Nhiều quốc gia thay đổi chiến lược săn vaccine Covid-19
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa tiêm mũi thứ ba Pfizer trong bối cảnh giới chức nước này công bố quy định mới nhằm nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Khoảng 100 triệu người, chiếm hơn 2/3 lực lượng lao động ở Mỹ, sẽ phải chấp hành tiêm vaccine Covid-19 bắt buộc.
Trong khi đó, tại Singapore, Thủ tướng Lý Hiển Long cũng vừa tiêm mũi tăng cường Pfizer vào tuần trước. Đất nước 5,7 triệu dân sẽ sử dụng vaccine Moderna trong việc triển khai chương trình tiêm nhắc lại cho người cao tuổi.
Các quốc gia giàu có khác như Anh và Israel đã đặt trước và tích trữ vaccine từ những hãng nổi tiếng để chuẩn bị cho việc tiêm mũi thứ ba. Điều này đặt ra thách thức cho nguồn cung vaccine vốn eo hẹp của các nước đang phát triển.
Theo South China Morning Post, tình trạng này có thể tạo cơ hội “thể hiện” cho các loại vaccine ít được biết đến. Đó là những loại vaccine chưa được sử dụng rộng rãi bên ngoài quốc gia sản xuất và trong nhiều trường hợp vẫn chưa được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phê duyệt.
Tấm biển thông báo thử nghiệm lâm sàng vaccine Soberana 02 tại một bệnh viện ở Havana, Cuba. Ảnh: Reuters. |
Đi tìm lựa chọn thay thế
Trên thực tế, một số loại vaccine ngừa Covid-19 ít được biết đến đang trở thành tâm điểm chú ý trong bối cảnh hạn chế nguồn cung vaccine toàn cầu ảnh hưởng đến nỗ lực tiêm chúng của các nước nghèo.
Một số quốc gia đang phát triển hoặc chưa phát triển, không đủ khả năng mua vaccine của Mỹ và các nước phương Tây, đang chuyển sang Cuba để mua vaccine với giá cả phải chăng hơn.
Các nước khu vực Mỹ Latin và Caribbean, bao gồm Argentina, Venezuela và Jamaica cũng đánh tín hiệu cho thấy họ quan tâm đến việc mua vaccine của Cuba.
Iran đã bắt đầu sản xuất và cho phép tiêm vaccine Soberana 2 của quốc đảo này vào năm nay. Venezuela cũng dự định sản xuất vaccine Abdala.
Vaccine Abdala và Soberana 2 là hai trong năm loại vaccine nội địa của Cuba đang được sử dụng hoặc phát triển ở quốc gia Mỹ Latin. Tất cả đều chưa được WHO phê duyệt.
Các nhà chức trách Cuba cho biết Abdala đã được chứng minh là có hiệu quả hơn 92% trong các thử nghiệm địa phương. Nhưng dữ liệu từ các nghiên cứu vẫn chưa được công bố trên tạp chí quốc tế được bình duyệt.
Người dân được tiêm vaccine Covid-19 Abdala ở Havana, Cuba. Ảnh: AFP. |
“Các nước có khuynh hướng tìm kiếm bất cứ loại vaccine nào có sẵn. Nhưng chúng tôi khuyên nên lấy ý kiến từ Nhóm chuyên gia tư vấn chiến lược (SAGE) về tiêm chủng của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO)”, Shabir Madhi, giáo sư về vaccine tại Đại học Witwatersrand ở Johannesburg, Nam Phi cho biết.
Thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước
Tại Ấn Độ, các quan chức cho biết nước này có kế hoạch nối lại xuất khẩu vaccine nội địa từ tháng 10, sau khi đình chỉ các lô hàng vào tháng 3 để tập trung dập dịch trong nước.
Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Mansukh Mandaviya nói với truyền thông địa phương vào tuần trước rằng ông dự kiến tổng sản lượng vacine trong nước sẽ vượt quá một tỷ liều trong quý cuối cùng của năm 2021, “quá đủ để đáp ứng nhu cầu trong nước”.
Hiện chính phủ Ấn Độ đã phê duyệt ba loại vaccine nội địa, bao gồm Covaxin, được phát triển bởi doanh nghiệp nhà nước Bharat Biotech. Tuy nhiên, chúng vẫn chưa nhận được sự chấp thuận của WHO.
Các quan chức WHO sẽ họp vào tháng 10 để thảo luận về việc cấp phép sử dụng khẩn cấp cho Covaxin.
Covaxin, được nhà sản xuất báo cáo là có hiệu quả 77,8% trong các thử nghiệm giai đoạn III, chiếm khoảng 12% số vaccine đang được sử dụng ở Ấn Độ.
Vaccine này cho đến nay mới chỉ được cấp phép ở một số ít các quốc gia đang phát triển bao gồm Guyana, Philippines và Zimbabwe.
Bharat Biotech cho biết họ dự kiến sản xuất 35 triệu liều vaccine vào tháng 9 và 55 triệu liều vào tháng 10, và cố gắng đạt mục tiêu sản xuất 100 triệu liều mỗi tháng vào cuối năm nay.
Nhân viên làm việc tại dây chuyền sản xuất vaccine Covid-19 ở bang Maharashtra, miền Tây Ấn Độ. Ảnh: UNICEF. |
Vào tháng 8, cơ quan quản lý Ấn Độ cũng cấp phép sử dụng khẩn cấp cho vaccine ADN đầu tiên trên thế giới, Zydus Cadila. Vaccine này hoạt động bằng cách đưa một đoạn nhỏ mã di truyền của virus vào các phân tử ADN được gọi là plasmid.
Một loại vaccine khác cũng đang được công ty Biological E có trụ sở tại Hyderabad, Ấn Độ phát triển là Corbevax. Vaccine này đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng cuối cùng, và dự kiến sẵn sàng sử dụng vào tháng 12.
Thử nghiệm giai đoạn I đối với vaccine đầu tiên dựa trên công nghệ mRNA của Ấn Độ cũng vừa kết thúc vào tháng trước. Các nhà chức trách đã “bật đèn xanh” cho giai đoạn thử nghiệm lâm sàng tiếp theo.
Các quốc gia khác bao gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan và Indonesia cũng đang nỗ lực phát triển vaccine tự sản xuất trong nước với kỳ vọng đáp ứng nhu cầu tiêm chủng trong nhiều năm tới.
Theo nhà virus học hàng đầu Ấn Độ Shahid Jameel, mũi tiêm thứ ba ở giai đoạn này của đại dịch sẽ làm căng thẳng hơn nữa nguồn cung vaccine.
“Covid-19 đã cho thấy nhu cầu cấp thiết trong việc thúc đẩy sản xuất địa phương để nâng cao khả năng tiếp cận công bằng”, ông Jameel nói.
Article sourced from NEWS.
Original source can be found here: https://news.zing.vn/tam-quen-pfizer-va-moderna-cac-nuoc-thay-doi-chien-luoc-san-vaccine-post1267232.html