Đợt phóng thử tên lửa AGM-183A hôm 15/12 tại thao trường ngoài khơi bang California của Mỹ thất bại khi quả đạn gặp trục trặc và tổ bay oanh tạc cơ B-52 phải hủy lệnh khai hỏa.

Tướng Heath Collins, giám đốc điều hành các dự án vũ khí không quân Mỹ, hôm qua cho biết vụ phóng tên lửa siêu vượt âm AGM-183A bị đình chỉ trước khi nó tách khỏi cánh oanh tạc cơ B-52. "Tên lửa sẽ được đưa về nhà máy để phân tích tham số bay và dữ liệu tìm nguyên nhân sự cố. Dự án sẽ cố gắng nối lại các đợt phóng thử càng sớm càng tốt", Collins nói.

Mô hình tên lửa AGM-183A dưới cánh máy bay B-52 trong đợt bay thử tháng 8/2020. Ảnh: USAF.

Đây là lần phóng thử thất bại thứ ba liên tiếp của dự án AGM-183A. Đợt thử nghiệm lần này nhằm kiểm tra tính năng của động cơ đẩy và khả năng tách rời của phương tiện lướt siêu vượt âm sau khi động cơ tên lửa ngừng hoạt động. Đầu đạn mô hình được thiết kế để tự vỡ vụn không lâu sau khi tách khỏi động cơ, giúp thu nhỏ vùng cấm tàu bè và máy bay.

Không quân Mỹ từng hy vọng sẽ kết thúc thành công ba đợt thử tầng đẩy sơ tốc của tên lửa AGM-183A trong năm nay, trước khi chuyển sang bắn thử tên lửa mang phương tiện lướt siêu vượt âm đầy đủ.

Thất bại ba lần liên tiếp được đánh giá là dấu hiệu đáng lo ngại với dự án AGM-183A, dù các loại vũ khí mới thường gặp nhiều trục trặc trong thử nghiệm. "Tôi không hài lòng với tiến độ hiện nay. Chúng tôi đang có một số bước tiến với công nghệ này, nhưng tôi muốn thấy nó tốt hơn", Bộ trưởng Không quân Mỹ Frank Kendall nói hồi tháng 9.

Đợt thử đầu tiên vào tháng 4 gặp trục trặc khi quả đạn mô hình không tách khỏi oanh tạc cơ B-52. Trong cuộc thử nghiệm thứ hai hồi tháng 7, tên lửa tách khỏi máy bay và thể hiện đầy đủ quá trình khởi động, đồng thời cho thấy hoạt động của cánh lái và động tác cơ động nhằm tránh va chạm với máy bay phóng. Tuy nhiên, động cơ tên lửa không kích hoạt.

AGM-183A, còn có tên gọi khác là "Vũ khí Phản ứng nhanh phóng từ máy bay" (ARRW), là một trong những chương trình tên lửa siêu vượt âm đang được phát triển cho không quân Mỹ, nhằm thu hẹp khoảng cách trong lĩnh vực này với các đối thủ như Nga và Trung Quốc.

Quả đạn AGM-183A được thả tự do từ máy bay như bom thông thường, sau đó kích hoạt động cơ tên lửa để giúp đầu đạn đạt tốc độ và độ cao phù hợp. Vỏ bảo vệ sau đó sẽ bung ra và đầu đạn lướt tới mục tiêu với tốc độ trên 6.000 km/h. Mỗi oanh tạc cơ B-52 có thể mang tối đa 4 quả AGM-183A.

Không quân Mỹ từng tiến hành 7 chuyến bay thử với mô hình tên lửa AGM-183A để thu thập dữ liệu định vị và tham số bay, kiểm tra khả năng tích hợp tên lửa lên nền tảng phóng B-52 và xây dựng quy trình vận hành. Lực lượng này chưa thử nghiệm nguyên mẫu AGM-183A hoàn chỉnh với đầy đủ động cơ và phương tiện lướt siêu vượt âm.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/ten-lua-sieu-vuot-am-my-lien-tiep-phong-xit-4404846.html