Mỹ có thể điều thêm binh sĩ, khí tài tới Hàn Quốc để tăng cường phong tỏa Triều Tiên

18:45' 31-08-2017
Mỹ chỉ còn các phương án quân sự nếu chấm dứt đối thoại với Triều Tiên, nhưng tất cả đều tiềm ẩn hậu quả thảm khốc.


Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un theo dõi vụ phóng tên lửa hôm 29/8. Ảnh: KCNA.

"Mỹ đã nói chuyện với Triều Tiên và bị họ tống tiền suốt 25 năm. Nói chuyện không phải câu trả lời!", Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 30/8 tuyên bố trên Twitter, sau khi Bình Nhưỡng phóng tên lửa tầm trung Hwasong-12 bay qua Nhật Bản, theo Reuters.

Tuyên bố trên của Trump làm dấy lên nỗi lo ngại rằng Mỹ sẽ áp dụng các biện pháp cứng rắn hơn với Triều Tiên, sau khi các lệnh trừng phạt cũng như những lời đe dọa về "lửa và thịnh nộ" của Trump dường như không thể ngăn được Bình Nhưỡng tiếp tục thử tên lửa. Justin Bronk, chuyên gia về công nghệ và sức mạnh không quân tại Viện Các quân chủng Thống nhất Hoàng gia Anh (RUSI), cho rằng các chiến lược gia Mỹ có thể xem xét những biện pháp quân sự sau nếu đàm phán và ngoại giao với Triều Tiên bị gác lại, theo BBC.

Tăng cường phong tỏa

Để tiếp tục gây sức ép với Triều Tiên, Mỹ có thể triển khai thêm lực lượng tới Hàn Quốc, bao gồm các hệ thống phòng thủ tên lửa trên mặt đất như THAAD, pháo hạng nặng và xe thiết giáp, nhằm cho Bình Nhưỡng thấy rằng Washington sẵn sàng sử dụng vũ lực để hỗ trợ cho các yêu cầu của mình.

Trên biển, hải quân Mỹ có thể điều thêm tàu chiến, tuần dương hạm trang bị hệ thống chiến đấu Aegis có khả năng bắn hạ tên lửa đạn đạo tới vùng biển gần Triều Tiên, thậm chí triển khai thêm một cụm tàu sân bay chiến đấu ở đây.

Không quân Mỹ cũng có thể đưa các phi đội tiêm kích, máy bay tiếp dầu, phi cơ trinh sát và oanh tạc cơ hạng nặng tới các căn cứ tiền phương ở Guam, Hàn Quốc và Nhật Bản để gửi thông điệp mạnh mẽ tới Triều Tiên.

Mỹ có thể điều thêm binh sĩ, khí tài tới Hàn Quốc để tăng cường phong tỏa Triều Tiên. Ảnh: Yonhap.

Đây được coi là giải pháp ít rủi ro nhất nhưng cũng kém hiệu quả nhất, bởi nó chỉ đơn giản dựa trên lực lượng quân sự vốn đã được triển khai từ lâu tại Hàn Quốc, trong khi các khí tài này thu được rất ít thành công trong khả năng răn đe chương trình tên lửa và hạt nhân Triều Tiên.

Giải pháp này nhiều khả năng sẽ vấp phải sự phản đối của Hàn Quốc, quốc gia đã ngừng việc triển khai thêm THAAD cũng như không nhất trí với bất cứ biện pháp tăng quân nào của Mỹ vì lo ngại sẽ gây thêm căng thẳng với Triều Tiên. Trung Quốc và Nga chắc chắn cũng sẽ lên tiếng phản đối việc Mỹ gia tăng lực lượng quân sự ngay sát nách mình.

Bình Nhưỡng rất có thể sẽ nhận định rằng việc Mỹ tập kết lực lượng, khí tài tại Hàn Quốc là một động thái chuẩn bị cho xâm lược và rất có thể sẽ tung đòn tấn công phủ đầu để tự vệ, châm ngòi cho cuộc chiến thảm khốc.

Khi tăng cường lực lượng đến Hàn Quốc, Mỹ sẽ phải kéo căng lực lượng không quân, hải quân vốn đang quá tải và thiếu hụt nhân lực, kinh phí của mình. Triều Tiên trong khi đó có thừa thời gian để tiếp tục phát triển, hoàn thiện công nghệ tên lửa, sản xuất ra những quả tên lửa đạn đạo ngày càng hiện đại với chi phí rẻ hơn.

Mỹ dù có lực lượng dày đặc ở Hàn Quốc cũng khó có thể bắn hạ tất cả những tên lửa được Triều Tiên phóng lên, bởi Bình Nhưỡng sở hữu kho tên lửa đạn đạo rất lớn, trong khi các tàu chiến Mỹ chỉ được trang bị số lượng tên lửa đánh chặn hạn chế, với chi phí cũng rất cao.

Bởi vậy, Bronk cho rằng giải pháp này là vô cùng đắt đỏ và không thể duy trì lâu dài để thách thức Triều Tiên, đồng thời tiềm ẩn nhiều nguy cơ làm leo thang căng thẳng thành xung đột quân sự.

Tấn công chính xác

Thay vì phong tỏa kéo dài, giải pháp có vẻ hấp dẫn hơn là tung đòn tấn công chính xác một cách nhanh chóng bằng tên lửa hành trình Tomahawk phóng từ tàu ngầm và dùng máy bay tàng hình B-2 ném bom vào các cơ sở hạt nhân, tên lửa đạn đạo của Triều Tiên.

Với đòn tấn công chính xác này, Mỹ có thể gây thiệt hại nặng nề cho các mục tiêu giá trị cao của Triều Tiên. Những cơ sở ngầm kiên cố nhất của Bình Nhưỡng vẫn có thể bị phá hủy bằng bom phá boong-ke thông minh (MOP) nặng gần 14 tấn.

Tuy nhiên, Mỹ đến nay chưa thể đánh giá hết năng lực phòng không của Triều Tiên. Các hệ thống tên lửa, radar hàng chục năm tuổi của nước này có thể đã được cải tiến, nâng cấp đến một cấp độ mới, có thể tạo ra lưới hỏa lực phòng không dày đặc bắn hạ máy bay Mỹ.

Trong trường hợp một máy bay Mỹ bị rơi trên lãnh thổ Triều Tiên vì bị bắn hạ hoặc gặp tai nạn, Mỹ sẽ phải tiến hành một chiến dịch giải cứu đầy mạo hiểm hoặc chấp nhận bỏ rơi phi công và để họ trở thành công cụ tuyên truyền của Triều Tiên.

Quan trọng hơn, các cuộc tấn công phủ đầu này nhiều khả năng sẽ không loại bỏ được hàng nghìn khẩu pháo Triều Tiên đang bố trí trong các hang động dọc biên giới với Hàn Quốc. Hỏa lực từ giàn pháo binh này có thể hủy diệt thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong nửa giờ, gây thiệt hại nặng nề cho lực lượng quân sự Mỹ-Hàn đóng ở khu vực biên giới. Viễn cảnh này sẽ khiến Hàn Quốc quyết liệt phản đối bất cứ phương án tấn công phủ đầu nào của Mỹ nhắm vào Triều Tiên.

Xâm lược toàn diện

Một cuộc tấn công tổng lực bằng bộ binh vào lãnh thổ Triều Tiên được xem là giải pháp cuối cùng và cũng là khả năng gần như không thể xảy ra, bởi nó sẽ gây hậu quả quá nặng nề cho cả Triều Tiên lẫn Mỹ và Hàn Quốc.

Để có thể phát động chiến dịch can thiệp quân sự vào Triều Tiên, Mỹ sẽ phải mất nhiều tháng huy động binh lực, vật lực tới khu vực Đông Á. Những động thái điều chuyển lực lượng này rất dễ nhận ra và Triều Tiên hoàn toàn có thể phát động một cuộc tấn công phủ đầu nếu nhận thấy Mỹ đang âm mưu xâm lược mình.

Pháo binh Triều Tiên trong một cuộc tập trận. Ảnh: KCNA.

Một cuộc chiến như vậy nếu nổ ra có thể cướp đi sinh mạng của hàng trăm nghìn người. Ngoài trút hỏa lực pháo binh hủy diệt, Triều Tiên còn có thể đưa các đội đặc nhiệm thâm nhập vào Hàn Quốc, gây ra hỗn loạn kinh hoàng và những đòn tấn công phá hoại nặng nề cho lực lượng Mỹ - Hàn.

Trung Quốc nhiều khả năng cũng sẽ không khoanh tay ngồi yên khi đồng minh của mình bị Mỹ xâm lược. Cuộc chiến có thể sẽ leo thang thành một cuộc đụng độ giữa hai cường quốc, gây ra những hậu quả khó lường.

Với những kịch bản trên, Bronk cho rằng dù Trump tuyên bố "mọi phương án đang nằm trên bàn", Mỹ sẽ không thể dựa vào bất cứ giải pháp quân sự nào để giải quyết cuộc khủng hoảng Triều Tiên mà không phải trả cái giá rất đắt.

Chuyên gia này tin rằng bất chấp tuyên bố cứng rắn của Trump, Mỹ sẽ vẫn phải tiếp tục con đường đàm phán, đối thoại với Triều Tiên. Thực tế cũng cho thấy Washington chưa có bất cứ dấu hiệu nào về việc thay đổi chính sách một cách nhanh chóng sau những lời ám chỉ về giải pháp quân sự của Tổng thống Trump.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1877163