Lạ lùng trào lưu kết hôn mới của giới trẻ Trung Quốc

13:31' 25-12-2020
Trào lưu kết hôn hai bên cùng cưới không khác gì ly hôn của giới trẻ Trung Quốc hiện đang gây nhiều tranh cãi. Liệu hình thức hôn nhân tưởng chừng rất bình đẳng và xóa bỏ cách gọi ông bà ngoại này là xu thế tất yếu hay chỉ là sở thích nhất thời của một bộ phận cậu ấm - cô chiêu ở đất nước tỷ dân?

Kết hôn không sính lễ, không hồi môn, nhà trai và nhà gái giảm bớt được gánh nặng kinh tế, 2 con sinh ra tùy ý theo họ cha hoặc mẹ, tránh cho hai bên nội ngoại tranh quyền nuôi dưỡng, hot trend kết hôn mới của giới trẻ Trung Quốc có thực sự mang lại nhiều lợi ích như đồn đoán?

Kết hôn theo kiểu "hai bên cùng cưới"

Ảnh minh họa

Gần đây, giới trẻ Trung Quốc rộ lên trào lưu kết hôn mới gọi là "hai bên cùng cưới", không phải nam cưới nữ về làm dâu, cũng không phải nữ cưới nam về ở rể. Sau khi kết hôn vẫn ai ở nhà nấy, các cặp đôi thường sinh 2 đứa con, đứa thứ nhất mang họ cha do gia đình chồng nuôi dạy chính, đứa thứ 2 mang họ mẹ do gia đình vợ nuôi dạy chính, còn ông bà 2 bên đều được gọi là ông bà nội.

Tiểu Tây và Tiểu Tranh là một đôi vợ chồng 8X sống tại thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang (Trung Quốc), 2 người đều là con một. Trước khi đến với nhau, 2 bên đã thỏa thuận sau khi cưới Tiểu Tây có thể tùy ý ở nhà bố mẹ đẻ hoặc nhà bố mẹ chồng, ngược lại Tiểu Tranh cũng có thể đến nhà bố mẹ vợ thoải mái sống như nhà mình, 2 gia đình cũng bàn bạc để vợ chồng Tiểu Tranh sinh 2 con, dựa theo thứ tự sinh ra, con lớn sẽ theo họ cha, con út sẽ theo họ mẹ.

Hình thức hôn nhân này được khởi xướng từ khu vực 2 tỉnh Chiết Giang - Giang Tô (Trung Quốc) mấy năm gần đây. "Hai bên cùng cưới" được dân địa phương mô tả bằng những cụm từ "không vào không ra", "không lấy không gả", "hai nhà liên hợp", hàm ý "nhà tôi không phải gả con gái đi, nhà anh cũng không phải cưới con gái về", cưới xong, vợ ở nhà vợ, chồng ở nhà chồng.

Gia đình của những cậu ấm - cô chiêu

Ảnh minh họa

Lựa chọn "hai bên cùng cưới" có thể nói là nhu cầu bình thường của những gia đình chỉ có một đứa con (theo chính sách một con cũ của Trung Quốc). Đỗ Bằng - luật sư của phòng luật sư Thuận Bác Chiết Giang cho biết: "Người địa phương thường nói "chọn con rể tới lui cuối cùng chọn phải một chàng rể lười nhác", đây là tâm lý chung của những gia đình "cưới con rể" về nhà theo lối truyền thống, "một khi đã phải ở rể, con sinh ra cũng không mang họ mình mà mang họ vợ, nhà này cũng không có phần mình, mình đến chỉ để hoàn thành "nhiệm vụ sinh sản" mà thôi."

Sống với tâm lý như vậy, người ở rể lâu dần sẽ mất đi ý thức trách nhiệm; hơn nữa, có thể cưới con trai về ở rể thông thường là những nhà gái có điều kiện kinh tế nổi trội hơn, yêu cầu con rể từ bỏ gia đình mình,và không tránh khỏi việc phòng bị cũng như kỳ thị con rể, gia đình theo đó mà tiềm ẩn nhiều bất ổn.

"Hai bên cùng cưới" giúp các gia đình tránh được tình huống tréo ngoe như trên, bởi vì với kiểu hôn nhân này, nhà trai không cần sính lễ, nhà gái cũng không có hồi môn, không có ai cưới ai về cũng không có ai bị gả đi, đều có con theo họ mình, so với việc phải ở rể thì kiểu kết hôn này không bị áp lực tâm lý đè nặng.

Kiểu hạnh phúc lạ lùng của đại gia đình "hai bên cùng cưới"

"Cá nhân tôi cho rằng, "hai bên cùng cưới" thỏa mãn nhu cầu tâm lý cũng như tình hình thực tế của cả 2 bên." - Đỗ Bằng nói.

Trừ những điều kể trên, "hai bên cùng cưới" còn có một đặc điểm khác so với kết hôn truyền thống, đó là sau khi kết hôn, đôi vợ chồng trẻ có thể sống chung với bố mẹ vợ hoặc bố mẹ chồng, hoặc luân phiên qua lại giữa 2 nhà. Nguyên nhân chủ yếu buộc "hai nhà liên hợp" là do tiết tấu quá nhanh của cuộc sống hiện đại đưa đẩy mà thành, rất nhiều đôi vợ chồng trẻ không mua nổi nhà riêng, không có thời gian chăm sóc con nhỏ, chỉ có thể nhờ vả bố mẹ.

Dương Tuệ Lệ, phó chủ nhiệm Ủy ban gia đình, phòng luật sư Nặc Lực Á (Chiết Giang, Trung Quốc) nhận định: "Còn có một bộ phận không nhỏ các bạn trẻ kết hôn rồi nhưng vốn là cậu ấm - cô chiêu con một, nhà bố mẹ ruột có điều kiện tốt hơn, năng lực độc lập trong cuộc sống kém, cho nên vô cùng ỷ lại bố mẹ ruột."

Trào lưu trăm lợi vô hại?

Ảnh minh họa

Dương Hồng - luật sư phòng luật sư Tư Vĩ Chiết Giang tỏ vẻ đồng tình: "Tôi cho rằng loại hình kết hôn "không đến không đi" này chính là một hình thức thăm dò xã hội mới, khá tốt, có lợi cho việc củng số sự hài hòa trong gia đình".

Trải qua quá trình nghiên cứu "hai bên cùng cưới" 1 thời gian dài, Dương Hồng tổng kết: "Đầu tiên, gia đình "cùng cưới" thường thỏa thuận sinh 2 con, tích cực hưởng ứng chính sách sinh đẻ của quốc gia, giảm bớt tốc độ già hóa của dân số. Hơn nữa, không có rào cản sính lễ và hồi môn, áp lực kinh tế đè lên cả nhà trai lẫn nhà gái đều được giảm bớt. Nói một cách tương đối, hình thức này chính là đề cao nguyện vọng được kết hôn của giới trẻ, sinh 2 đứa con, đứa theo họ mẹ, đứa theo họ cha, tránh được việc tranh giành nuôi nấng giữa 2 bên gia đình."

Ảnh minh họa

Thế nhưng, hôn nhân "hai bên cùng cưới" không phải trăm lợi vô hại, trên thực tế nó có rất nhiều "di chứng".

"Vẫn duy trì mối liên hệ sâu sắc với cha mẹ ruột mặc dù vô cùng tốt nhưng đồng thời cũng sẽ khiến tính gia đình của hôn nhân "hai bên cùng cưới" yếu đi. Tính đầy đủ của gia đình mới và độ thân mật của vợ chồng trẻ nhất định sẽ bị ảnh hưởng. Chưa kể đến trường hợp vì có thể sống thoải mái ở cả 2 bên gia đình nên nảy sinh tranh cãi "ở bên này ít, ở bên kia nhiều", người chồng thường không muốn sống ở nhà vợ quá lâu, sợ mang tiếng ở rể." - Dương Tuệ Lệ nói.

Lấy ví dụ chuyện xảy ra ở nhà vợ chồng Tiểu Tây và Tiểu Tranh, Tiểu Tranh không muốn tham gia lễ tảo mộ cùng nhà vợ, anh cho rằng chỉ có con dâu mới đi tảo mộ với nhà chồng, chứ không thấy con rể đi tảo mộ cùng nhà vợ bao giờ, nên kiên quyết không đi. Nhưng Tiểu Tây nói đã là hôn nhân "cùng cưới", dâu với rể vai trò như nhau, đều phải đi hết. Đôi vợ chồng trẻ vì thế mà xung đột gay gắt.

Ảnh minh họa

Có những mâu thuẫn khó có thể hòa giải, trên thực tế nhà trai và nhà gái đều "ôm" một đứa trẻ, nếu cả 2 cùng giới tính tất nhiên mọi người đều vui vẻ, nhưng nếu sinh 1 nam 1 nữ sẽ dễ dẫn đến tranh chấp. Bởi tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại ở nhiều vùng tại Trung Quốc, nên nếu nhà trai phải nhận cháu gái về nuôi rất có thể trong lòng họ sẽ cân đo đong đếm, tiềm ẩn nguy cơ xung đột gia đình.

Những đứa trẻ được sinh ra trong gia đình "cùng cưới" đều gọi cha mẹ của cha mẹ là ông bà nội, hủy bỏ cách gọi ông bà ngoại, khiến đứa trẻ mông lung giữa các mối quan hệ. Bên cạnh đó, anh chị em ruột nhưng khác họ và không sống cùng nhau cũng làm cho nhận thức đồng cảm của trẻ nhỏ chậm lại, thậm chí có ông bà thiên vị đứa cháu mang họ nhà mình, bỏ mặc đứa còn lại, sự bất công ảnh hưởng đến việc hình thành nhân cách của trẻ nhỏ.

Ảnh minh họa

Đỗ Bằng và Dương Hồng bày tỏ thái độ ủng hộ "hai bên cùng cưới", nhìn chung lợi nhiều hơn hại, nhưng Dương Tuệ Lệ không cho như thế là đúng, vị luật sư này cho rằng cha mẹ đẻ của những gia đình "hai bên cùng cưới" chẳng qua là chưa thoát khỏi được tư tưởng gia đình truyền thống của Trung Quốc, tìm cách kéo dài sự tồn tại của dòng họ nhà mình mà thôi, có thể nói "hai bên cùng cưới" bề ngoài có vẻ mới mẻ nhưng ẩn sau đó vẫn là tư duy cũ kỹ, nếu không muốn nói là cổ hủ lạc hậu.

Các luật sư cho rằng, thái độ của mọi người đối với vấn đề dòng họ trong hôn nhân càng ngày càng cởi mở và văn minh, "hai bên cùng cưới" là hệ quả nhất thời của một giai đoạn phát triển xã hội, có thể trở nên phổ biến hơn nữa trong thời gian tới, nhưng một khi chính sách Nhà nước thay đổi kèm theo các vấn đề về dân số, tương lai của hình thức kết hôn mới mẻ này vẫn còn cần thời gian để kiểm chứng.

Nguồn: QQ

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Hưng Handyman Phone: 0432 797 099
Xem thêm

Article sourced from KENH14.

Original source can be found here: https://kenh14.vn/hanh-phuc-la-lung-cua-moi-hon-su-hai-ben-cung-cuoi-trao-luu-ket-hon-ma-chang-khac-gi-ly-hon-cua-gioi-tre-trung-quoc-2020122122453601.chn