Những công dụng cho sức khỏe của nước lá tía tô
BSCK chuyên khoa 2 Nguyễn Thu Thủy, trưởng khoa Y học cổ truyền (BV Đa khoa Đức Giang) cho biết, tía tô vừa là rau ăn, vừa là dược liệu có nhiều công dụng với sức khỏe. Tại Nhật Bản, tía tô có giá đắt đỏ và được ví là “lá hồi sinh”. Theo bác sĩ Thủy, không phải ngẫu nhiên lá tía tô được ví von như vậy, nếu biết cách sử dụng loại lá này không khác gì “tiên dược” với sức khỏe.
Trong cuộc sống hàng ngày, đa số mọi người dùng lá tía tô để kết hợp nấu ăn, hoặc khi cảm cúm vò ra uống nhằm giải cảm, hạ sốt. Bác sĩ Thu Thủy cho rằng, để mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, chúng ta nên dùng lá tía tô thường xuyên, đặc biệt là vào buổi sáng.
Theo hướng dẫn của bác sĩ Thủy, chế biến nước tía tô không mất thời gian và cầu kỳ. Mọi người chỉ cần lấy khoảng một nắm lá nhỏ rửa sạch, thêm chút đường phèn và 3 lát gừng (có thể cho sau) rồi đun sôi, uống khi còn ấm. “Nước lá tía tô uống trước ăn hoặc sau ăn sáng đều được. Tốt nhất nên uống trước ăn để giúp thanh lọc cơ thể tốt hơn”, bác sĩ Thủy cho hay.
Với những người kiêng không dùng được hoặc mật ong, có thể chỉ đun nguyên lá tía tô uống cũng rất tốt. “Bản thân tôi đã uống lá tía tô nhiều năm nay để thanh lọc cơ thể, đồng thời phòng tránh ho, viêm họng”, bác sĩ Thủy chia sẻ.
Theo bác sĩ Thủy, tía tô có mùi thơm, vị cay đặc trưng, tính ấm. Công dụng chung của lá tía tô là giải độc, trị cảm mạo, hạ sốt, nhức đầu, ho hen suyễn. Còn việc uống vào buổi sáng sẽ giúp sát khuẩn, làm sạch hầu họng, thanh lọc cơ thể. Đặc biệt, người đang bị viêm họng uống nước lá tía tô rất hiệu quả vì đây là loại lá chứa nhiều kháng sinh tự nhiên. Dù nước lá tía tô có thể uống hàng ngày, nhưng bác sĩ Thủy khuyến cáo không nên uống quá đặc và chỉ nên dùng một lần/ngày với khoảng 200-300ml.
Dưới đây là một số công dụng của lá tía tô với sức khỏe:
Hỗ trợ điều trị mề đay, mẩn ngứa
Có thể dùng nước tía tô để uống, lấy lá đắp lên vùng da bị mẩn ngứa, giúp làm giảm tình trạng ngứa, mẩn đáng kể.
Giúp giảm khó chịu cho dạ dày
Lá tía tô chứa flavonoid, giúp làm dịu các dấu hiệu khó chịu của bệnh dạ dày, như đầy hơi, buồn nôn. Dầu trong tía tô cũng có thể giúp giảm viêm trong dạ dày, do đó cải thiện tiêu hóa đồng thời giảm tác động của chứng khó tiêu.
Phòng tránh các biến chứng hen suyễn
Lá tía tô không có tác dụng điều trị hoàn toàn bệnh hen suyễn, nhưng chúng giúp phòng ngừa tình trạng dị ứng, viêm và quá trình oxy hóa ở bệnh nhân, từ đó góp phần kiểm soát các triệu chứng phụ như ho, đờm, khó thở...
Nước lá tía tô có nhiều tác dụng với cơ thể, được chuyên gia khuyên sử dụng thường xuyên. Ảnh minh họa.
Làm đẹp da
Uống nước lá tía tô sẽ giúp thanh lọc cơ thể, giải độc và giúp da đẹp hơn, ngừa mụn. Tinh dầu trong tía tô rất tốt trong việc điều trị da lão hóa và duy trì độ ẩm cho hàng rào bảo vệ da, giảm nguy cơ mất nước. Dầu tía tô cũng chứa các đặc tính chống viêm, hỗ trợ điều trị các vấn đề trên da.
Hỗ trợ cho người bị bệnh gout (gút)
Trong lá tía tô chứa các hoạt chất làm giảm tương đối nồng độ acid uric trong máu, từ đó góp phần hỗ trợ cải thiện tình trạng gout. Tuy nhiên người bệnh vẫn nên hỏi ý kiến bác sĩ điều trị để cân đối sử dụng hợp lí với loại thuốc được kê.
Hỗ trợ giải cảm
Tía tô được y học cổ truyền xếp vào loại giải biểu, được hiểu là thuốc giải cảm được sử dụng để điều trị các triệu chứng ngoại cảm ở các giai đoạn đầu của bệnh. Có nhiều phương thức để người bệnh sử dụng như nấu cháo hành cùng tía tô, vừa kích thích tiết dịch vị, vừa giúp tiết mồ hôi giải cảm; đun thật nóng nước lá tía tô rồi xông toàn thân. Cách thức phù hợp cho cả trẻ nhỏ và người lớn tuổi là đun nước lá tía tô và uống khi còn ấm nóng.
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/khong-phai-sua-hay-mat-ong-loai-nuoc-tu-la-hoi-sinh-nay-duoc-chuyen-gia-khuyen-nen-cham-uong-buoi-sang-c131a600594.html