Lãnh đạo Nga - Mỹ cảnh báo lẫn nhau khi điện đàm
Tổng thống Mỹ Biden và Tổng thống Nga Putin điện đàm lúc 15h35 ngày 30/12 (3h35 ngày 31/12 giờ Hà Nội) khi căng thẳng về Ukraine gia tăng, đánh dấu cuộc điện đàm thứ hai trong ba tuần.
Yury Ushakov, cố vấn chính sách đối ngoại của ông Vladimir Putin, hôm nay cho biết Điện Kremlin hài lòng về sự kiện, nhưng Putin cảnh báo Moskva cần "kết quả" cụ thể từ các cuộc đàm phán an ninh sắp tới và Washington không nên áp dụng biện pháp trừng phạt mới.
"Bất kỳ lệnh trừng phạt nào cũng sẽ phá vỡ quan hệ Nga - Mỹ và là sai lầm lớn. Chúng tôi hy vọng điều này không xảy ra", Ushakov nói với phóng viên, thêm rằng điện đàm tập trung vào các đề xuất an ninh mà Moskva đưa ra với phương Tây. "Chúng tôi cần một kết quả và chúng tôi sẽ thúc đẩy kết quả dưới hình thức đề xuất an ninh được đảm bảo cho Nga".
Ushakov cũng nhấn mạnh rằng đàm phán không nên biến thành "trò chuyện vu vơ". Ông không đưa ra khung thời gian chính xác nhưng cho biết Điện Kremlin sẽ đánh giá tình hình sau một số vòng đàm phán dự kiến bắt đầu vào tháng một tại Geneva, Brussels và Vienna. "Sau đó, chúng tôi sẽ đưa ra kết luận," ông nói.
Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cho biết trong cuộc điện đàm 50 phút, Tổng thống Joe Biden tuyên bố Mỹ có thể áp dụng các biện pháp trừng phạt lớn đối với Nga nếu căng thẳng về Ukraine tiếp tục leo thang.
"Tổng thống nói rõ rằng Mỹ và các đồng minh, đối tác sẽ đáp trả một cách dứt khoát" nếu Nga tấn công Ukraine, Psaki cho hay.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (trái) và Tổng thống Nga Vladimir Putin. Ảnh: AFP.
Khi được hỏi liệu Nga có sẵn sàng đồng ý thỏa hiệp, Ushakov nói: "Thỏa hiệp là gì? Đương nhiên, đàm phán có nghĩa chúng tôi sẽ tính đến các mối quan tâm của Mỹ".
Dù đưa ra cảnh báo cứng rắn, hai lãnh đạo vẫn bày tỏ ủng hộ tăng cường biện pháp ngoại giao. Một quan chức cấp cao giấu tên của Mỹ cho biết cuộc điện đàm "nghiêm túc và thực chất".
Nhà Trắng cũng nói rằng họ muốn Nga có động thái giảm leo thang, khi Moskva bị cáo buộc hiện diện quân sự lớn ở biên giới với Ukraine. "Tổng thống Biden nhắc lại tiến bộ thực chất trong cuộc đối thoại này chỉ có thể xảy ra trong môi trường giảm leo thang", Psaki nói.
Căng thẳng giữa Nga và phương Tây gần đây leo thang sau khi Mỹ, NATO cáo buộc Nga điều khoảng 70.000 - 100.000 quân tới sát biên giới với Ukraine, bày tỏ lo ngại nước này có thể phát động một cuộc chiến tổng lực.
Nga bác bỏ cáo buộc và tuyên bố chúng "vô căn cứ", khẳng định mọi động thái quân sự ở biên giới phía tây hoàn toàn vì mục đích phòng thủ. Tổng thống Putin ngày 26/12 cho rằng NATO đã ép Nga tới sát lằn ranh và khiến Moskva không còn đường lùi, cảnh báo nước này có nhiều phương án đáp trả nếu phương Tây khước từ các đề xuất bảo đảm an ninh.
Nga hồi giữa tháng này công bố hai dự thảo về 8 đề xuất an ninh với Mỹ và NATO, nhằm tháo gỡ cuộc khủng hoảng hiện nay tại biên giới Ukraine. Trong dự thảo, Nga yêu cầu NATO rút toàn bộ binh sĩ và vũ khí khỏi những nước gia nhập liên minh sau năm 1997, gồm Ba Lan, Estonia, Litva, Latvia và các nước vùng Balkan. Moskva cũng muốn NATO ngừng mở rộng về phía đông, không kết nạp Ukraine vào khối và không diễn tập tại Ukraine, Đông Âu, Trung Á và các nước vùng Kavkaz nếu chưa có sự đồng thuận từ Nga.
Nga cũng kêu gọi hai bên rút tên lửa tầm ngắn và tầm trung khỏi biên giới của nhau, thay thế Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm xa (INF) mà Mỹ rút khỏi năm 2018.
Mỹ hôm 27/12 thông báo Washington và Moskva sẽ đàm phán về an ninh châu Âu và xung đột Ukraine vào 10/1/2022. Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov một ngày sau đó xác nhận thông tin và nói rằng đàm phán sẽ diễn ra tại Geneva, Thụy Sĩ, nơi Biden và Putin họp thượng đỉnh lần đầu hồi tháng 6.
Xem thêm
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/biden-putin-canh-bao-nhau-khi-dien-dam-4410408.html