Mỹ phơi bày hạn chế về khả năng răn đe ở Trung Đông

18:00' 16-04-2024
Căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran đang cho thấy thế khó cũng như chính sách mâu thuẫn của Mỹ trong nỗ lực tháo ngòi khủng hoảng.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phát đi một cảnh báo ngắn gọn nhưng nghiêm khắc khi Iran tuyên bố sẽ trả đũa Israel về vụ không kích vào tòa lãnh sự nước này ở Damascus hôm 1/4: "Đừng làm vậy!".

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng Iran vẫn sẽ đáp trả Israel bằng vũ lực, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ nổ ra một cuộc đụng độ trực tiếp giữa hai cường quốc khu vực, đồng thời phơi bày những hạn chế trong nỗ lực răn đe của Mỹ ở Trung Đông.

Tòa lãnh sự Iran ở thủ đô Damascus, Syria bị phá hủy sau cuộc tập kích hôm 1/4, được cho là do Israel thực hiện. Ảnh: Reuters

Căng thẳng kéo dài trong khu vực đang gây áp lực nặng nề lên chính sách đối ngoại của chính quyền Tổng thống Joe Biden. Mỹ hiện mắc kẹt giữa hai ưu tiên dường như mâu thuẫn nhau, gồm cung cấp hỗ trợ vô điều kiện cho Israel và ngăn chặn xung đột ở Gaza lan rộng thành cuộc chiến khu vực.

"Tổng thống Biden vẫn dồn lực cho một công thức mà đến nay hoàn toàn là thảm họa", Trita Parsi, phó chủ tịch điều hành Viện Quincy, tổ chức tư vấn thúc đẩy ngoại giao có trụ sở tại Washington, nhận xét.

Parsi cho rằng ông chủ Nhà Trắng lẽ ra nên nhanh chóng chỉ trích Israel vì đã tấn công khu vực đại sứ quán Iran tại thủ đô Damascus, Syria, hồi đầu tháng, vi phạm luật pháp quốc tế và gây nguy hiểm cho quân đội Mỹ trong khu vực. Nhưng cuối cùng, chính quyền Biden lại củng cố vị thế cho Israel bằng cách cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ Tel Aviv.

Israel đến nay không thừa nhận đứng sau cuộc tập kích.

Mỹ, khác với một số đồng minh Arab và phương Tây, đã không lên án cuộc tấn công vào tòa lãnh sự Iran khiến 13 người thiệt mạng, trong đó có hai tướng Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC). Cùng lúc, Nhà Trắng cũng nhanh chóng nhấn mạnh rằng Mỹ không liên quan đến sự việc.

Các nhà ngoại giao Mỹ được cho là đã chạy đua với thời gian trong tuần qua, liên lạc với những người đồng cấp trên thế giới nhằm cùng thuyết phục Iran bình tĩnh.

Trong khi kêu xuống thang căng thẳng, giới chức Mỹ vẫn tái khẳng định lập trường ủng hộ "vững như bàn thạch" của họ dành cho Israel, làm dấy lên lo ngại về một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Washington và Tehran.

"Chúng tôi cam kết toàn tâm bảo vệ Israel. Chúng tôi sẽ hỗ trợ Israel. Chúng tôi sẽ giúp bảo vệ Israel và Iran sẽ không thành công", Tổng thống Biden tuyên bố. Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao cũng thể hiện quan điểm tương tự.

"Điều này xóa bỏ mọi động lực xuống thang căng thẳng đối với Israel", Parsi bình luận. "Nó giúp định hình chiến lược không lằn ranh, không quan tâm đến luật pháp quốc tế của Israel, bởi họ biết rằng Tổng thống Biden sẽ ủng hộ họ trong mọi hoàn cảnh".

Sina Toossi, thành viên cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Quốc tế, trụ sở tại Washington, mô tả chính sách của Mỹ đối với cuộc khủng hoảng hiện nay là "mâu thuẫn và không chân thành".

"Họ đang kêu gọi tất cả các bên khác trong khu vực kiềm chế, liên tục răn đe Iran 'không leo thang', nhưng lại khuyến khích Israel hành động mà không bị trừng phạt", Toossi đánh giá.

Ông nói thêm rằng động lực đáp trả của Iran một phần được thúc đẩy bởi nhận thức rằng Mỹ và Israel dường như tin họ có thể tự do gây ra tổn thất mà không lo vấp phải bất kỳ phản ứng quyết liệt nào từ Tehran, vốn không muốn xảy ra xung đột khu vực.

Vì thế, Iran giờ đây phải vạch ra một ranh giới rõ ràng, bằng một , Toossi nói. "Có thể nói một cách khách quan rằng chính sách của Mỹ đã đẩy khu vực vào tình huống này", ông cho hay.

Quân đội Israel đã nhắm mục tiêu vào các địa điểm liên quan đến Iran ở Syria trong nhiều năm qua, nhưng theo giới chuyên gia, việc tập kích một cơ sở ngoại giao là hành động đặc biệt nghiêm trọng và Tehran không thể không đáp trả.

"Tấn công tòa lãnh sự đồng nghĩa họ đã tấn công lãnh thổ của chúng tôi", lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố hôm 10/4. "Chính quyền Israel đã phạm sai lầm. Họ phải bị trừng phạt và sẽ bị trừng phạt".

Chưa rõ hình phạt sẽ được Iran thực hiện thế nào và quyết liệt tới đâu, nhưng nếu xảy ra, nó có thể là bước ngoặt trong cuộc xung đột tại Dải Gaza vốn đang có chiều hướng mở rộng, giới quan sát lưu ý.

Nhóm Hezbollah do Iran hậu thuẫn tại Lebanon đã giao tranh với lực lượng Israel gần như mỗi ngày từ tháng 10 năm ngoái, khi Tev Aviv mở chiến dịch quân sự ở Gaza nhằm trả đũa cuộc đột kích của Hamas.

Hezbollah hôm 12/4 thông báo phóng hàng chục quả rocket nhằm vào "hàng loạt trận địa pháo của đối phương" ở miền bắc Israel.

Lực lượng Houthi ở Yemen, một đồng minh khác của Iran, đã phóng tên lửa và máy bay không người lái (UAV) tấn công các tàu hàng trên Biển Đỏ mà nhóm này cho là có liên hệ với Israel, nhằm thể hiện ủng hộ Hamas.

Cuộc tấn công bằng UAV của các nhóm dân quân Iraq do Iran hậu thuẫn hồi tháng hai đã giết chết ba binh sĩ Mỹ tại một căn cứ gần biên giới Jordan - Syria. Mỹ sau đó trả đũa bằng một loạt cuộc tấn công tại Iraq và Syria.

Tất cả những "ngòi nổ" căng thẳng này tới nay đều được kiềm chế bằng cách này hay cách khác. Nhưng giờ đây, khu vực một lần nữa lại phải đối mặt với viễn cảnh xung đột tăng nhiệt.

"Áp lực hiện đè nặng lên Israel và Mỹ chứ không phải Iran. Có rất nhiều cảnh báo đã được đưa ra nhắm vào Iran với hy vọng họ không hành động. Nhưng Israel mới là bên khơi mào vấn đề bằng cuộc tập kích vào tòa lãnh sự Iran", Vali Nasr, giáo sư về các vấn đề quốc tế tại Đại học John Hopkins, nhận định. "Và bây giờ, mọi người đang phải cố gắng tránh những hậu quả có thể xảy ra".

Tổng thống Biden không muốn Mỹ bị kéo vào cuộc xung đột với Iran, đặc biệt khi ông đang tìm cách tái tranh cử vào tháng 11. Nhưng chính sách mặc định của Washington từ lâu đã là hỗ trợ Israel, Nasr nói.

Thành viên Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tại Tehran hồi tháng 11/2023. Ảnh: AFP

"Lập trường của Mỹ là không muốn chiến sự lan rộng. Họ không muốn sa lầy vào một cuộc chiến với Iran. Họ không muốn khủng hoảng ở Gaza trở thành một cuộc chiến tranh khu vực. Họ có thể nói điều này với Israel ở hậu trường, nhưng về mặt công khai, họ vẫn cảnh báo Iran không leo thang", ông cho biết.

Nhưng Nasr thêm rằng mọi quốc gia đều phải đối mặt với vấn đề chính trị nội bộ trong chính sách đối ngoại của mình. "Và ở Mỹ, việc đưa ra những đảm bảo chắc chắn cho khả năng phòng thủ của Israel có lẽ đã trở thành một điều hiển nhiên", ông bình luận.

Tại Washington, những người có quan điểm cứng rắn với Iran đang thúc giục Mỹ đáp trả mạnh mẽ nếu Israel bị tấn công.

Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Tom Cotton hôm 10/4 kêu gọi tiến hành một chiến dịch đáp trả chung "nhanh chóng và tàn khốc" đối với bất kỳ động thái quân sự nào của Iran nhằm vào Israel.

Ryan Costello, giám đốc chính sách tại Hội đồng Quốc gia người Mỹ gốc Iran (NIAC), trụ sở tại Washington, cảnh báo nếu Mỹ cùng Israel tấn công trả đũa, hậu quả có thể rất thảm khốc.

"Điều đó thực sự liều lĩnh và chắc chắn sẽ đẩy toàn bộ khu vực vào một cuộc xung đột khủng khiếp và đẫm máu", ông nói.

Costello cho biết quan điểm của Mỹ đến nay chủ yếu là răn đe và cố giảm xung đột nhưng không quá quyết liệt.

"Họ đang nói rằng Israel sẽ nhận được ủng hộ của chúng tôi và Iran chỉ nên chấp nhận những gì đã diễn ra tại tòa lãnh sự ở Damascus, điều mà tôi nghĩ khó quốc gia nào có thể chấp nhận", ông lưu ý.

Chuyên gia Parsi thuộc Viện Quincy nhấn mạnh rằng biện pháp khắc phục tốt nhất cho tình trạng căng thẳng âm ỉ trên khắp Trung Đông là chấm dứt xung đột ở Gaza.

"Trong bức tranh rộng hơn, tất nhiên luôn có một con đường giảm leo thang rõ ràng dành cho Tổng thống Biden, đó là thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Gaza", ông nói. "Lệnh ngừng bắn sẽ ngăn chặn các cuộc tấn công của dân quân Iraq vào Mỹ, chấm dứt các cuộc tấn công của Houthi, chũng như ngăn đà leo thang giữa Iran với Israel, giữa Israel và Hezbollah".

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Dr Daniel Mulino Vùng: Sunshine. Phone: (03) 9070 1974
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/cang-thang-israel-iran-phoi-bay-the-kho-cua-my-o-trung-dong-4733771.html