Hàng ngày, Raju buộc 6 tải than, mỗi tải hơn 30 kg, lên giàn đèo sau xe đạp và di chuyển quãng đường 16 km để chuyển than từ mỏ tới tay các thương gia. Ông phải lén vận chuyển vào ban đêm để tránh cảnh sát và nắng nóng. Với mỗi chuyến tải than như vậy, ông được trả 2 USD. Hàng nghìn người khác cũng phải dựa vào những tải than đó để kiếm sống.

Công việc này bắt đầu từ khi Raju chuyển tới Dhanbad, thành phố bang Jharkhand, Ấn Độ vào năm 2016. Các trận lũ lụt hàng năm đã khiến ông không thể tiếp tục nghề nông truyền thống ở quê nhà.

Với Raju, than đá là tất cả những gì ông có để sống sót qua từng ngày. Nhưng đây lại là điều mà nhiều nước trên thế giới đang nỗ lực loại bỏ, khi Hội nghị Biến đổi khí hậu Liên Hợp Quốc COP26 đang diễn ra tại Glassgow, Scotland.

Naresh Chauhan và vợ đang nhặt than ở thành phố Dhanbad, bang Jharkhand, hồi tháng 9. Ảnh: AP.

Trái Đất cần con người ngừng đốt than, nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, để tránh những hậu quả thảm khốc của biến đổi khí hậu, trong đó có các trận lũ nghiêm trọng tàn phá ngành nông nghiệp Ấn Độ. Nhưng than đá là nguồn nhiên liệu lớn nhất để sản xuất điện và cũng là kế sinh nhai của nhiều người nghèo như Raju.

"Người nghèo không có gì ngoài buồn khổ. Nhưng với rất nhiều người, than đá đã cứu họ", Raju nói.

Alok Sharma, chủ tịch COP26, hồi tháng 5 nói ông hy vọng hội nghị tại Glasgow năm nay sẽ đánh dấu thời điểm than đá sẽ "lùi vào dĩ vãng". Điều này có thể xảy ra với những nước phát triển, nhưng với những nước nghèo, nó không đơn giản như vậy.

Các nước nghèo tranh luận rằng họ cần được phép phát thải một lượng khí carbon nhất định để có thể phát triển như các nước giàu, gồm việc sử dụng nhiên liệu giá rẻ như than đá cho ngành sản xuất thép và điện. Một người Mỹ trung bình sử dụng điện nhiều gấp 12 lần một người Ấn Độ. Hơn 27 triệu người ở Ấn Độ đang phải sống trong cảnh không có điện.

Nhu cầu điện ở Ấn Độ dự kiến tăng nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới trong hai thập kỷ tới, do nền kinh tế phát triển và thời tiết ngày càng nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điều hòa tăng cao. Coal India, nhà khai thác than lớn nhất thế giới, dự kiến tăng sản lượng lên hơn một tỷ tấn mỗi năm vào năm 2024.

D.D. Ramanandan, thư ký Trung tâm Công đoàn Ấn Độ ở Ranchi, nói các cuộc thảo luận về việc từ bỏ than đá chỉ diễn ra ở Paris, Glassgow hoặc New Delhi, chúng rất khó bắt đầu ở vành đai than đá Ấn Độ.

"Than đá đã được sử dụng suốt 100 năm qua. Công nhân tin rằng nó sẽ tiếp tục được dùng trong 100 năm tới", ông nói.

Một phụ nữ đội giỏ than gần mỏ than ở Dhanbad, bang Jharkhand, Ấn Độ hôm 24/9. Ảnh: AP.

Hậu quả của sử dụng than đá sẽ được cảm nhận ở cả quy mô toàn cầu và từng địa phương. Nếu thế giới không cắt giảm mạnh khí nhà kính, hành tinh sẽ phải hứng chịu những đợt nắng nóng cực đoan, mưa axit và bão lụt tồi tệ hơn trong những năm tới, theo Ủy ban liên quốc gia về Biến đổi khí hậu.

Một nghiên cứu của chính phủ Ấn Độ năm 2021 chỉ ra bang Jharkhand, nằm trong số bang nghèo nhất Ấn Độ và có trữ lượng than lớn nhất nước này, cũng là bang dễ bị tổn thương nhất trước biến đổi khí hậu.

Nhưng có khoảng 300.000 người đang làm việc tại các mỏ than do chính phủ quản lý mỗi ngày với mức lương ít ỏi. Gần 4 triệu người Ấn Độ có kế sinh nhai liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp với than đá, theo Sandeep Pai, người nghiên cứu an ninh năng lượng và biến đổi khí hậu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế ở Washington.

Các ngành công nghiệp nặng Ấn Độ như thép, gạch cần đến các mỏ than ở Jharkhand. Một nửa doanh thu của ngành đường sắt Ấn Độ là nhờ vận chuyển than.

"Than đá là cả một hệ sinh thái", Pai nói.

Với những người như Naresh Chauhan, 50 tuổi và vợ Rina Devi, 45 tuổi, nền kinh tế suy thoái vì đại dịch càng khiến cuộc sống của họ phải phụ thuộc vào than nhiều hơn.

Vợ chồng Chauhan sống ở một ngôi làng bên rìa mỏ than Jharia ở Dhanbad. Những đám cháy vỉa than, một số kéo dài hàng thập kỷ, đã khiến đất bị xốp. Khói bốc lên từ những vết nứt trên mặt đất gần túp lều của họ. Các vụ sụt lún đất chết người thường xuyên xảy ra.

Chauhan và vợ kiếm được 3 USD mỗi ngày nhờ bán 4 giỏ than cho các thương nhân.

Những gia đình sống giữa các mỏ than suốt nhiều thế hệ hiếm khi có đất để canh tác và cũng không có nơi nào khác để đi. Naresh hy vọng con trai ông sẽ học lái xe để thoát khỏi nơi này. Nhưng công việc dành cho tài xế taxi ở thành phố ngày càng ít. Các bữa tiệc cưới, từng phải đặt xe để chở khách, đã giảm, trong khi ngày càng ít khách du lịch đến thành phố này.

"Ở đây chỉ có than, đá và lửa. Không còn gì khác", ông nói.

Murti Devi đang nhóm bếp than ở ngôi nhà gần thành phố Dhanbad, Jharkhand, hồi tháng 9. Ảnh: AP.

Cuộc sống của người dân Dhanbad có thể trở nên khó khăn hơn khi thế giới quay lưng với than đá. Pai nói kịch bản này đang xảy ra do năng lượng tái tạo rẻ hơn và than đá ngày càng ít lợi nhuận. Ông thêm rằng Ấn Độ và các nước phụ thuộc vào than đá phải tìm cách đa dạng nền kinh tế và đào tạo lại lực lượng lao động, vừa để bảo vệ kế sinh nhai của người lao động vừa giúp tăng tốc quá trình từ bỏ than đá.

Nếu không, nhiều người sẽ lặp lại câu chuyện của Murti Devi, người mẹ đơn thân 32 tuổi có 4 đứa con sống tại một ngôi làng gần Dhanbad. Cô đã mất việc khi mỏ than nơi cô làm phải đóng cửa bốn năm trước. Công ty khai thác than không đưa ra giải pháp nào hỗ trợ việc làm cho những công nhân thất nghiệp như Devi. Giống nhiều người khác, cô phải đi mót than khắp nơi để kiếm sống.

Nếu may mắn, một ngày Devi có thể kiếm được 1 USD. Nhưng trong những ngày không mót được than, cô phải sống dựa vào sự giúp đỡ của hàng xóm.

"Nếu có than, chúng tôi sẽ sống. Nếu không còn than, chúng tôi chết chắc", cô nói.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/than-da-mieng-com-nguoi-ngheo-bi-ruong-ray-4380373.html