Lợi ích khi tiêm trộn vaccine

04:00' 10-09-2021
Phần lớn vaccine Covid-19 được thiết kế tiêm hai mũi, nhưng nhiều quốc gia đang cho phép, thậm chí khuyến khích tiêm hỗn hợp hai loại vaccine khác nhau.

Thông thường, người dân được khuyến nghị sử dụng cùng một loại vaccine cho cả mũi 1 và mũi 2 nhằm đảm bảo tính an toàn, hiệu quả và sự yên tâm. Tuy nhiên, tình trạng thiếu hụt vaccine diễn ra ở hầu hết nước đang phát triển, khiến quá trình tiêm chủng bị gián đoạn.

Cùng với sự xuất hiện của biến thể Delta và tình hình dịch diễn biến xấu đi, giới chức y tế ở nhiều nước đã cho phép tiêm kết hợp hai loại vaccine khác nhau.

Các nhà khoa học và các nhà hoạch định chính sách y tế nhận định rằng tiêm kết hợp vaccine có thể tạo hệ miễn dịch tốt hơn so với tiêm hai mũi cùng loại. Đối với các quốc gia khan hiếm vaccine, đây có thể là một giải pháp đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng, theo New York Times.

Một nhân viên y tế tại Pháp tiêm vaccine Pfizer cho người dân. Ảnh: Reuters.

Lợi ích tiềm năng

Tiêm kết hợp vaccine được các nhà khoa học gọi là “tiêm nhắc lại vaccine khác loại” (heterologous prime-boost). Phương pháp này không mới và được các nhà nghiên cứu thử nghiệm chống lại một số bệnh khác, điển hình là Ebola.

Các nhà khoa học từ lâu đã đưa ra giả thuyết rằng việc tiêm hai loại vaccine khác nhau có thể tạo ra phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn. Hai loại vaccine khác biệt có thể kích thích những phần khác nhau của hệ thống miễn dịch hoặc giúp chúng nhận diện được nhiều bộ phận của mầm bệnh xâm nhập.

“Lập luận đối với Covid-19 có thực sự chính xác hay không sẽ cần phải được đánh giá bằng dữ liệu thực tế”, John Moore, nhà virus học tại trường Y Weill Cornell Medicine, cho biết.

Ngoài những lợi ích miễn dịch tiềm năng, việc tiêm kết hợp cũng mang lại sự linh hoạt cần thiết khi nguồn cung cấp vaccine không đồng đều hoặc hạn chế.

Người dân Seoul đeo khẩu trang đi bộ tại công viên. Ảnh: Reuters.

Nhiều thử nghiệm lâm sàng được tiến hành nhằm xác định chính xác lợi ích hoặc nhược điểm của phương pháp này. Các nhà nghiên cứu tại đại học Oxford đang thực hiện thử nghiệm có tên Com-COV, kết hợp nhiều loại vaccine khác nhau như AstraZeneca, Pfizer, Moderna và Novavax. Viện Y tế Quốc gia Mỹ cũng tiến hành thử nghiệm tiêm kết hợp mũi vaccine tăng cường.

Hầu hết nghiên cứu vẫn còn trong giai đoạn đầu nhưng có kết quả sợ bộ đầy hứa hẹn. Vào tháng 5, các nhà nghiên cứu Tây Ban Nha tuyên bố rằng những người tiêm kết hợp vaccine AstraZeneca và Pfizer có thể tạo phản ứng miễn dịch mạnh mẽ hơn so với hai liều vaccine AstraZeneca. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu cách này có tốt hơn so với tiêm hai liều vaccine Pfizer hay không.

Dữ liệu ban đầu từ nghiên cứu Com-COV cho thấy việc tiêm hỗn hợp vaccine có thể tăng tỷ lệ xuất hiện tác dụng phụ mức nhẹ và trung bình, bao gồm sốt, mệt mỏi và đau đầu. Hầu hết tác dụng phụ sẽ biến mất trong vòng 48 giờ.

Triển khai tại các quốc gia

Hồ sơ tiêm chủng tại những quốc gia đã thực hiện phương pháp này cho thấy việc tiêm kết hợp vaccine vẫn an toàn đối với người được tiêm. Các nước có nhiều cách kết hợp khác nhau các loại vaccine. Hiện nay, cách phổ biến nhất là tiêm mũi 1 bằng vaccine AstraZeneca, mũi 2 là vaccine công nghệ mRNA.

Vương quốc Anh bắt đầu cho phép tiêm kết hợp kể từ những ngày đầu triển khai vaccine. Ủy ban tư vấn quốc gia về tiêm chủng của Canada khuyến nghị những người đã tiêm một liều vaccine AstraZeneca có thể được tiêm mũi thứ hai bằng một loại vaccine khác sử dụng công nghệ mRNA, như Pfizer hay Moderna, để tạo hiệu quả tốt hơn.

Tây Ban Nha cũng có quyết định tương tự, nhấn mạnh rằng điều quan trọng nhất là người dân được tiêm đủ hai mũi, dù là AstraZeneca hay vaccine công nghệ mRNA.

Phương pháp kết hợp vaccine cũng được giới chức Đức, Thụy Điển, Pháp, Hàn Quốc ủng hộ và tiến hành. Thủ tướng Đức Angela Merkel hồi tháng 4 đã tiêm cả hai liều AstraZeneca và Moderna.

Các nhà nghiên cứu Nga thử nghiệm tiêm kết hợp vaccine Sputnik V nội địa với AstraZeneca. Đến thời điểm hiện tại, các nhà nghiên cứu không tìm thấy dấu hiệu phản ứng bất thường trong quá trình tiêm. Không có tình nguyện viên nào dương tính với Covid-19 sau khi tiêm.

Bản phân tích khả năng tiêm trộn giữa các loại vaccine dựa trên các nghiên cứu từng được thực hiện. Tổng hợp và phân tích: Bác sĩ Huỳnh Wynn Trần.

Ngày 16/8, Thổ Nhĩ Kỳ cho phép những người đã tiêm đầy đủ vaccine Sinovac được tiêm tăng cường một liều Pfizer. Quyết định này sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc nhập cảnh tới các quốc gia chưa phê duyệt vaccine của Trung Quốc.

Ngoài ra, cách thứ hai là tiêm kết hợp hai loại vaccine công nghệ mRNA. Canada là một trong những quốc gia đầu tiên triển khai phương pháp này nhằm giải quyết vấn đề nguồn cung vaccine.

Với một số quốc gia đang tiến hành tiêm mũi thứ 3 bổ sung, việc tiêm kết hợp vaccine cũng đang được thực hiện. Ngày 1/8, Thủ tướng Campuchia Hun Sen thông báo những người đã được tiêm đầy đủ hai liều vaccine Sinopharm hoặc Sinovac sẽ được tiêm bổ sung một liều AstraZeneca. Ngược lại, những người tiêm đầy đủ vaccine AstraZeneca cũng được tiêm thêm một liều Sinovac.

Kể từ tháng 9, những người dễ bị tổn thương hoặc có hệ miễn dịch yếu tại Đức sẽ được tiêm tăng cường một liều Pfizer hoặc Moderna, không quan trọng việc trước đó họ đã tiêm vaccine gì. Indonesia cũng xem xét tiêm bổ sung cho các nhân viên y tế sau khi hàng nghìn người tiêm vaccine Sinovac dương tính với Covid-19.

Trung tâm sản xuất và nghiên cứu vaccine của Anh đang tìm cách kết hợp vaccine cúm và Covid-19 thành một mũi tiêm duy nhất nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng tăng cường.

Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) và Cơ quan quản lý dược phẩm châu Âu (EMA) chưa có bình luận nào về phương pháp này. FDA chỉ khuyến nghị những người đã tiêm một liều vaccine Pfizer hoặc Moderna có thể sử dụng một loại khác trong “tình huống đặc biệt”, chẳng hạn như loại vaccine ban đầu không có sẵn.

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Ingrid Stitt Vùng: Cairnlea. Phone: 9363 1644
Xem thêm

Chúng tôi chúc quý vị một mùa Giáng Sinh an lành


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/khi-nao-nen-tiem-tron-vaccine-post1260590.html