Thế giới đã ghi nhận 117.721.408 ca nhiễm nCoV và 2.611.055 ca tử vong, tăng lần lượt 299.064 và 6.507, trong khi 93.361.496 người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Mỹ đang là vùng dịch lớn nhất thế giới với 29.737.974 ca nhiễm và 538.527 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 48.501 và 743 trường hợp so với một ngày trước đó. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) nới lỏng các biện pháp hạn chế với những người đã tiêm đầy đủ vaccine Covid-19, cho phép họ tụ tập theo nhóm ở trong nhà mà không cần đeo khẩu trang.

Người dân Mỹ tiêm vaccine Covid-19 tại Los Angeles hôm 8/3. Ảnh: AFP.

Tuy nhiên, người dân Mỹ vẫn được khuyến cáo đeo khẩu trang nơi công cộng và tránh đi lại không cần thiết. Những người đã tiêm vaccine cũng cần tránh các buổi tập trung đông người, phải đeo khẩu trang khi tiếp xúc với nhiều người chưa tiêm phòng từ các gia đình khác nhau hoặc người có nguy cơ gặp triệu chứng nặng của Covid-19.

Động thái cho thấy cách tiếp cận cẩn trọng với những hướng dẫn sức khỏe cộng đồng, dù số người được tiêm vaccine Covid-19 tại Mỹ vẫn đang tăng lên nhanh chóng. Tổng thống Joe Biden đã hối thúc người dân duy trì cảnh giác và tiếp tục thực hiện hướng dẫn của CDC để ngăn đợt bùng phát tiếp theo.

"Chúng ta vẫn ở giữa đại dịch nghiêm trọng và hơn 90% dân số vẫn chưa được tiêm vaccine đầy đủ. Vì vậy, tất cả mọi người vẫn cần tránh những sự kiện tập trung đông người", giám đốc CDC Rochelle Walensky cho hay.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai toàn cầu, báo cáo thêm 15.353 ca nhiễm và 176 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV toàn quốc lên lần lượt 11.244.624 và 157.966.

Chính phủ Ấn Độ hôm 6/3 đã yêu cầu các chính quyền địa phương ưu tiêm tiêm vaccine Covid-19 cho một số khu vực đã ghi nhận các ca nhiễm nCoV tăng đột biến trong những tuần gần đây, trong đó có cả thủ đô New Delhi.

Ấn Độ khởi động quá trình tiêm chủng vaccine cho người dân từ giữa tháng 1 và ít nhất 12 triệu nhân viên y tế cùng các nhân viên tuyến đầu nước này đã được tiêm vaccine. Ấn Độ đặt mục tiêu tiêm chủng cho 300 triệu người trong tổng số 1,35 tỷ dân vào giữa tháng 8.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, báo cáo thêm 898 ca tử vong, nâng tổng số lên 266.398. Số ca nhiễm nCoV tăng 32.321 trong 24 giờ qua, lên 11.051.665. Ca tử vong hàng ngày ở Brazil liên tục ở mức cao kỷ lục từ hôm 3/3.

Các chuyên gia y tế đã cảnh báo Brazil có thể ghi nhận 3.000 ca tử vong do nCoV hàng ngày nếu không có hành động nghiêm túc để ngăn sự lây lan của đại dịch.

Nguồn tin từ Bộ Y tế Brazil cho biết nước này chưa có dấu hiệu áp đặt thêm biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 do Tổng thống Jair Bolsonaro phản đối. Tổng thống Brazil liên tục hạ thấp mức độ nghiêm trọng của đại dịch toàn cầu, thậm chí còn yêu cầu người dân hãy dừng "than vãn"sau khi ghi nhận số ca tử vong do nCoV cao kỷ lục hai ngày liên tiếp.

Giới chức Brazil cảnh báo hệ thống y tế tại nước này đang bên bờ vực sụp đổ, trong khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng đặc biệt lo ngại tình hình dịch bệnh tại quốc gia Nam Mỹ này.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, báo cáo 4.223.232 người nhiễm và 124.566 người chết, tăng lần lượt 4.712 và 65 trường hợp. Đây là mức tăng ca nhiễm mới thấp nhất tại Anh kể từ tháng 9 năm ngoái.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho biết những dữ liệu này là dấu hiệu khả năng, nhưng người dân vẫn phải cẩn trọng với nguy cơ ca nhiễm bùng phát trở lại. "Hãy nhớ chúng ta ở đâu hồi mùa hè năm ngoái. Chúng ta kiểm soát được bệnh dịch ở mức thấp hơn hiện nay rất nhiều và sau đó đợt bùng phát xảy ra", ông nói.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 5.327 ca nhiễm và 359 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.909.560 và 88.933.

Hàng trăm nghìn người ở miền bắc nước Pháp hôm 6/3 quay lại tình trạng phong tỏa khi giới chức y tế đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng toàn quốc để bù đắp khởi đầu chậm chạp. Hơn hai triệu người trên khắp nước Pháp phải chịu các hạn chế cuối tuần, buộc phải ở nhà trừ khi có giấy miễn trừ.

Lệnh giới nghiêm từ 18h đến 6h hôm sau đã được áp dụng, các cửa hàng không thiết yếu phải đóng cửa. Những hạn chế mới này sẽ ảnh hưởng đến các doanh nghiệp vốn đã khó khăn.

Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, ghi nhận 2.513.768 ca nhiễm và 72.698 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 5.113 và 166 ca so với một ngày trước đó.

Người dân Đức cuối tuần qua đã đổ xô đến chuỗi siêu thị Aldi để mua các kit xét nghiệm nhanh Covid-19 trong ngày đầu tiên mở bán trên toàn quốc. Các kho dữ trữ của Aldi đã sạch hàng chỉ sau vài giờ. Từ ngày 8/3, tất cả người dân Đức được làm xét nghiệm nhanh miễn phí một lần mỗi tuần, do chuyên gia thực hiện tại các hiệu thuốc hoặc trung tâm xét nghiệm chính phủ chỉ định.

Chính phủ Đức đang dựa chủ yếu vào xét nghiệm nhanh để đưa đất nước vượt qua giai đoạn tiếp theo của đại dịch, trong bối cảnh người dân quá mệt mỏi với các biện pháp hạn chế nhưng tốc độ tiêm chủng Covid-19 vẫn chậm chạp.

Tại Đông Nam Á, Indonesia là vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.386.556 ca nhiễm, tăng 6.894, trong đó 37.547 người chết, tăng 281. Dữ liệu từ chính phủ Indonesia cho thấy nước này bắt đầu tiêm chủng cho nhân viên y tế, công chức và nhân viên các ngành thiết yếu hồi tháng 1. Khoảng 2,28 triệu người dân Indonesia đã được tiêm vaccine Sinovac Biotech của Trung Quốc.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 597.763 ca nhiễm và 12.521 ca tử vong, tăng lần lượt 3.356 và 5 ca.

Moderna hôm 6/3 thông báo đã đồng ý cung cấp cho chính phủ Philippines 13 triệu liều vaccine Covid-19, có thể bắt đầu giao hàng từ giữa năm nay. Moderna cho biết họ cũng dự kiến đạt được một thỏa thuận riêng với chính phủ Philippines và khu vực tư nhân để cung cấp thêm 7 triệu liều vaccine.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/gan-118-trieu-ca-ncov-toan-cau-my-noi-han-che-cho-nguoi-tiem-vaccine-4245448.html