Mỹ nỗ lực khôi phục vai trò lãnh đạo toàn cầu

18:00' 04-04-2022
Sau 2 năm lên nắm quyền, Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực trong việc khẳng định và củng cố lại vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ, đặc biệt trong cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine hiện nay.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn The Economist năm 2019, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có một phát biểu khiến phương Tây khi đó "chấn động". Người đứng đầu chính phủ Pháp nói rằng, khối liên minh quân sự NATO đang có dấu hiệu bị "chết não".

Vào thời điểm đó, quan hệ giữa Mỹ và một số thành viên NATO đã có dấu hiệu xấu đi kể từ khi cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump lên nhậm chức năm 2017. Ông Trump đã không ít lần chỉ trích một số nước thuộc khối vì không tăng chi tiêu quốc phòng hàng năm theo quy định và cho rằng áp lực bảo vệ an ninh các nước thành viên đang dồn lên Mỹ.

Sau khi chiến thắng ông Trump trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, ông Biden nhiều lần khẳng định nước Mỹ dưới thời ông sẽ gạt bỏ di sản "nước Mỹ là trên hết" của người tiền nhiệm và hàn gắn các liên minh quan trọng mà Washington tham gia.

Giờ đây, sau 2 năm chèo lái nước Mỹ đối phó với đại dịch Covid-19 cũng như dẫn dắt khối liên minh phương Tây phản ứng với chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine, giới quan sát cho rằng, ông Biden đã và đang nỗ lực khôi phục vị trí lãnh đạo toàn cầu cho Mỹ.

"Chất xúc tác" cho Mỹ

Theo nhà phân tích chính trị Julian Zelizer, nếu có thể rút ra bất cứ bài học nào cho 2 năm qua, thì đó chính là sức mạnh của Mỹ dường như phụ thuộc vào các liên minh quốc tế mà họ dẫn dắt.

Theo chuyên gia trên, đại dịch Covid-19 và chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine dường như đã cho thấy những hạn chế trong chính sách "Nước Mỹ là trên hết" của cựu Tổng thống Trump - vốn được xây dựng trên ý tưởng rằng việc hợp tác với các đồng minh khiến Washington phải bỏ ra nhiều hơn là nhận được.

Đại dịch Covid-19 cho thấy, cách duy nhất để chống chọi với SARS-CoV-2 chính là thông qua hợp tác quốc tế. Nghiên cứu xuyên lục địa về biến chủng, hợp tác phân phối vaccine, chia sẻ kinh nghiệm chống dịch là những yếu tố quan trọng để đẩy lùi mầm bệnh chết người. Mỹ được xem đã thể hiện vai trò dẫn dắt rõ ràng trong nỗ lực này tại nhiều khu vực trên thế giới.

Và khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine, Mỹ đã hợp tác một cách nhanh chóng với các đồng minh để gây áp lực chưa từng có tiền lệ lên Moscow, cũng như hỗ trợ quân sự quy mô lớn cho Ukraine.

Theo ông Zelizer, giờ đây sự kiên quyết của cựu Tổng thống Mỹ Harry Truman vào đầu thời kỳ chiến tranh Lạnh đang được nhắc lại. Khi đó, ông Truman khẳng định rằng các liên minh và đối tác quốc tế có vai trò then chốt với sự thành công về ngoại giao và quân sự của Mỹ.

Trong bài viết đăng trên Channel News Asia, chuyên gia chính trị Erin Hurley cho rằng, Mỹ giờ đây đang thể hiện sức mạnh ngoại giao và vị thế lãnh đạo toàn cầu khi có thể tập hợp lực lượng, tung ra những lệnh trừng phạt nhanh chóng gây không ít khó khăn cho Nga trong thời gian qua.

Nhà Trắng được xem đã phần nào gỡ được "nút thắt" lo ngại của đồng minh về sự tin cậy của tình báo Washington sau khi thực hiện một cuộc rút quân hỗn loạn khỏi Afghanistan hồi năm ngoái, cũng như câu hỏi về khả năng lãnh đạo của Mỹ với thế giới sau 4 năm ông Trump chủ trương đặt lợi ích quốc gia của Washington lên hàng đầu.

Theo chuyên gia Hurley, chính quyền ông Biden dường như đã nỗ lực xây dựng lại niềm tin với các đồng minh châu Âu trong 2 năm qua. Trong hơn một tháng kể từ khi chiến sự Nga - Ukraine diễn ra, châu Âu chứng kiến những sự thay đổi rõ rệt mà hàng chục năm qua họ không thực hiện.

Nhiều nhà lãnh đạo chủ chốt của châu Âu phá vỡ các chính sách đối ngoại mà nước họ đã áp dụng kể từ sau Thế chiến 2. Những thay đổi này cho thấy rằng, nếu cuộc khủng hoảng hiện tại có thể được giải quyết mà không có sự leo thang đáng kể, kiến trúc an ninh của châu Âu sẽ được thay đổi mạnh mẽ trong tương lai.

Sau khi ví NATO giống như bị "chết não" vào năm 2019, giờ đây Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho rằng liên minh đã thay đổi sau chiến dịch quân sự của Nga một tháng qua (Ảnh: Reuters).

Theo cách mô tả của Tổng thống Macron hồi giữa tháng thì hành động của Nga "đã đánh thức châu Âu và NATO như một cú sốc điện".

Đức lên kế hoạch ngừng phụ thuộc vào khí đốt Nga, cũng như tăng đáng kể ngân sách quốc phòng. Phần Lan và Thụy Điển kết thúc 80 năm chính sách không liên minh quân sự, khi gửi vũ khí tới Ukraine. 

Theo chuyên gia Hurley, nhiều quốc gia châu Âu có các chính sách như vậy dựa trên niềm tin rằng họ có Mỹ ở bên.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng nhận được sự hậu thuẫn lưỡng đảng và của cả dư luận trong các chính sách đối phó với Nga trong thời gian qua, mặc dù kinh tế Mỹ cũng phải chịu tác động từ các lệnh trừng phạt. Cơ quan lập pháp Mỹ đạt được tiếng nói đồng thuận trong các đạo luật nhằm đáp trả chiến dịch quân sự của Nga.

Trong bài phát biểu hồi tuần trước, Tổng thống Biden nói với các lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ rằng: "Bây giờ là thời điểm mà mọi thứ đang thay đổi. Chúng ta sẽ có một trật tự thế giới mới ở đó và chúng ta phải dẫn đầu nó. Và chúng ta phải đoàn kết phần còn lại của thế giới tự do để làm điều đó".

Phát biểu của ông Biden đã gây ra sự tranh cãi nhất định liên quan tới khái niệm "trật tự thế giới mới". Theo Evening Standard, nhiều ý kiến cho rằng, khái niệm này ám chỉ việc ông Biden dự đoán về những bất ổn có thể xảy ra với thế giới sau chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.

Trong quá khứ, các lãnh đạo như cựu Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson và cựu Thủ tướng Anh Winston Churchill từng nhắc tới khái niệm "trật tự thế giới mới" sau khi Thế chiến I và Thế chiến I kết thúc. Gần đây nhất, cựu Tổng thống Mỹ George H.W. Bush cũng nhắc tới khái niệm trên sau khi Liên Xô sụp đổ vào năm 1991, đánh dấu trật tự thế giới 2 cực Liên Xô - Mỹ không còn nữa.

Thách thức của Mỹ

Trên thực tế, sau khi Liên Xô tan rã, Mỹ trong một thời gian dài dường như đã không còn đối trọng và trong hàng chục năm qua, họ đã lãnh đạo một trật tự thế giới, với tiếng nói ngày càng lớn hơn.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng thời thế lúc này đã khác. Sự trỗi dậy của các nền kinh tế như Trung Quốc; Nga củng cố vị trí cường quốc về quân sự và có tầm ảnh hưởng tới nhiều vấn đề toàn cầu; hay vị thế ngày càng quan trọng của Ấn Độ - một cường quốc kinh tế theo đuổi chiến lược trung lập và tự cường, dường như đang tạo ra thách thức nhất định cho vai trò lãnh đạo của Mỹ.

Trong bài bình luận trên Guardian, chuyên gia Julian Borger nhận định, cuộc khủng hoảng Ukraine đang đoàn kết các nền dân chủ ở châu Âu và Thái Bình Dương, nhưng tạo ra những mối quan hệ phức tạp giữa phương Tây với Trung Quốc, Ấn Độ và các nước Vùng Vịnh.

Trong những ngày qua, Mỹ đã kêu gọi đông đảo các nước châu Âu, các đồng minh Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Canada đồng loạt trừng phạt Nga.

Ngành dầu khí hiện vẫn đang giúp Nga chống chọi lại lệnh trừng phạt phương Tây (Ảnh minh họa: Reuters).

Tuy nhiên, cho tới nay Trung Quốc và Ấn Độ, 2 thị trường tỷ dân chiếm 1/3 dân số thế giới, vẫn đang giữ nguyên quan điểm trung lập. Bên cạnh đó, một số nước dù công khai chỉ trích Nga, nhưng vẫn chưa có ý định áp lệnh trừng phạt Nga. Theo Bloomberg, một số nhà sản xuất dầu của OPEC như Ả rập Xê út hay Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) - các đồng minh của Mỹ, đều cho rằng vấn đề năng lượng không nên bị chính trị hóa. Vì vậy, họ vẫn coi Nga là một đối tác quan trọng về dầu mỏ và cho rằng vị trí của Nga trên thị trường này là không thể sớm thay thế.

Quan điểm của các nước OPEC là không có gì đáng ngạc nhiên, theo chuyên gia Javier Blas trên bài viết của Bloomberg. Trên thực tế, ông Blas cho rằng, lịch sử cho thấy, với các nhà sản xuất dầu khí này, chiến sự chưa bao giờ là yếu tố ảnh hưởng tới công việc làm ăn của họ.

Trong cuộc chiến năm 1980-1988, Iran và Iraq vừa là đối thủ vừa là đồng minh trong OPEC. Bộ trưởng Dầu khí Iraq và Kuwait vẫn ngồi cạnh nhau trên một chiếc bàn ngay cả khi Baghdad đưa quân vào lãnh thổ nước láng giềng vào năm 1990. Và giờ đây, Ả rập Xê út và Iran vẫn trao đổi về vấn đề dầu mỏ, dù Riyadh cáo buộc Tehran tài trợ cho dân quân Houthi ở Yemen phóng hỏa lực vào Ả rập Xê út.

Theo ông Blas, với một lịch sử như vậy, việc kỳ vọng rằng OPEC sẽ phá bỏ quan hệ liên minh dầu khí với Nga trong khuôn khổ OPEC+ là điều khó có thể xảy ra. Nga đóng góp 11 triệu thùng dầu mỗi ngày, chiếm 10% tổng sản lượng toàn cầu và việc thay thế nguồn cung từ Nga là rất khó.

Trong khi đó, với Ấn Độ, Nga được xem là đối tác an ninh truyền thống của New Delhi. Nga cũng là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu cho Ấn Độ, trong bối cảnh New Delhi vẫn đang trong căng thẳng biên giới với Trung Quốc. Trong khi Ấn Độ đang phục hồi kinh tế sau đại dịch, việc mua dầu giá rẻ của Nga trong thời gian qua là điều phù hợp với lợi ích thực tế của Ấn Độ. Vì vậy, việc giữ quan điểm trung lập được xem sẽ mang lại nhiều lợi ích cho New Delhi.

Với Trung Quốc, trước khi chiến dịch quân sự diễn ra, Bắc Kinh và Moscow đã tuyên bố rằng quan hệ song phương giữa họ sẽ "không có giới hạn". Trung Quốc cũng phải cân nhắc các hành động của họ trong bối cảnh họ cũng đang là đối thủ của Mỹ. Theo National Interest, Trung Quốc dường như ý thức được rằng Nga vẫn là đối tác quan trọng trong cuộc đối đầu với Mỹ trong tương lai và việc Moscow cùng là một đối trọng với Washington được xem sẽ có lợi hơn là việc Bắc Kinh phải đối đầu với Mỹ một mình.

Việc các nước Trung Quốc, Ấn Độ hay các quốc gia Vùng Vịnh theo đuổi chiến lược vì lợi ích quốc gia của chính họ với những tính toán riêng trong quan hệ với Moscow đã khiến việc Mỹ thúc đẩy một lệnh trừng phạt tổng lực vào Nga hay ngành năng lượng chủ chốt của Moscow trở nên khó khăn hơn rất nhiều.

Nó cũng cho thấy thách thức với Mỹ trong việc lãnh đạo một trật tự thế giới khi toàn cầu hóa đang đan cài lợi ích của các nước vào với nhau và để đạt được sự cân bằng, nhiều nước không thể chọn đứng hẳn về một bên.

Trên Foreign Policy, 2 chuyên gia Mathew Burrows và Robert A. Manning từ tổ chức Sáng kiến Chiến lược Scowcroft cho rằng, Mỹ sẽ phải đối diện với thách thức nếu như họ đối mặt với 2 đối thủ Trung Quốc và Nga trên 2 mặt trận khác nhau trong cùng một thời điểm. Vì vậy, nếu có một trật tự mới ra đời, 2 chuyên gia khuyến nghị rằng Mỹ không nên để kịch bản nói trên xảy ra.

Trong khi đó, Nga trong thời gian qua đã gợi ý về một trật tự thế giới mới với vai trò ngày càng gia tăng của khối BRICS.

Các nhà lãnh đạo Trung Quốc, Nga, Brazil, Ấn Độ và Nam Phi thuộc khối các nền kinh tế đang nổi lên BRICS chụp ảnh bên lề thượng đỉnh G20 tại Osaka, Nhật Bản năm 2019 (Ảnh: Wikipedia).

Trả lời hãng tin RT hồi cuối tháng trước, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergey Ryabkov tin rằng các nước thuộc nhóm các nền kinh tế đang nổi lên BRICS (gồm Brazil, Ấn Độ, Trung Quốc, Nga và Nam Phi) sẽ "đóng vai trò là nền tảng của một trật tự thế giới mới nổi".

Ông Ryabkov nói rằng, các nước BRICS có lợi thế là chiếm khoảng gần một nửa dân số thế giới và chiếm một phần lớn của GDP toàn cầu. Nhà ngoại giao Nga nhận định, BRICS sẽ có "vai trò quan trọng" trong việc trở thành đối trọng với chính sách trừng phạt từ các quốc gia phương Tây trong tương lai.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3438671