Những ai nên cảnh giác tầm soát ung thư đường tiêu hóa?
Tránh được ung thư nhờ chăm đi khám sức khỏe
Ông L.V.M (nam, 54 tuổi, ở Hà Nội) có sức khỏe hoàn toàn bình thường, nhưng vẫn thường xuyên đi khám sức khỏe định kỳ. Thấy ông chăm đi khám, một số người bạn phàn nàn, cho rằng ông “ném tiền qua cửa sổ”, nhưng ông để ngoài tai vẫn thực hiện khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần.
Ông M cho biết, khám sức khỏe ngoài để biết tình trạng sức khỏe chung, ông luôn nhờ bác sĩ lưu ý đến hệ tiêu hóa vì lo bị ung thư. “Gia đình tôi 3 đời bị ung thư đường tiêu hóa từ ông nội, đến bố và anh chị em ruột đều có tiền sử mắc ung thư, điều này luôn khiến tôi lo lắng. Vì thế, mỗi lần đi khám tôi luôn nhờ bác sĩ lưu ý, kiểm tra kỹ lưỡng đường tiêu hóa”, ông M chia sẻ.
Lần kiểm tra sức khỏe này, ông M được bác sĩ chỉ định nội soi đường tiêu hóa, kết quả phát hiện nhiều polyp đại tràng, kích thước lớn nhất lên đến 1,5cm. Ngay sau đó, ông M được chỉ định cắt polyp và mang mẫu đi làm sinh thiết, xét nghiệm gene ung thư.
Thạc sĩ, bác sĩ Lưu Tuấn Thành - Chuyên khoa Tiêu hóa điều trị cho bệnh nhân cho biết, ông M rất may mắn khi chủ động đi khám sức khỏe sớm, dù sức khỏe hoàn toàn bình thường. Bởi kết quả sinh thiết và xét nghiệm gene ung thư cho thấy, polyp đại tràng của bệnh nhân bị loạn sản cao, đây là tổn thương tiền ung thư, nếu không phát hiện sớm sẽ tiến triển thành ung thư.
“Đây là trường hợp rất đáng học hỏi, khi người bệnh chủ động đi kiểm tra sức khỏe ngay cả khi cơ thể khỏe mạnh. Thực tế, không ít trường hợp chủ quan nên phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, thậm chí khối u đã di căn gây khó khăn trong điều trị”, bác sĩ Thành cho biết.
Ai nên cảnh giác tầm soát ung thư tiêu hóa?
Bác sĩ Lưu Tuấn Thành cho biết, bệnh lý tiêu hóa nói chung, ung thư đường tiêu hóa nói riêng thường diễn biến âm thầm, các dấu hiệu mơ hồ, khó chẩn đoán ngay cả khi khối u đã xuất hiện và phát triển trong thời gian dài.
Để phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa, bác sĩ Thành khuyên người dân nên duy trì thói quen đi khám sức khỏe định kỳ, nhất là những người có yếu tố nguy cơ cao gồm:
- Người có polyp, bị viêm loét dạ dày/ đại tràng, có vi khuẩn HP.
- Người có chế độ sinh hoạt, ăn uống thiếu lành mạnh: Thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, ăn nhiều đồ chiên rán, thức ăn cay nóng.
- Đi khám ngay nếu xuất hiện đau bụng, giảm cân không rõ nguyên nhân, phân có máu.
- Người có yếu tố gia đình như ông, bố, anh chị em ruột mắc ung thư.
Việc thăm khám sức khỏe định kỳ rất quan trọng, sẽ giúp phát hiện sớm nguy cơ ung thư, nhất là ung thư đường tiêu hóa. Ảnh minh họa.
Với những người có yếu tố nguy cơ hoặc triệu chứng đường tiêu hóa, các bác sĩ sẽ tiến hành nội soi để phát hiện bất thường. Bác sĩ Thành cho biết, đây là công cụ “đầu tay” phát hiện sớm ung thư đường tiêu hóa. Trong quá trình nội soi, nếu có polyp các bác sĩ sẽ can thiệp cắt để loại bỏ tổn thương ác tính, cũng như lấy mẫu bệnh phẩm làm sinh thiết tìm căn nguyên. Ngoài ra, để xác định ung thư cũng có thể thực hiện một số biện pháp chẩn đoán khác như xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh.
Ngoài khám sức khỏe định kỳ, bác sĩ Thành khuyến cáo, người dân có thể phòng ung thư đại trực tràng bằng cách: Thực hiện chế độ ăn nhiều chất xơ, giảm thịt đỏ, ăn thêm rau và các củ quả có màu (cà rốt, su hào, cà chua...) kết hợp với vận động thể lực đều đặn và hợp lý. Đồng thời, kiểm soát cân nặng tránh béo phì, uống đủ nước để tránh táo bón, không lạm dụng bia rượu, thuốc lá…
Article sourced from EVA.
Original source can be found here: https://eva.vn/suc-khoe/nguoi-dan-ong-khoe-manh-o-ha-noi-bong-phat-hien-mam-ung-thu-nho-lam-mot-viec-bac-si-het-loi-ngoi-khen-c131a604785.html