Mỹ đủ khả năng rải thảm bom hạt nhân
Ngày 29/8/1949, Liên Xô thử vũ khí hạt nhân đầu tiên, phá vỡ thế độc quyền về vũ khí hủy diệt hàng loạt của Mỹ. Cuộc chạy đua vũ trang lập tức được kích hoạt sau đó, khi hai siêu cường liên tục tìm cách phát triển vũ khí hạt nhân mới để duy trì ưu thế trước đối phương.
Một trong những nỗ lực của Mỹ là dự án Tên lửa Siêu thanh Bay thấp (SLAM) sử dụng động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, được không quân Mỹ lên ý tưởng khoảng năm 1955.
Dự án phát triển SLAM, mang biệt danh "Cây gậy Lớn" trong quá trình nghiên cứu tiền khả thi, được giao cho tập đoàn hàng không vũ trụ Convair. Ý tưởng của siêu tên lửa này là sử dụng một động cơ chạy bằng năng lượng hạt nhân, có thể bay liên tục trong nhiều ngày ở tầm thấp để xuyên thủng hệ thống phòng không đối phương.
Với động cơ hạt nhân, SLAM có thể bay liên tục gần 182.000 km, tương đương 4,5 vòng quanh Trái Đất, trước khi hết nhiên liệu. Lầu Năm Góc hy vọng có thể sở hữu vũ khí này vào năm 1965.
Mô hình thử nghiệm khí động học của tên lửa SLAM hồi năm 1963. Ảnh: NASA.
Trong quá trình bay, lò phản ứng hạt nhân không che chắn của tên lửa sẽ phát tia phóng xạ xuống mặt đất, tạo thành đòn tấn công đầu tiên trong ít nhất ba cơ chế hủy diệt của SLAM.
Cơ chế hủy diệt thứ hai của SLAM là những đầu đạn nhiệt hạch mà nó mang theo trong thân. Tầm hoạt động gần như không giới hạn cho phép tên lửa lần lượt "rải thảm" các đầu đạn nhiệt hạch này xuống các mục tiêu trên đường bay. Cơ chế hủy diệt thứ ba được kích hoạt khi quả đạn lao vào mục tiêu cuối cùng, tạo ra đám mây phóng xạ độc hại bao trùm khu vực. Đòn tấn công cuối có thể diễn ra nhiều ngày, thậm chí nhiều tuần sau khi tên lửa rời bệ phóng.
SLAM sử dụng động cơ phản lực dòng thẳng (ramjet) phát triển từ dự án Pluto (sao Diêm Vương), trong đó quả đạn nén luồng không khí nhờ tốc độ rất cao khi bay, đốt nóng nó bằng lò phản ứng hạt nhân cỡ nhỏ bên trong và dùng luồng khí nóng này để tạo lực đẩy. Công nghệ ramjet vẫn được sử dụng trong nhiều vũ khí hiện nay, nhất là các chương trình tên lửa siêu vượt âm.
Lò phản ứng hạt nhân trên quả đạn SLAM có công suất hơn 500 megawatt và nhiệt độ 2.500 độ C, đủ nóng để nấu chảy nhiều kim loại chịu nhiệt. Do đó, các bộ phận kim loại bên trong tên lửa đều được thay bằng vật liệu gốm. Tên lửa được trang bị một tầng đẩy sơ tốc, giúp nó đạt tốc độ hành trình cần thiết để kích hoạt động cơ ramjet.
Sức hủy diệt của SLAM nằm ở đầu đạn chính và khả năng mang thêm tới 26 quả bom nhiệt hạch để công kích trên đường bay tới mục tiêu. Động cơ tên lửa cũng gây ồn đến mức các nhà thiết kế nhận định sóng âm của nó đủ sức làm thiệt mạng những người bên dưới đường bay, trong khi tia phóng xạ và các tàn dư nhiên liệu hạt nhân trong lò phản ứng sẽ làm những người khác chết dần vì nhiễm xạ.
Động cơ Pluto thử nghiệm hồi năm 1961. Ảnh: Wikipedia.
Động cơ hạt nhân của SLAM gây hàng loạt khó khăn cho quá trình thử nghiệm, bởi lò phản ứng sẽ hoạt động không ngừng cho tới khi tên lửa đánh xuống mục tiêu hoặc cạn nhiên liệu phóng xạ. Khu vực thử nghiệm động cơ cũng rất hạn chế bởi nguy cơ ô nhiễm phóng xạ.
Ngày 14/5/1961, các kỹ sư kích hoạt động cơ đẩy Pluto trên một toa tàu chỉ trong vài giây. Một tuần sau, đợt thử nghiệm thứ hai kéo dài tới 5 phút, động cơ đạt công suất 513 megawatt và tạo lực đẩy lớn hơn cả động cơ tiêm kích F-16 trong chế độ tăng lực. Mỹ không tiến hành thêm thử nghiệm nào do tên lửa SLAM hoàn chỉnh sẽ gây ô nhiễm phóng xạ trên diện tích quá lớn nếu được bay thử.
Mỹ quyết định hủy dự án động cơ Pluto và tên lửa SLAM ngày 1/7/1964 vì sự ra đời của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) và oanh tạc cơ chiến lược đã giúp bảo đảm năng lực răn đe hạt nhân, trong khi những lợi ích của SLAM không đủ bù đắp những rủi ro và nguy cơ hủy diệt quá lớn mà nó gây ra.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/sieu-ten-lua-my-co-the-rai-tham-bom-hat-nhan-4193603.html