Ngày 7/9/2010, một tàu đánh cá Trung Quốc đã đâm vào tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Senkaku do Nhật kiểm soát. Khu vực này cũng được Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền và gọi tên là quần đảo Điếu Ngư.

Giới chức Nhật Bản lúc đó quyết định bắt giữ thuyền trưởng của tàu đánh cá, làm gia tăng căng thẳng giữa hai nước. Tại Trung Quốc, phong trào biểu tình chống Nhật bùng nổ trên toàn quốc, theo Nikkei Asian Review.

Ngay cả trong các cuộc họp kín, Trung Quốc quyết không thừa nhận hành vi sai phạm của tàu đánh cá nói trên.

Ngày 7/9/2010, một tàu đánh cá Trung Quốc đã đâm vào tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản tại vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Kyodo.

Hai tuần sau vụ đụng độ, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshito Sengoku đã đến nhà khách Điếu Ngư Đài ở Bắc Kinh để gặp ông Đới Bỉnh Quốc (Dai Bingguo), nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc ở thời điểm này.

“Nếu phía Trung Quốc hợp tác, chúng tôi sẽ thả thuyền trưởng vào ngày 29/9/2010”, ông Sengoku nói. Theo kế hoạch, vị thuyền trưởng sẽ được thả tự do nếu thừa nhận đã đâm vào tàu của Cảnh sát biển Nhật Bản. Người này chỉ bị phạt một khoản tiền nhỏ để kết thúc vụ việc.

Ban đầu, ông Đới phản đối kịch bản này song vẫn chăm chú lắng nghe. Nếu vụ việc khép lại theo hướng trên, Nhật Bản sẽ duy trì quyền tài phán trong quá trình tố tụng và thuyền trưởng được trả tự do theo yêu cầu của Trung Quốc.

Thủ tướng Nhật Bản lúc đó, ông Nato Kan, cũng muốn nhanh chóng tháo gỡ bế tắc. Chánh văn phòng Sengoku nhận thấy đây là cách duy nhất để vừa tuân thủ luật pháp Nhật Bản, vừa xoa dịu tình hình nhanh chóng.

Leo thang

Tuy nhiên, mọi tính toán đã đi vào ngõ cụt khi vị thuyền trưởng nghe lời nhân viên từ đại sứ quán Trung Quốc và từ chối ký vào bất cứ tài liệu nào. Phía Trung Quốc không muốn thừa nhận quyền tài phán của Nhật Bản với quần đảo Senkaku, vốn là khu vực được Bắc Kinh đòi yêu sách chủ quyền.

“Nếu bị đưa ra xét xử, vụ việc sẽ kéo dài suốt nhiều tháng trời”, ông Sengoku cảnh báo.

Đến nay, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong tranh chấp ở khu vực Senkaku/Điếu Ngư. Ảnh: Nikkei Asian Review.

Dù vậy, ông Đới Bỉnh Quốc không hề bị thuyết phục, thậm chí từ chối xem đoạn video ghi lại vụ va chạm. Song ông nói sẽ trao đổi với các lãnh đạo phía Trung Quốc. “Tôi vô cùng thất vọng về phương án này”, ông Đới nói. “Chúng tôi không thể chấp nhận bản cáo trạng nào”.

Ông Đới cũng khẳng định tàu Nhật Bản đâm vào tàu đánh cá của Trung Quốc, đồng thời cáo buộc Tokyo lợi dụng vụ va chạm để tranh chấp quần đảo Senkaku. Sau cuộc gặp kéo dài hai tiếng đồng hồ, hai quan chức cấp cao bắt tay nhưng không đạt được thỏa thuận.

Đến ngày 21/9/2010, Thủ tướng Trung Quốc lúc đó, ông Ôn Gia Bảo tuyên bố Bắc Kinh không có lựa chọn nào khác ngoài các biện pháp cực đoan. Sau đó, Trung Quốc đã tung hàng loạt đòn trả đũa như thắt chặt và hạn chế thương mại, hủy bỏ các cuộc tiếp xúc, trao đổi về văn hóa, chính trị.

Đáng chú ý, Bắc Kinh còn tuyên bố đình chỉ việc xuất khẩu đất hiếm sang nước láng giềng. Đất hiếm vốn là nguyên liệu thô quan trọng trong hoạt động sản xuất công nghệ cao ở Nhật Bản.

Ngoài ra, giới chức Trung Quốc cũng bắt giữ 4 công dân Nhật Bản vì nghi ngờ những người này ghi hình khu quân sự mật. Hàng loạt doanh nghiệp trong nước cũng hủy bỏ hợp đồng làm ăn với đối tác người Nhật.

Nhật Bản đã sẵn sàng?

Sau khi tham vấn Bộ Ngoại giao, các công tố viên Nhật Bản lúc bấy giờ quyết định hoãn truy tố và thả tự do cho thuyền trưởng người Trung Quốc vào ngày 24/9/2010. Ông Tetsuro Fukuyama, phó chánh văn phòng nội các, thừa nhận: “Đây không phải là một quyết định dễ dàng”.

Một số ý kiến cho rằng Tokyo đã phải nhượng bộ trước áp lực từ phía Bắc Kinh. Trong bản tài liệu mật tóm tắt vụ việc, một quan chức đã lập luận: “Khi nền kinh tế của Nhật Bản còn phụ thuộc vào Trung Quốc, liệu xã hội và các doanh nghiệp có thể sống sót sau cuộc chiến trong thời bình này không? Liệu chúng ta đã chuẩn bị đầy đủ mọi mặt”.

Kể từ đó, Trung Quốc tuyên bố không thỏa hiệp trong các vấn đề về chủ quyền và lãnh thổ, bao gồm sự kiện Nhật Bản quốc hữu hóa 3 đảo trong khu vực Senkaku vào năm 2012.

Nhật Bản tiếp tục mắc kẹt trong mối quan hệ căng thẳng giữa đồng minh Mỹ và nước láng giềng Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Hai nước liên tục chỉ trích lẫn nhau, đồng thời sử dụng nhiều ngôn từ mạnh mẽ để khẳng định chủ quyền với quần đảo bị tranh chấp. Đến nay, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn chưa tìm được tiếng nói chung trong tranh chấp ở khu vực Senkaku/ Điếu Ngư.

Giờ đây, Nhật Bản tiếp tục mắc kẹt trong mối quan hệ căng thẳng giữa đồng minh Mỹ và nước láng giềng Trung Quốc. Câu hỏi được đặt ra là liệu Nhật đã sẵn sàng để giải quyết các vấn đề lớn với “người hàng xóm”.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?

Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/bai-hoc-cho-nhat-ban-tu-vu-dung-do-10-nam-truoc-voi-tq-post1128262.html