Mất ông trùm, tập đoàn Wagner sẽ đi về đâu?
Ủy ban Điều tra Nga ngày 27/8 xác nhận Yevgeny Prigozhin, ông trùm tập đoàn quân sự tư nhân Wagner, là một trong 10 người thiệt mạng khi máy bay tư nhân rơi tại tỉnh Tver, tây bắc Moskva hôm 23/8.
Giới quan sát cho rằng cái chết của Prigozhin có thể đặt dấu chấm hết cho danh tiếng và vị thế mà tập đoàn Wagner giành được từ chiến sự Ukraine cũng như các hoạt động ở châu Phi, Trung Đông.
Tổng thống Putin ngày 25/8 ký sắc lệnh yêu cầu thành viên các đơn vị quân sự tình nguyện, trong đó có Wagner, phải tuyên thệ trung thành dưới quốc kỳ Nga. Họ được yêu cầu "tuân thủ nghiêm ngặt mệnh lệnh của chỉ huy và cấp trên, tận tâm thực hiện nhiệm vụ được giao".
Sắc lệnh này được coi là động thái mang tính quyết định nhằm đặt các nhóm vũ trang như Wagner dưới sự chỉ huy trực tiếp của quân đội Nga, buộc họ phải chấp hành chỉ đạo và điều động từ Bộ Quốc phòng. Đây là điều mà Prigozhin từng phản đối quyết liệt và được coi là một trong những lý do thúc đẩy trùm Wagner tiến hành cuộc nổi loạn bất thành hồi cuối tháng 6.
Prigozhin cùng các tay súng Wagner tại thành phố Bakhmut trong bức ảnh được công bố ngày 20/5. Ảnh: Telegram/Wagner
"Khi không có Prigozhin, tôi cho rằng Wagner sẽ dần tan rã, bởi ông ta lãnh đạo nhóm quân sự này theo phong cách cá nhân, trong đó đặt lòng trung thành với ông trùm lên trên bất cứ cá nhân hay tổ chức nào khác", Natasha Lindstaedt, giáo sư chính trị tại Đại học Essex ở Anh, nhận định.
Theo bà, khi còn sống, Prigozhin không điều hành Wagner theo cấu trúc chỉ huy kiểu quân đội truyền thống, bởi ông trùm cho rằng mô hình như vậy là cứng nhắc, không hiệu quả và đe dọa đến sự sống còn của Wagner.
Trong chiến dịch tấn công thành phố Bakhmut ở miền đông Ukraine, Prigozhin từng nhiều lần chỉ trích hệ thống chỉ huy của quân đội Nga, cho rằng chỉ có Wagner mới có thể tác chiến hiệu quả.
"Mọi hoạt động của Wagner đều xoay quanh Prigozhin và khi ông ấy thiệt mạng, mọi thứ sẽ trở nên hỗn loạn. Các tay súng Wagner sẽ không còn biết đặt lòng trung thành vào đâu, đặc biệt là khi Dmitry Utkin, cánh tay phải của Prigozhin, cũng tử vong trong chuyến bay xấu số", Lindstaedt nói.
Việc hai chỉ huy cao nhất cùng Valeriy Chekalov, người phụ trách hậu cần của Wagner, cùng có mặt trên một chuyến bay đã gây ra nhiều hoài nghi cho thành viên tập đoàn, bởi sự cố rơi máy bay sẽ tạo ra lỗ hổng lãnh đạo rất lớn, có thể khiến công ty quân sự tư nhân này rơi vào tình trạng "rắn mất đầu".
Tatiana Stanovaya, thành viên cấp cao tại Trung tâm Á - Âu Carnegie Nga, cho rằng tương lai của Wagner đã dần mờ mịt sau vụ nổi loạn hồi cuối tháng 6, bất chấp những nỗ lực cứu vãn của ông trùm thông qua chuyến thăm các nước châu Phi gần đây.
Trùm Wagner Yevgeny Prigozhin ở Moskva, Nga, hôm 8/4. Ảnh: Reuters
"Sau cuộc nổi loạn, Prigozhin không còn là đối tác tin cậy của chính phủ Nga và không thể lấy lại vị thế đó", Stanovaya nhận định. Theo bà, Nga cần Prigozhin trong một thời gian hậu nổi loạn để hoàn thành quá trình tước bỏ ảnh hưởng và quyền lực của Wagner, nhưng vai trò đó sẽ giảm dần khi các thành viên Wagner chuyển tới Belarus.
Tại Nga, các hoạt động của Wagner đã bị đình chỉ trong hai tháng qua. Còn ở Belarus, các thành viên Wagner dần rời bỏ tổ chức do không hài lòng với mức lương thấp và điều kiện sống tại đây. Số tay súng Wagner ở Belarus đã giảm từ 5.000 hồi tháng 7 xuống chưa đầy 2.000.
Wagner từng được coi là lực lượng quan trọng để Nga mở rộng ảnh hưởng ở châu Phi, khi các tay súng của tập đoàn ký hợp đồng đảm bảo an ninh với nhiều quốc gia trong khu vực để đổi lấy quyền khai thác khoáng sản như vàng, kim cương, dầu mỏ.
Tuy nhiên, sau vụ nổi loạn, Bộ Quốc phòng Nga đã cử phái đoàn cấp cao đến châu Phi đàm phán với chính phủ các nước và phát đi thông điệp rằng từ nay họ sẽ trực tiếp làm việc với Moskva.
Phần lớn đế chế của Wagner ở châu Phi đều dựa vào những mối quan hệ mà Prigozhin và các cộng sự thân thiết đã tạo dựng suốt nhiều năm qua. Wagner được cho đã tới giúp chính quyền quân sự ở Mali, động thái góp phần vào quyết định chấm dứt chiến dịch quân sự kéo dài gần một thập kỷ của Pháp ở đó.
Nhưng khi Prigozhin vắng bóng, vị thế của Wagner ở châu Phi có thể nhanh chóng biến mất. Lãnh chúa Haftar ở Libya đã quay sang thảo luận về hợp tác quốc phòng với chính phủ Nga, thay vì các tay súng Wagner, do lo ngại về ảnh hưởng của tập đoàn này sau vụ nổi loạn.
"Điều rõ ràng là Wagner đã không còn như nó đã từng nữa", Peter Beaumont, nhà phân tích của Guardian, nhận định.
Tướng Anh về hưu Sean Bell, hiện là nhà phân tích quân sự, cho rằng sau vụ nổi loạn, Wagner sẽ chẳng còn gì nếu không có Prigozhin. "Nếu Wagner chính là Prigozhin, sẽ thật khó để tập đoàn này có thể tồn tại. Đây chính là sự kết thúc của Wagner", Bell nói.
Trong khi đó, giáo sư Lindstaedt bày tỏ lo ngại về khả năng quân đội Nga khó có thể kiểm soát hoàn toàn Wagner khi tổ chức này đang "vỡ vụn". "Khi một nhóm quân sự từng rất đông đảo và vũ trang mạnh tan vỡ, điều đó sẽ gây ra tình trạng hỗn loạn và các tay súng sẽ hành động liều lĩnh hơn. Điều có thể rất nguy hiểm cho an ninh khu vực", bà nói.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tuong-lai-wagner-sau-cai-chet-cua-ong-trum-4645323.html