Belarus hôm 23/5 điều tiêm kích hộ tống chuyến bay số hiệu 4978 của hãng hàng không Ryanair chuyển hướng đến thủ đô Minsk khi đang thực hiện hành trình từ Hy Lạp tới Litva. Sau khi phi cơ hạ cánh khẩn cấp xuống Minsk, giới chức Belarus đã bắt nhà báo đối lập Roman Protasevich và bạn gái Sofia Sapega, hai trong số hơn 170 hành khách trên chuyến bay.

Chính quyền Belarus cho biết họ đã nhận được cảnh báo có bom trên khoang và phi công của Ryanair có nghĩa vụ tuân theo hướng dẫn của kiểm soát viên không lưu cũng như tiêm kích Belarus. Tuy nhiên, giới chức phương Tây cáo buộc Minsk có hành vi "không tặc" với một máy bay châu Âu và lập tức áp các biện pháp trừng phạt bổ sung với Belarus.

Trong khi đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cáo buộc các nước phương Tây đạo đức giả, chỉ ra rằng họ "từng phản ứng khác trước những sự việc tương tự diễn ra ở các quốc gia khác trước đây". Zakharova đề cập cụ thể đến một chuyến bay 8 năm trước của Evo Morales, người giữ chức tổng thống Bolivia khi đó.

Tháng 7/2013, khi Evo Morales đang trên đường trở về Bolivia sau một hội nghị thượng đỉnh tại Moskva, Nga, chuyến bay của ông buộc phải chuyển hướng đến sân bay Schwechat gần thủ đô Vienna của Áo, do một số quốc gia châu Âu khác không cho phép chuyên cơ đi qua không phận của họ.

Cựu tổng thống Bolivia Evo Morales tại sân bay Schwechat, gần thủ đô Vienna của Áo, nơi chuyên cơ của ông bị chuyển hướng đến hồi tháng 7/2013. Ảnh: AFP.

Động thái này bắt nguồn từ thông tin Edward Snowden, người làm rò rỉ nhiều tài liệu bí mật của tình báo Mỹ, có thể đã ẩn náu tại một sân bay ở Moskva và lên chuyên cơ của Morales. Bolivia tuyên bố đây là một lời bịa đặt trắng trợn. Pháp sau đó gửi lời xin lỗi chính phủ Bolivia vì "xác nhận chậm trễ" quyền đi vào không phận của chuyến bay, đồng thời đổ lỗi cho "những thông tin mâu thuẫn".

Mặc dù vậy, giới quan sát chỉ ra rằng máy bay của Morales không bị tiêm kích chặn đường và ép hạ cánh, mà ngay từ đầu đã không được phép vào không phận các nước châu Âu. Tổng thống Bolivia khi đó cũng đi chuyên cơ của chính phủ, không phải một chuyến bay thương mại chở những hành khách bình thường.

Cơ quan hàng không dân dụng của Liên Hợp Quốc ICAO cho biết họ vô cùng lo ngại tình huống "ép hạ cánh rõ ràng" trong sự cố tại Belarus có thể đã vi phạm Công ước Chicago năm 1944, trong đó đặt ra những quy tắc về tiếp cận không phận và an toàn bay. Công ước chỉ áp dụng đối với các máy bay dân sự, như chuyến bay của Ryanair, không có hiệu lực với những máy bay nhà nước như chuyên cơ tổng thống hoặc máy bay quân sự.

Tuy nhiên, những tình huống máy bay thương mại phải chuyển hướng cũng từng xảy ra trước đó. Tháng 2/2010, Iran tuyên bố họ đã buộc một chuyến bay từ Dubai, Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE), đến Kyrgyzstan phải hạ cánh xuống nước này, nhằm bắt thủ lĩnh Abdolmalek Rigi của Jundullah, một nhóm phiến quân Hồi giáo dòng Sunni.

"Chuyến bay chở Abdolmalek Rigi bị yêu cầu hạ cánh xuống Iran. Anh ta bị bắt sau khi phi cơ bị khám xét", nghị sĩ Iran Mohammed Dehgan khi đó cho biết. Rigi bị xử tử vào tháng 6/2010.

Tuy nhiên, có những thông tin mâu thuẫn xung quanh sự việc, đặc biệt trên truyền thông Mỹ. Một số bài báo viết rằng Pakistan, quốc gia nằm trên lộ trình chuyến bay chở Rigi, đã đề nghị hỗ trợ để bắt thủ lĩnh phiến quân, làm dấy lên hoài nghi rằng tuyên bố của chính phủ Iran có thể không đúng. Tới nay vẫn chưa xác minh được chính xác Rigi đã bị Iran bắt như thế nào.

Hình ảnh Abdolmalek Rigi bị bắt do truyền hình nhà nước Iran cung cấp hồi tháng 2/2010. Ảnh: Reuters.

Tháng 10/1985, các tiêm kích Mỹ cũng chặn đường một máy bay dân dụng của Ai Cập chở những hành khách bị nghi là phiến quân thuộc nhóm Mặt trận Giải phóng Palestine (PLF), buộc phi cơ phải hạ cánh xuống một căn cứ Mỹ ở Italy.

Trước đó, các thành viên của PLF đã tiến hành vụ cướp du thuyền Achille Lauro chở hàng trăm người tại Địa Trung Hải, khiến một hành khách lớn tuổi người Mỹ gốc Do Thái thiệt mạng. Sau khi du thuyền cập cảng Ai Cập, 4 phiến quân PLF đã trốn thoát.

Nhóm người này cố gắng chạy khỏi Ai Cập bằng chuyến bay của hãng hàng không Egyptair, nhằm đến thủ đô Tunis của Tunisia. Theo Los Angeles Times, phi cơ này đã bị các tiêm kích F-16 của Mỹ chặn lại trong không phận quốc tế tại Địa Trung Hải, rồi được hộ tống đến căn cứ Sigonella ở Sicily. 4 phiến quân đã bị kết án tù lâu năm tại Italy.

Một vụ buộc máy bay hạ cánh khác từng xảy ra vào ngày 22/10/1956. Khi đó, 5 lãnh đạo phong trào đòi độc lập cho Algeria (FLN) có mặt trên chuyến bay dân sự từ thủ đô Rabat của Morocco đến Tunis. Họ dự định tham gia một hội nghị về tương lai của vùng Maghreb, bao gồm Morocco, Algeria, Tunisia và Libya, do tổng thống Tunisia lúc đó là Habib Bourguiba chủ trì.

Tại thời điểm đó, Algeria là thuộc địa của Pháp. Cơ quan mật vụ Pháp đã điều tiêm kích để chặn chuyến bay, buộc phi cơ hạ cánh xuống Algeria và bắt 5 lãnh đạo FLN. Sự việc khiến Morocco và Tunisia vô cùng phẫn nộ.

Trong số 5 lãnh đạo FLN bị bắt có Ahmed Ben Bella, người sau này trở thành tổng thống đầu tiên của Algeria sau khi đất nước giành độc lập từ Pháp.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

MRC North West Vùng: St Albans. Phone: 1300 676 044
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/nhung-lan-cac-nuoc-buoc-may-bay-cho-khach-chuyen-huong-4284616.html