Nhà báo Mỹ có thể bị EU trừng phạt vì phỏng vấn ông Putin
Guy Verhofstadt, cựu thủ tướng Bỉ và hiện là thành viên Nghị viện châu Âu, hôm 7/2 nói việc Tucker Carlson, cựu người dẫn chương trình hãng Fox News, tới Nga phỏng vấn Tổng thống Vladimir Putin có thể khiến nhà báo này gặp rắc rối với Liên minh châu Âu (EU).
Verhofstadt kêu gọi EU xem xét áp "lệnh cấm đi lại" đối với Carlson, mô tả nhà báo này là "cái loa tuyên truyền" của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump và ông Putin.
Theo Verhofstadt, EU đang áp lệnh trừng phạt những người hỗ trợ Nga và ông Putin, nên Cơ quan Đối ngoại châu Âu (EAS) đang xem xét trường hợp của Carlson để đưa ra quyết định.
Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 7/2 xác nhận Tổng thống Putin đồng ý trả lời cuộc phỏng vấn của Carlson vì cách tiếp cận của nhà báo này khác với cách đưa tin "một chiều" của nhiều hãng truyền thông phương Tây về xung đột Ukraine.
Tucker Carlson trong trường quay của Fox News Channel tại New York năm 2017. Ảnh: AP
Lần gần nhất ông Putin trả lời phỏng vấn một hãng truyền thông Mỹ diễn ra vào tháng 10/2021. Khoảng 4 tháng sau đó, Tổng thống Nga phát động chiến dịch ở Ukraine. Kể từ đó, ông chưa trả lời phỏng vấn hãng truyền thông nào của Mỹ.
Giải thích lý do phỏng vấn Tổng thống Nga, Carlson nói hầu hết người Mỹ không biết tại sao ông Putin phát động chiến sự Ukraine hoặc mục tiêu hiện nay của ông là gì.
EAS là cơ quan chịu trách nhiệm về chính sách đối ngoại của EU. Để thêm một cá nhân vào danh sách trừng phạt của EU, bằng chứng phải được đưa ra để EAS xem xét. Nếu đủ điều kiện, EAS có thể đệ trình lên Hội đồng châu Âu, cơ quan gồm lãnh đạo các quốc gia EU, để đưa ra quyết định cuối cùng.
Do đó, bất kỳ biện pháp trừng phạt nào với Carlson có thể còn xa vời, ngay cả khi động thái này nhận được sự ủng hộ của các nghị sĩ cũng như nguyên thủ châu Âu.
Một quan chức ngoại giao châu Âu cho biết bất kỳ hạn chế đi lại nào trong tương lai có thể sẽ yêu cầu bằng chứng cho thấy Carlson liên quan hành động gây hấn của Nga, điều "không có hoặc khó chứng minh".
Tuy nhiên, Luis Garicano, cựu thành viên Nghị viện châu Âu, đồng tình với quan điểm của Verhofstadt. "Carlson không còn là người đưa tin, mà đã trở thành người tuyên truyền cho chính phủ Nga, mối nguy hiểm đối với hòa bình và an ninh của chúng ta", Garicano nói.
Nghị sĩ Nghị viện châu Âu Urmas Paet, cựu ngoại trưởng Estonia, lưu ý ông Putin đang bị Tòa Hình sự Quốc tế (ICC) truy nã với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh.
"Nếu Putin có điều gì muốn nói thì ông ấy cần phải nói trước ICC. Carlson không phải là nhà báo thực thụ vì ông ấy cảm thông với Nga và ông Putin, đồng thời không ngừng gièm pha Ukraine. Hành vi tuyên truyền như vậy khiến bạn có thể bị đưa vào danh sách trừng phạt, chủ yếu liên quan lệnh cấm tới các nước EU", nghị sĩ Paet cho hay.
Hiện chưa rõ nội dung cuộc phỏng vấn của Carlson với ông Putin. Trong bài đăng trên tài khoản Instagram ngày 7/2, Carlson cho biết cuộc phỏng vấn sẽ lên sóng lúc 18h ngày 8/2 trên trang web của nhà báo này.
Nhà Trắng cho rằng ông Putin không nên được tạo cơ hội để giải thích về cuộc chiến ở Ukraine. "Tôi không nghĩ chúng ta cần một cuộc phỏng vấn với Putin để hiểu được hành động của ông ấy", người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia John Kirby nói hôm 7/2.
Carlson, 54 tuổi, mang quan điểm bảo thủ, từng chủ trì chương trình Tucker Carlson Tonight trên Fox News từ năm 2016 đến năm 2023. Ông hiện sản xuất chương trình The Tucker Carlson Interview, đăng trên trang web của mình. Carlson từng nói phần lớn truyền thông phương Tây đưa tin về cuộc chiến theo hướng có lợi cho Kiev.
Bạn đang tìm dịch vụ về Giáo dục?
Trường có truyền thống về các chương trình học thuật, âm nhạc, thể thao và nghệ thuật.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/nha-bao-my-co-the-bi-eu-trung-phat-vi-phong-van-ong-putin-4710253.html