Theo báo cáo mới được Oxfam công bố hôm 10/9, tổng lợi nhuận của 32 công ty lớn nhất thế giới tăng ước tính 109 tỷ USD từ đầu năm đến nay khi đại dịch Covid-19 bùng phát toàn cầu. Báo cáo Power, Profits and the Pandemic được công bố sau gần 6 tháng kể từ ngày Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Theo báo cáo, dịch Covid-19 đã khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn khi một số tập đoàn lớn đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người lao động, đẩy chi phí và rủi ro vào chuỗi cung ứng. Ngoài ra, một số doanh nghiệp sử dụng ảnh hưởng chính trị để định hình các phản ứng của chính phủ.

Một số tập đoàn lớn đặt lợi nhuận lên trên sự an toàn của người lao động trong bối cảnh đại dịch. Ảnh: Reuters.

Chi phí đè nặng lên người nghèo

Nửa tỷ người trên khắp thế giới bị cho là sẽ rơi vào cảnh đói nghèo do cuộc suy thoái kinh tế vì đại dịch. 400 triệu người mất việc làm và khoảng 430 doanh nghiệp nhỏ đang gặp rủi ro, theo ước tính của Tổ chức Lao động Quốc tế.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán toàn cầu tiếp tục tăng. Giá trị thị trường của 100 cổ phiếu tốt nhất tăng hơn 3.000 tỷ USD kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát. Điều đó giúp 25 tỷ phú giàu nhất thế giới bỏ túi khoản tiền khổng lồ. Jeff Bezos có thể dùng tiền túi để thưởng cho 876.000 nhân viên của Amazon, mỗi người 105.000 USD, mà vẫn giàu có như thời kỳ đầu đại dịch.

Giám đốc điều hành Oxfam International Chema Vera bình luận dịch Covid-19 là bi kịch đối với nhiều người, ngoại trừ một số cá nhân hưởng đặc quyền đặc lợi.

"Cuộc khủng hoảng kinh tế bắt nguồn từ một mô hình kinh tế gian lận. Ở đó, các tập đoàn lớn nhất thế giới kiếm hàng tỷ USD và chia sẻ lợi nhuận cho cổ đông và tỷ phú. Còn người gánh chịu chi phí là người lao động có mức lương thấp", ông nhấn mạnh.

Sau phiên giao dịch ngày 26/8, tài sản của ông chủ Amazon Jeff Bezos chạm ngưỡng 202 tỷ USD. Ảnh: Reuters.

"Điều đáng kinh ngạc là giữa đại dịch, một số tập đoàn vẫn chia mức cổ tức khổng lồ cho các cổ đông giàu có sau khi nhận những gói cứu trợ của chính phủ nhằm bảo vệ việc làm", ông nói thêm.

"Nguồn tiền giới hạn được trao cho các doanh nhân vốn đã rất giàu có vào thời điểm mà hàng trăm triệu người đang phải gánh chịu hậu quả của đại dịch. Phụ nữ, những người dân tộc thiểu sổ hoặc người di cư bị ảnh hưởng đáng kể", ông Vera nhấn mạnh.

Theo báo cáo của Oxfam, tại Mỹ, ước tính có khoảng 27.000 công nhân đóng gói thịt, tức khoảng 11%, dương tính với Covid-19 và 90 trường hợp tử vong. Công ty chế biến thịt lớn nhất nước Mỹ Tyson Foods công bố bức thư kêu gọi không đóng cửa các nhà máy, bất chấp việc 8.500 nhân viên nhiễm virus.

10 thương hiệu may mặc lớn nhất thế giới đã trả 74% lợi nhuận, tương đương 21 tỷ USD, cho cổ đông bằng cổ tức và mua lại cổ phần năm 2019. Trong khi đó, chỉ riêng năm nay, 2,2 triệu công nhân ở Bangladesh đã bị ảnh hưởng khi các đơn hàng dệt may bị hủy bỏ. Hàng loạt nhà máy đóng cửa đã làm giảm khoảng 3 tỷ USD doanh thu của nước này.

Tại Ấn Độ, hàng trăm công nhân ở đồn điền chè, trong đó có phụ nữ, không được trả lương vì ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa chống dịch Covid-19. Trong khi đó, một số công ty chè lớn nhất cả nước vẫn tăng lợi nhuận hoặc duy trì tỷ suất lợi nhuận nhờ cắt giảm chi phí.

Các hoạt động khai thác ở Peru vẫn được triển khai bất chấp nguy cơ lây nhiễm giữa những người lao động.

Nền kinh tế bất công

Chevron công bố cắt giảm 10-15% lực lượng lao động trên toàn cầu nhưng lại chi nhiều tiền mặt hơn để trả cổ tức và mua lại cổ phần trong quý I/2020 so với mức thu được từ hoạt động kinh doanh chính.

Dangote Cement, công ty xi măng lớn nhất Nigeria, bị cáo buộc sa thải hơn 3.000 nhân viên mà không thông báo trước hoặc sai thủ tục trong khi vẫn dự kiến trả 136% lợi nhuận cho cổ đông vào năm 2020.

Theo báo cáo của Oxfam, từ năm 2016 đến năm 2019, khoảng 59 công ty có lợi nhuận cao nhất thế giới ở Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Brazil, Nigeria và Nam Phi đã chia gần 2.000 tỷ USD cho các cổ đông với mức chi trả trung bình 83% thu nhập.

Nửa tỷ người trên khắp thế giới được cho là sẽ bị đẩy vào cảnh đói nghèo do cuộc suy thoái kinh tế vì đại dịch. Ảnh: Reuters.

Ba công ty chăm sóc sức khỏe lớn nhất Nam Phi, Netcare, Mediclinic và Life Healthcare Group, trả 163% lợi nhuận cho các cổ đông thông qua cổ tức và mua lại cổ phần.

Trước tình hình này, Oxfam kêu gọi ưu tiên hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp nhỏ. Các biện pháp bao gồm thuế lợi nhuận Covid-19 áp trên những khoản lời trong thời kỳ đại dịch.

Về lâu dài, tổ chức yêu cầu những nhà hoạch định chính sách và tập đoàn cân bằng lại, chuyển lợi ích và quyền lực từ các giám đốc điều hành và cổ đông sang người lao động, nhà cung cấp, người tiêu dùng và cộng đồng.

Chênh lệch lợi nhuận giữa các tập đoàn hàng đầu trong ngành công nghiệp và những doanh nghiệp nhỏ hơn ngày càng gia tăng. Đồ họa: Nhân Lê

"Chúng ta đang ở một thời điểm quan trọng. Chúng ta phải lựa chọn giữa quay trở lại 'kinh doanh như bình thường' hoặc học hỏi để thiết lập một nền kinh tế công bằng và bền vững hơn", ông Vera tại Oxfam International nhấn mạnh.

Theo ông, đại dịch nên là chất xúc tác để củng cố sức mạnh doanh nghiệp, tái cấu trúc mô hình kinh doanh và trao phần thưởng cho tất cả những ai tạo ra lợi nhuận, từ đó tạo nên một "nền kinh tế dành cho tất cả".

"Nếu không thay đổi hướng đi, bất bình đẳng sẽ gia tăng. Giờ là lúc để thúc đẩy các doanh nghiệp nhỏ và người lao động chứ không phải một số ít tập đoàn nắm trong tay sức mạnh kinh tế và chính trị lớn hơn", ông khẳng định.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Luật sư - Trạng sư?

Luật Bồi thường thương tích cá nhân, tai nạn


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: http://news.zing.vn/32-cong-ty-hang-dau-the-gioi-bo-tui-109-ty-usd-bat-chap-dai-dich-post1129378.html