Vài giờ sau khi Tổng thống Haiti Jovenel Moise bị ám sát tại tư dinh ở thủ đô Port-au-Prince, tiếng súng vẫn rộ lên ở khu phố gần đó. Cảnh sát Haiti đang truy lùng nhóm nghi phạm được cho là những lính biệt kích nói tiếng Tây Ban Nha.

Trong lúc chiến dịch truy bắt diễn ra, hai người đàn ông Mỹ gốc Haiti mặc áo phông trắng và quần kaki bẩn thỉu đột nhiên tiến về phía cảnh sát. Họ nói muốn đầu hàng.

Một trong hai người là James Solages, người Mỹ nhập tịch thường xuyên di chuyển qua lại giữa Haiti và Nam Florida. Solages, 35 tuổi, khai rằng mình tham gia vào nhóm ám sát sau khi nộp đơn xin việc trên Internet và được nhận làm phiên dịch cho "những người nước ngoài" mà không biết họ tên đầy đủ.

Các nghi phạm tham gia vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise. Ảnh: AP.

Trong khoảng một tháng, Solages và những người nước ngoài này thường xuyên gặp nhau, cùng dùng bữa và trao đổi với các thành viên khác của nhóm bên trong khách sạn cao cấp Royal Oasis, cách tư dinh Tổng thống Moise khoảng 10 phút lái xe.

Theo lời Solages, nhóm người đang thực hiện lệnh bắt Tổng thống Haiti theo chỉ thị từ một thẩm phán. Rạng sáng 7/7, khi cả nhóm tới cổng tư dinh của Tổng thống Moise, chính Solages là người dùng loa phóng thanh nói với lính gác rằng họ là đặc vụ Cơ quan Phòng chống Ma túy (DEA) thuộc Bộ Tư pháp Mỹ và yêu cầu hợp tác.

Tuy nhiên, Solages khai rằng mọi chuyện sau đó đã đi xa ngoài sức tưởng tượng của anh.

Không lâu sau, một lính biệt kích Colombia trong nhóm bước ra khỏi tư dinh của Tổng thống Moise và thông báo với hai thành viên người Mỹ gốc Haiti, Solages và Joseph Vincent, 55 tuổi, rằng Tổng thống đã bị giết trước khi họ đến.

"Hai người đó bảo rằng họ đầu thú vì không còn lựa chọn nào khác", Clement Noel, thẩm phán điều tra đã thẩm vấn hai công dân Mỹ gốc Haiti, cho hay. "Họ không nhận nhiệm vụ ám sát Tổng thống. Khi họ nhận ra hoàn cảnh của bản thân, họ đã tự nộp mình cho cảnh sát".

Âm mưu bí ẩn dẫn đến vụ ám sát Tổng thống Haiti Moise giờ đây mang quy mô quốc tế khi liên quan đến các cựu biệt kích quân đội Colombia, hai công dân Mỹ gốc Haiti.

Mathias Pierre, Bộ trưởng Bầu cử và Quan hệ liên đảng Haiti, cho biết chính phủ nước này đã yêu cầu Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) hỗ trợ phá án. Haiti cũng đã gửi thư lên Đại sứ quán Mỹ và Hội đồng An ninh Liên Hợp Quốc hôm 7/7, không lâu sau vụ ám sát, yêu cầu triển khai lực lượng quân sự hỗ trợ cảnh sát quốc gia nước này khôi phục trật tự trong nước và bảo vệ các cơ sở hạ tầng thiết yếu như trạm điện, bến cảng, sân bay.

Nhà Trắng tuyên bố sẽ cử các quan chức hành pháp tới Haiti để hỗ trợ điều tra, nhưng Mỹ nhiều khả năng sẽ không triển khai quân tới nước này theo yêu cầu.

Theo thông báo từ giới chức Haiti, 20 trong 28 sát thủ đã bị bắt, ba nghi phạm bị bắn chết và 5 người vẫn lẩn trốn. Ngoài hai công dân Mỹ gốc Haiti, 18 nghi phạm bị bắt đều mang quốc tịch Colombia. Đêm 8/7, cảnh sát Haiti công bố hình ảnh 17 nghi phạm trên truyền hình quốc gia cùng loạt hình ảnh về vũ khí, hộ chiếu và các vật dụng khác bị thu giữ.

Nhà chức trách Colombia xác định 18 người bị bắt là cựu quân nhân nước này, vốn là nguồn tuyển dụng hàng đầu cho các công ty an ninh tư nhân và lính đánh thuê.

Vũ khí thu giữ từ nhóm nghi phạm vụ ám sát Tổng thống Haiti Jovenel Moise xếp trên bàn tại buổi họp báo ở Port-au-Prince hôm 8/7. Ảnh:AP.

Ngày 9/7, tướng Jorge Luis Vargas, lãnh đạo Cảnh sát Quốc gia Colombia, thông báo nhà chức trách nước này đang điều tra 4 công ty có thể chịu trách nhiệm cho việc chiêu mộ những lính đánh thuê bị bắt. Ông không cung cấp tên hay bất kỳ thông tin nào khác về 4 công ty trên.

Vargas cùng các quan chức Colombia khác nói rằng các nghi phạm bị bắt ở Haiti đều đã xuất ngũ từ năm 2018 đến 2020. Trên Twitter, cảnh sát Colombia chia sẻ hồ sơ chuyến bay của những người này, cho thấy dường như họ đã nhận nhiệm vụ tới Haiti từ nhiều tháng trước.

Hai người Colombia bị bắn chết sau vụ ám sát đã đi từ Colombia đến Panama rồi đi qua Cộng hòa Dominica để tới Haiti trong nửa đầu tháng 5. 11 người mang quốc tịch Colombia còn lại từ thủ đô Bogota, Colombia, bay tới Cộng hòa Dominica vào ngày 4/6 rồi vượt biên sang Haiti ngày 6/6.

Tổng thống Colombia Ivan Duque đã yêu cầu lãnh đạo cơ quan tình báo quốc gia và tình báo cảnh sát quốc gia tới Haiti, cùng với các đặc vụ Interpol, đến Haiti hỗ trợ cuộc điều tra.

Một phụ nữ tự nhận là vợ của Francisco Eladio Uribe, nghi phạm bị Haiti bắt, hôm 9/7 nói với đài phát thanh Colombia rằng anh ta được hứa hẹn mức thù lao 2.700 USD/tháng khi tham gia nhiệm vụ. Theo lời người phụ nữ này, chồng cô được thông báo đến Cộng hòa Dominica để chờ thông tin và anh ta tin rằng mình sẽ làm vệ sĩ cho một công ty tư nhân.

"Họ không nói sẽ đưa anh ấy đi đâu, chỉ là bất cứ nơi nào họ cần. Đây là một cơ hội việc làm tốt", người phụ nữ tên Yuli Durango chia sẻ với đài phát thanh W Radio.

Uribe được yêu cầu mang theo hai chiếc quần dài, hai áo sơ mi đen cho chuyến đi. Theo lời Durango, chồng cô nhận được lời mời ứng tuyển từ Duberney Capador, một trong những nghi phạm Colombia bị bắn chết sau vụ ám sát.

Durango nhận ra chồng mình khi xem ảnh những nghi phạm bị bắt do truyền thông Haiti đăng tải. Cô không biết tên công ty đã tuyển mộ Uribe, nhưng chồng cô thường gọi nó bằng từ viết tắt là "CTU" khi hai người nói chuyện.

Một công ty có tên CTU Security có trụ sở ở Doral, Florida, chuyên bán thiết bị cảnh sát và quân sự, đồng thời cung cấp "các loại dịch vụ bảo vệ và an ninh khác khau", theo thông tin trên website của công ty. Chủ tịch CTU Security Antonio Intriago không trả lời yêu cầu bình luận.

"Thông tin quan trọng nhất có lẽ là nhóm lính đánh thuê không nhận được yêu cầu giết Tổng thống mà chỉ bắt ông. Tại sao và ai trả tiền cho họ vẫn là điều bí ẩn", Robert Fatton, giáo sư về quản trị chính phủ và các vấn đề quốc tế tại Đại học Virginia, bình luận. "Liệu những lính đánh thuê này có nói dối cảnh sát không cũng là một câu hỏi quan trọng khác".

Hồ sơ tòa án cho thấy một người tên Joseph G. Vincent có cùng ngày sinh với nghi phạm Vincent liên quan đến vụ ám sát Tổng thống Moise. Joseph G. Vincent từng bị buộc tội làm giả hộ chiếu và trộm cắp ô tô tại Mỹ vào thập niên 1990.

Tháng 11/1999, người này, khi đó sống ở Miami, bị giới chức liên bang ở Washington buộc tội cố ý khai man trong đơn xin hộ chiếu, nói rằng anh ta sinh ra ở Indiana và tên của anh ta là Brandon. Ngày sinh trong đơn cũng không đúng.

Anh ta đã nhận tội và bị tuyên án hai năm quản chế. Một người trùng khớp họ tên và ngày sinh của Vincent cũng bị buộc tội trộm cắp ôtô ở Florida vào năm 1995, theo cơ sở dữ liệu trực tuyến của thư ký tòa án hạt Broward. Hồ sơ lưu trữ cho thấy Vincent sinh ra ở Port-au-Prince, nhưng không cho biết vụ án được giải quyết ra sao.

Tại Haiti, thậm chí một số phụ tá thân cận nhất của Tổng thống Moise cũng bị triệu tập thẩm vấn, trong đó có Dimitri Herard, người đứng đầu Đơn vị An ninh Tổng hợp của Dinh Tổng thống (USGPN), đơn vị chịu trách nhiệm về an ninh cho tư dinh của Moise. Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách, trụ sở ở Washington, hôm 9/7 công bố một báo cáo cho thấy Herald cũng là đối tượng của cuộc điều tra do Mỹ tiến hành liên quan đến hoạt động buôn bán vũ khí ở Haiti.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ke-hoach-chieu-mo-nhom-am-sat-tong-thong-haiti-4307233.html