"Anh muốn biến lãnh thổ Ukraine thành vùng đất bị thiêu rụi và hoang vắng. Sẽ không còn tiếng Nga, tiếng Ukraine ở đó, mà chỉ có sự im lặng giống như ở Pripyat và Chernobyl", phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova đăng Telegram hôm 10/4.

Bài đăng của bà Zakharova đề cập thảm họa hạt nhân tại nhà máy điện Chernobyl năm 1986. Nhà máy nằm cách thành phố Pripyat, nơi được xây dựng dành riêng cho công nhân của nhà máy, khoảng 2,5 km.

Sự cố nhà máy Chernobyl đã thải ra môi trường lượng lớn chất phóng xạ, lan ra nhiều vùng ở miền tây nước Nga và châu Âu. Đây được coi là tai nạn có một không hai trong lịch sử ngành năng lượng nguyên tử thế giới. Thành phố Pripyat hoàn toàn bị bỏ hoang sau thảm họa.

Theo bà Zakharova, đạn uranium nghèo đã được sản xuất hàng loạt và sử dụng trong các chiến dịch của NATO. "Ở mức độ lớn, hoạt động với những loại đạn như vậy trong quân đội NATO chủ yếu do quân nhân Italy thực hiện. Khu vực do Italy phụ trách ở Nam Tư có những vùng lãnh thổ với hơn một nửa số đạn uranium nghèo đã được khai hỏa", bà cho hay.

Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova tại cuộc họp báo ở Moskva hồi tháng 2. Ảnh: TASS

Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga, người dân Nam Tư là nạn nhân đầu tiên và tiếp đó là quân nhân Italy. Bà Zakharova chỉ ra rằng ngày càng nhiều vụ người Italy kiện Bộ Quốc phòng. "Lý do các vụ kiện cơ bản như nhau, đó là bệnh ung thư. Ung thư do xử lý đạn uranium nghèo", bà nhấn mạnh.

Bình luận của bà Zakharova nhằm đáp trả phát biểu trước đó một ngày của Bộ Quốc phòng Anh rằng tác động của đạn uranium nghèo đối với sức khỏe quân nhân và môi trường có thể sẽ là "nhỏ".

Đạn có thanh xuyên chứa uranium nghèo (DU) tháng trước trở thành tâm điểm căng thẳng giữa Nga và phương Tây, sau khi Anh thông báo sẽ chuyển cho Ukraine để tăng hiệu quả tiêu diệt xe thiết giáp. Anh nói DU là "một thành phần tiêu chuẩn và không liên quan đến vũ khí hạt nhân", đồng thời khẳng định quân đội nước này "dùng DU chế tạo các loại đạn xuyên giáp trong nhiều thập kỷ".

Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Nga sẽ đáp trả tương ứng với thực tế là "phương Tây đã bắt đầu sử dụng vũ khí có thành phần hạt nhân". Đại sứ quán Nga tại Anh cũng cảnh báo London không được chuyển đạn uranium nghèo cho Kiev.

Mỹ từng sử dụng đạn chứa DU trong cuộc chiến tại Iraq năm 2003-2004. Liên Hợp Quốc ước tính tổng khối lượng uranium nghèo mà Mỹ dùng trong cuộc chiến ở Iraq là ít nhất 300 tấn. NATO khi tấn công Nam Tư năm 1999 từng dùng 40.000 quả đạn loại này, chứa hơn 15 tấn DU.

Theo quân đội Nga, số người mắc ung thư tại Iraq năm 2005 tăng 40 lần so với trước. Tại các quốc gia từng thuộc Nam Tư, tỷ lệ ung thư tăng 25% sau chiến sự.

Việc dùng đạn chứa DU cũng tác động đến chính binh sĩ các nước thành viên NATO từng tham chiến tại Trung Đông và Balkan, với 4.095 người mắc ung thư, trong đó 330 người chết.

Binh sĩ Anh chuyển đạn thanh xuyên chứa uranium nghèo lên xe tăng Challenger 2 tháng 3/2003. Ảnh: PA

Bộ Cựu binh Mỹ cho biết DU phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng khả năng xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người, các tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua mảnh văng, vết thương hở, cũng như đường thở và tiêu hóa.

Tuy nhiên, uranium nghèo sau khi tự cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận.

Nghiên cứu trên tạp chí Harvard International Review thuộc Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng uranium nghèo gây tác hại với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nga-cao-buoc-anh-muon-thieu-rui-mat-dat-o-ukraine-4591857.html