'Khinh khí cầu gián điệp' liệu đã lỗi thời?

20:00' 06-02-2023
Các chuyên gia nhận định khinh khí cầu giám sát có lịch sử lâu đời trong hoạt động tình báo, đồng thời vẫn cung cấp một số lợi thế khi do thám đối phương trong thời hiện đại.

Trung Quốc khẳng định quả cầu khổng lồ màu trắng bay trên không phận Mỹ là thiết bị dân sự “chủ yếu phục vụ ngành khí tượng”, đi lạc so với lộ trình ban đầu, trong khi các các quan chức tại Washington khẳng định khinh khí cầu là một thiết bị gián điệp được Bắc Kinh triển khai để khám phá các khu vực nhạy cảm, theo Al Jazeera.

Nó đã bay qua Montana, phía trên một căn cứ không quân, nơi đặt một trong những hầm chứa tên lửa đạn đạo xuyên lục địa lớn nhất của Mỹ.

Vụ việc đã thu hút sự chú ý của công chúng đến “khinh khí cầu gián điệp” và vai trò của công nghệ dường như lỗi thời trong hoạt động gián điệp hiện đại.

Quân đội Mỹ đã dùng các máy bay chiến đấu từ Căn cứ Không quân Langley ở Virginia để bắn hạ khinh khí cầu do thám Trung Quốc trên Đại Tây Dương vào chiều 4/2. Các quan chức cho biết việc kiểm tra mảnh vỡ sẽ tiết lộ thêm thông tin về khả năng của khinh khí cầu.

Sự phức tạp của vụ việc khiến Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hoãn chuyến công du tới Trung Quốc. Trung Quốc đã bày tỏ “sự bất bình và phản đối mạnh mẽ” với việc Mỹ bắn hạ khinh khí cầu của nước này, cho rằng Washington “phản ứng thái quá” và “vi phạm thông lệ quốc tế”.

Vệt hơi trên bầu trời từ các máy bay phản lực vòng quanh khinh khí cầu của Trung Quốc. Ảnh: Reuters.

Tại sao cần sử dụng khinh khí cầu?

Trả lời với tờ Conversation, Iain Boyd, giáo sư Khoa học Kỹ thuật Hàng không Vũ trụ tại Đại học Colorado Boulder, cho biết khinh khí cầu giám sát hiện đại được trang bị thiết bị hình ảnh công nghệ cao hướng xuống mặt đất, cung cấp khả năng giám sát tầm gần.

Khinh khí cầu đôi khi phụ thuộc vào thời tiết, nhưng có thể được trang bị hệ thống dẫn đường để kiểm soát lộ trình.

Ông Boyd cho biết vệ tinh vẫn là phương pháp gián điệp từ trên cao được ưa chuộng. Tuy nhiên, các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp có nhược điểm là phải liên tục di chuyển quanh Trái Đất. Trong khi đó, các vệ tinh quỹ đạo địa đồng bộ quá xa, khó chụp hình ảnh sắc nét.

Người dân quan sát khinh khí cầu bị bắn hạ. Ảnh: Reuters.

Các khinh khí cầu bay thấp hơn, lơ lửng ở độ cao tương đương trần bay của các máy bay thương mại. Chúng thường bay chậm, có thể chụp ảnh rõ ràng hơn các vệ tinh quỹ đạo tầm thấp và vệ tinh quỹ đạo địa đồng bộ.

Tuy nhiên, khinh khí cầu thường không được lựa chọn cho việc giám sát hoặc gián điệp vì chúng là mục tiêu dễ phát hiện và khó kiểm soát. Ngoài ra, khinh khí cầu có khả năng thu thập tín hiệu điện tử và chặn liên lạc.

“Khinh khí cầu có thể thu thập loại tín hiệu Mỹ đang sử dụng để theo dõi nó. Vì vậy, nó có thể xác định và phân loại tín hiệu radar. Điều này sẽ hữu ích nếu muốn phát động một cuộc tấn công”, David DeRoches, giáo sư thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Cận Đông Nam Á tại Washington, cho biết.

Khinh khí cầu được sử dụng từ lâu

Các quan chức Mỹ tiết lộ khinh khí cầu nước ngoài đi vào không phận nước này là tương đối phổ biến trong những năm gần đây.

“Khí cầu do thám của Trung Quốc đã bay qua lãnh thổ đại lục của Mỹ ít nhất 3 lần trong chính quyền trước và ít nhất một lần vào những ngày đầu của chính quyền hiện nay, nhưng chưa từng kéo dài như lần này”, quan chức quốc phòng Mỹ cho hay hôm 4/2, CNN đưa tin.

Khinh khí cầu thứ hai được phát hiện trên bầu trời Nam Mỹ vào tuần trước cũng được xác định là của Trung Quốc.

Các dạng khinh khí cầu giám sát được sử dụng lần đầu tiên vào những năm 1800.

Pháp đã sử dụng khinh khí cầu có phi hành đoàn để giám sát cuộc chiến tranh Pháp - Áo năm 1859. Khinh khí cầu buộc dây và có phi hành đoàn được tiếp tục sử dụng trong Nội chiến Mỹ, kéo dài từ năm 1861 đến năm 1865.

Dự án Moby Dick là nỗ lực đầu Chiến tranh Lạnh của Mỹ nhằm giám sát Liên Xô bằng khinh khí cầu tầm cao. Ảnh: United States Air Force Public Affairs.

Khinh khí cầu giám sát trở nên phổ biến trong Thế chiến I và II. Quân đội Nhật Bản đã sử dụng khinh khí cầu để ném bom vào lãnh thổ Mỹ. Vụ việc không gây hư hại cho các mục tiêu quân sự, nhưng một số dân thường thiệt mạng khi một khinh khí cầu rơi trong rừng tại Oregon.

Ngay sau Thế chiến II, quân đội Mỹ bắt tay khám phá việc sử dụng khinh khí cầu do thám tầm cao, dẫn đến một loạt nhiệm vụ quy mô lớn, mang tên Dự án Genetrix.

Tài liệu của chính phủ Mỹ tiết lộ khinh khí cầu thuộc dự án có nhiệm vụ chụp ảnh, bay qua lãnh thổ Liên Xô vào những năm 1950. Sau đó, chúng được thay thế bằng các máy bay do thám tầm cao U-2, và cuối cùng là vệ tinh.

Các quan chức Mỹ cho biết khinh khí cầu Trung Quốc có kích thước bằng ba chiếc xe bus. Nó đi vào khu vực phòng không của Mỹ ở phía bắc quần đảo Aleutian, Alaska vào ngày 28/1, sau đó di chuyển qua lãnh thổ Alaska và tiến vào không phận Canada.

Ngày 31/1, chiếc khinh khí cầu quay lại không phận Mỹ tại phía bắc Idaho.

Chính quyền Mỹ không cung cấp nhiều chi tiết về công nghệ trên khinh khí cầu, dù họ kiên quyết khẳng định nó là một “khinh khí cầu giám sát”.

Khinh khí cầu rơi xuống biển sau khi bị bắn hạ hôm 4/2. Ảnh: Reuters.

Khinh khí cầu được cho là có cánh quạt và động cơ, cho phép khả năng cơ động và định hướng lộ trình.

“Chúng tôi tự tin rằng họ đang tìm cách giám sát các địa điểm quân sự nhạy cảm”, một quan chức quốc phòng cấp cao nói với các phóng viên hôm 4/2.

Khinh khí cầu được khẳng định rằng không gây ra mối đe dọa đối với giao thông hàng không dân sự hoặc người, tài sản trên mặt đất. Nhà chức trách Mỹ xác định sơ bộ khinh khí cầu không cải thiện đáng kể “khả năng tình báo” của Bắc Kinh.

Lầu Năm Góc cho biết khinh khí cầu đã bị máy bay chiến đấu F-22 bắn rơi ngoài khơi bờ biển Nam Carolina bằng một tên lửa không đối không AIM-9X Sidewinder. Hải quân Mỹ đang nỗ lực thu hồi những mảnh vỡ rơi xuống mặt biển rải rác trên 11,2 km.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Robot Building Supplies Vùng: Notting Hill. Phone: 9538 1700
Xem thêm

chuyên các mặt hàng, mefal roof Sheefs 0.47, ms flat bar 6m, falvinised sleeper channel


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/khinh-khi-cau-do-tham-da-loi-thoi-chua-post1399193.html