Nga chuyển hướng chiến thuật tại Ukraine

16:00' 24-03-2022
Khi sắp cán mốc một tháng giao tranh, quân đội Nga dần thích ứng với hoàn cảnh và đang có sự thay đổi chiến thuật. Điều này buộc lực lượng Ukraine cũng phải thay đổi theo.

 

Giao tranh tại Ukraine bước sang ngày thứ 27 vào hôm 22/3 mà không có nhiều thay đổi lớn. Hai bên vẫn giằng co quanh Kyiv và các thành phố khác trong lúc Nga tiếp tục tập trung bắn phá từ xa để bù đắp cho việc bộ binh không có tiến triển đột phá.

Tuy thế trận hai bên không có quá nhiều thay đổi, có một số dấu hiệu cho thấy Nga đang dần thích ứng với giao tranh tại Ukraine, theo Task and Purpose, website chuyên về quân sự của Mỹ. Dựa vào kinh nghiệm có được sau gần một tháng, quân đội Nga đã điều chỉnh cả về chiến lược lẫn chiến thuật.

Nhưng đồng thời, lực lượng của Ukraine dường như cũng nhận ra điều đó và bước đầu đã phản công ở một số nơi.

Nga dần thích ứng, Ukraine có điều chỉnh

Theo bản cập nhật thường ngày của Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ, tính tới 4h30 ngày 22/3 (giờ Việt Nam), hai bên vẫn ở thế giằng co.

Quân đội Nga ở khu vực phía tây bắc và đông bắc thủ đô Kyiv tiếp tục nã pháo vào thành phố và củng cố vị trí phòng thủ, nhưng không thực hiện các đợt tấn công lớn trong 24 giờ qua. Tình hình tương tự cũng xuất hiện tại các thành phố ở Đông Bắc Ukraine như Chernihiv, Sumy hay Kharkiv.

Thế trận lớn của hai bên không thay đổi nhưng theo Task and Purpose, quân đội Nga đang dần thích ứng với cách đánh của đối phương.

Các tòa nhà bị cháy ở Irpin, vùng ngoại ô Ukraine vào hôm 21/3. Ảnh: Maxar.

Cảnh tượng các đoàn xe tăng Nga một mình đâm đầu vào trận địa phục kích và bị tiêu diệt như trong những ngày đầu hiện chỉ còn trong quá khứ. Lúc này, đi trước đội hình Nga sẽ là các đơn vị tấn công điện tử, drone và laser. Nga đang sử dụng tên lửa hành trình và các nhóm biệt kích để tấn công vào tuyến hậu cần, nhà máy sản xuất và căn cứ huấn luyện ở Tây Ukraine.

Khi nhận ra phía Ukraine không có ống kính nhìn xuyên đêm cho bệ phóng tên lửa Stinger, Nga chuyển mọi hoạt động trên không vào ban đêm. Có lẽ vì thế, những đòn tấn công bằng tên lửa hành trình của Nga ở miền Tây và Nam Ukraine cũng đều được thực hiện vào buổi tối.

Hôm 22/3, New York Times dẫn lời quan chức quốc phòng Mỹ cho biết hải quân Nga tăng cường hoạt động ở Biển Đen trong hai ngày trở lại. Khoảng một chục tàu Nga rình rập ngoài khơi bờ biển Ukraine, có thể là để chuẩn bị tấn công vào thành phố Odessa ở miền Nam hoặc để ngăn lực lượng Ukraine ở đây tiếp viện cho thành phố Mariupol.

Theo Task and Purpose, một thực tế của cuộc giao tranh này là thời gian không đứng về phía Ukraine. Nếu không có gì thay đổi, Nga - với quân đội lớn gấp 4 lần Ukraine - sẽ dần thu hẹp lợi thế chiến thuật của Ukraine và tới cuối cùng sẽ chiếm thế thượng phong trong kiểu chiến tranh tiêu hao.

Quân đội Ukraine cũng có động thái mới. Bất chấp việc bị oanh tạc nặng nề, Ukraine đã bắt đầu chuyển trạng thái ở một số nơi để khôi phục quyền kiểm soát, AFP dẫn lời người phát ngôn Lầu Năm Góc John Kirby hôm 22/3.

“Họ đang đẩy lực lượng Nga ra khỏi những nơi đối phương từng chiếm được trong quá khứ”, đặc biệt là tại thành phố Mykolaiv ở miền Nam, ông Kirby nói. “Chúng tôi đã quan sát thấy tần suất việc này tăng lên trong những ngày gần đây”.

Bộ Quốc phòng Ukraine hôm 22/3 cũng cho biết quân đội nước này đã đánh bật lực lượng Nga khỏi thị trấn Makariv, cách Kyiv khoảng 60 km, từ đó khiến đối phương không thể bao vây từ hướng tây bắc.

Nga chưa bình luận về Makariv.

Binh sĩ Ukraine di chuyển tới vị trí tại Luhansk vào ngày 8/3. Ảnh: AFP.

Mọi con mắt đổ dồn về Mariupol

Lúc này, dường như mọi ánh mắt đang đổ dồn về Mariupol - thành phố cảng có tầm quan trọng chiến lược ở Đông Nam Ukraine. Ba ngày trước, hôm 19/3, quân đội Nga đã vượt qua hàng phòng ngự của Mariupol và tiến vào thành phố. Vùng hoạt động của binh sĩ Ukraine tại đây ngày càng thu hẹp, ISW viết trong bản cập nhật sáng 22/3.

Vì có vị trí quan trọng, Mariupol đã trở thành điểm nóng giao tranh thứ hai, bên cạnh thủ đô Kyiv. Theo quan chức và nhà ngoại giao một số nước, việc Nga chĩa mũi nhọn vào Mariupol cho thấy Điện Kremlin đang điều chỉnh lại mục tiêu ngắn hạn, sau thất bại của kế hoạch “đánh nhanh, chiếm nhanh” Kyiv.

Nga lúc này dường như đang tập trung hoàn thành mục tiêu ít tham vọng hơn là kiểm soát những vùng chưa chiếm được tại hai thành phố Donetsk và Luhansk ở Donbas. Từ đó, Nga có thể lập hành lang trên bộ từ đây tới bán đảo Crimea - nơi bị Nga sáp nhập từ Ukraine vào năm 2014.

Nếu Mariupol thất thủ, Nga sẽ có trong tay cả hai bờ biển của Biển Azov. 6.000 binh sĩ Nga ở đây cũng sẽ được rảnh tay để cơ động tới các mặt trận khác. Với Mariupol, Nga cũng sẽ kiểm soát 80% đường ra Biển Đen, giáng đòn mạnh vào kinh tế Ukraine.

Lực lượng ly khai thân Nga trên con đường gần thành phố cảng Mariupol hôm 21/3. Ảnh: Reuters.

Chiếm được Mariupol là thắng lợi quân sự khó bị lật ngược. Điều này sẽ buộc lực lượng Ukraine phải phản công trên các đồng bằng rộng mở ở miền Nam. Đây là địa hình mà quân đội Nga có thể tận dụng tối đa lợi thế về thiết bị và hỏa lực.

“Tôi nghĩ rằng Moscow đang tìm kiếm điều gì đó mà họ có thể dùng để tuyên bố là thắng lợi. Chiếm được Donbas và có được đòn bẩy để buộc Kyiv nhượng bộ rất có thể là điều Nga muốn đạt được vào lúc này”, Michael Kofman, chuyên gia về quân đội Nga tại CNA - một viện chính sách tại Mỹ, viết trên Twitter.

Nhưng dù quân đội hai bên có tính toán như thế nào, một điều không thể thay đổi là tình cảnh hoạn nạn của những người dân mắc kẹt dưới làn đạn. Hôm 22/3, Phó thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết ít nhất 100.000 người dân đang mắc kẹt tại Mariupol.

Số ít người dân vẫn có thể trốn được ra ngoài Mariupol. Nadezhda Sukhorukova, một người may mắn trốn thoát, mô tả cảnh tượng như “địa ngục” trần gian tại Mariupol. Tiếng máy bay gào rú và tiếng nổ vang lên gần như không ngớt giữa màn đêm, khi chị Sukhorukova ngồi trong bóng tối dưới hầm.

“Người chết nằm la liệt ở cửa vào, ban công và sân nhà nhưng bạn không hề sợ hãi”, chị Sukhorukova viết trên Facebook sau khi trốn thoát từ tuần trước. “Vì nỗi sợ lớn nhất là pháo kích ban đêm. Bạn có biết những đòn pháo kích ấy trông như thế nào không? Như tử thần vậy”.

Đàm phán vẫn trì trệ

Tới nay, Ukraine - Nga đã có 4 vòng đàm phán nhưng chưa đạt được kết quả, dù hai bên từng có thời điểm cho thấy tín hiệu lạc quan.

Hôm 22/3, tổng thống Ukraine tiếp tục đề xuất một cuộc gặp trực tiếp với người đồng cấp Nga để trao đổi về việc chấm dứt chiến sự, dù ý tưởng này đã bị phía Nga từ chối trong gần một năm qua.

Người dân đào hố mai táng tại Mariupol, Ukraine. Ảnh: Reuters.

“Tôi tin rằng khi tôi chưa gặp tổng thống Nga, chúng tôi sẽ không thể thực sự hiểu được họ sẵn sàng làm gì để chấm dứt chiến dịch quân sự, cũng như họ sẵn sàng làm gì nếu chúng tôi không chịu thỏa hiệp”, Tổng thống Volodymyr Zelensky trả lời phỏng vấn các đài truyền hình châu Âu hôm 22/3.

Ông Zelensky một lần nữa thừa nhận việc Ukraine hiện tại không thể gia nhập NATO. Đồng thời, ông gợi ý rằng những thỏa thuận thỏa hiệp với Nga trong tương lai có thể được đưa ra trưng cầu dân ý tại Ukraine.

Cùng ngày, Điện Kremlin tỏ ra không hài lòng với tốc độ đàm phán. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov hôm 22/3 cho biết tiến trình thương lượng với Ukraine đang diễn ra “chậm và ít thực chất hơn nhiều so với mong muốn của chúng tôi”, theo New York Times.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Glenroy West Primary School Vùng: Glenroy. Phone: 9306 8955
Xem thêm

Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/nga-thay-doi-chien-thuat-ukraine-chuyen-huong-theo-post1304358.html