Dự thảo nghị quyết do Mỹ soạn thảo ngày 26/5 nhận được 13 phiếu ủng hộ tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc nhưng không được thông qua vì bị hai thành viên thường trực là Nga và Trung Quốc phủ quyết. Đây là lần đầu tiên kể từ năm 2006 một dự thảo nghị quyết nhắm vào Triều Tiên bị chặn tại Hội đồng Bảo an.

Washington muốn áp thêm lệnh trừng phạt kinh tế đối với Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng nối lại các đợt thử nghiệm tên lửa đạn đạo thời gian qua. Mỹ đề xuất cấm mọi nước xuất khẩu thuốc lá và dầu đến Triều Tiên.

Dự thảo nghị quyết đồng thời đưa nhóm tin tặc Lazarus vào danh sách đen, với cáo buộc nhóm này có liên hệ với chính phủ Triều Tiên.

Phiên bỏ phiếu được tổ chức một ngày sau khi Triều Tiên bị cáo buộc phóng thử đồng loạt ba tên lửa, một trong số đó được giới chuyên gia và quan chức quốc phòng các nước đánh giá là tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) lớn nhất từ trước đến nay của Bình Nhưỡng. Vụ thử nghiệm diễn ra ngay sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden hoàn tất chuyến công du châu Á.

Triều Tiên phóng thử nghiệm tên lửa Hwasong-12 vào ngày 29/1. Ảnh: Reuters.

Từ đầu năm đến nay, Triều Tiên đã tổ chức hàng loạt vụ phóng tên lửa các loại. Giới quan sát và quốc phòng Mỹ, Hàn Quốc từng cảnh báo Bình Nhưỡng thử vũ khí hạt nhân trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Biden nhưng lo ngại này đã không xảy ra.

Các lệnh trừng phạt Triều Tiên liên quan chương trình tên lửa và vũ khí hạt nhân nước này đạt đồng thuận tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc xuyên suốt 16 năm qua. Lần gần nhất cơ quan quyền lực nhất Liên Hợp Quốc áp thêm lệnh trừng phạt nhắm vào Triều Tiên là năm 2017.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield nói rằng kết quả bỏ phiếu ngày 26/5 là đáng thất vọng đối với toàn thể Hội đồng Bảo an.

"Thế giới đang đối diện mối đe dọa rõ ràng và nhãn tiền từ Triều Tiên", bà phát biểu tại hội trường. "Sự kìm hãm và im lặng từ hội đồng sẽ không thể diệt trừ hay làm giảm mối đe dọa. Tình trạng này chỉ khiến Triều Tiên hành động táo bạo hơn".

Theo bà Thomas-Greenfield, Washington ước tính Triều Tiên từ đầu năm đến nay đã phóng ICBM ít nhất 6 lần và "đang chủ động chuẩn bị thử hạt nhân".

Nga và Trung Quốc trong vài năm qua liên tục thúc đẩy cộng đồng quốc tế nới lỏng lưới trừng phạt bủa vây Triều Tiên trên cơ sở nhân đạo. Dù giới phân tích và một số nước cáo buộc Moskva cùng Bắc Kinh âm thầm trì hoãn thực thi nội dung một số nghị quyết, phiên bỏ phiếu ngày 26/5 là lần đầu tiên trong 16 năm qua cả hai nước công khai ngăn trừng phạt.

"Tăng lệnh trừng phạt lên Triều Tiên nghĩa là chúng ta chọn con đường đi vào ngõ cụt", Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia phát biểu trước Hội đồng Bảo an. "Chúng tôi đã nhiều lần nhấn mạnh tính chất thiếu hiệu quả và vô nhân đạo của hành vi tăng sức ép trừng phạt lên Bình Nhưỡng".

Trương Quân, Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc, cảnh báo quốc tế tăng trừng phạt Triều Tiên sẽ không cải thiện tình hình mà chỉ gây thêm hiệu ứng tiêu cực và leo thang đối đầu. "Cục diện trên bán đảo Triều Tiên ra nông nỗi này là vì những chính sách thiếu thống nhất của Mỹ và họ không giữ lời sau những lần đối thoại trước đó", ông chỉ trích.

Bắc Kinh kêu gọi Washington dùng hành động tích cực để khuyến khích Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán sau hơn ba năm bế tắc, trong đó có khả năng bỏ một số lệnh trừng phạt hiện hành. Dưới nhiệm kỳ tổng thống Donald Trump, Mỹ và Triều Tiên đã tổ chức ba cuộc gặp thượng đỉnh nhưng vẫn không đạt được tiến triển đáng kể trong mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo.

Washington giữ lập trường Bình Nhưỡng cần phi hạt nhân hóa hoàn toàn và không muốn nhượng bộ sớm hơn. Trong khi đó, Triều Tiên khi nỗ lực đối thoại hòa bình cuối thập niên trước cùng Hàn Quốc và Mỹ đã ủng hộ phương án phi hạt nhân hóa theo giai đoạn, đổi lại được từng bước nới lỏng các lệnh trừng phạt.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-trung-quoc-chan-lenh-trung-phat-trieu-tien-4468549.html