830915.html