Khả năng 'tàng hình' của thiết giáp Nga
Hệ thống ngụy trang mới với biệt danh Chameleon (Tắc kè hoa) được Nga thử nghiệm từ hồi đầu tháng 10, với khả năng thay đổi màu sắc và độ trong suốt để giúp xe tăng, thiết giáp trở nên "tàng hình" trước cảm biến của các loại máy bay không người lái (UAV) hiện nay.
Hệ thống Chameleon sử dụng camera quét toàn bộ môi trường xung quanh, phân tích màu sắc và cấu trúc cảnh quan để phát lệnh điều khiển tới các tấm phủ trên thân, khiến thiết giáp đổi màu và hòa mình vào môi trường, giống cách tắc kè hoa ẩn mình.
"Công nghệ này không mới và đã được sử dụng cho mục đích dân sự trong thời gian dài. Một ví dụ là kính thông minh lắp trong phòng họp của các công sở. Lớp kính này trong suốt khi phòng họp trống và chuyển màu hoặc mờ đi khi trong đó có người", Denis Fedutinov, tổng biên tập tạp chí Hàng không Không người lái của Nga, cho biết.
Tăng chủ lực T-72B tham gia diễn tập Lá chắn Liên minh 2019 tại Mulino, Nga tháng 9/2019. Ảnh: BQP Nga.
Fedutinov nhận định các khí tài lục quân Nga khi trang bị lớp ngụy trang "Tắc kè hoa" sẽ khiến phần lớn UAV đối phương không thể phát hiện được mục tiêu.
"Phần lớn UAV trinh sát có kích cỡ nhỏ, không được trang bị phần cứng đủ sức xử lý và phân tích thông tin từ video nhận được, kể cả trên máy bay lẫn chỉ huy sở", Fedutinov nói.
"Người vận hành sẽ phân tích trực tiếp thông tin UAV thu được, do đó họ sẽ rất khó khăn khi xác định đâu là khí tài phủ lớp ngụy trang đặc biệt", Fedutinov cho biết. "Lớp phủ này đặc biệt hiệu quả khi UAV trinh sát cố gắng giữ khoảng cách vừa đủ để không bị phát hiện".
Chameleon không mang lại khả năng ngụy trang hiệu quả tuyệt đối cho khí tài Nga, do lớp phủ chỉ đối phó được UAV trinh sát đơn giản vốn chiếm 95% tổng số UAV trên thế giới. Nếu UAV trinh sát được trang bị các thiết hệ thống do thám hoạt động ở nhiều dải sóng khác nhau, hiệu quả của lớp ngụy trang Chameleon bị giảm đáng kể.
Fedutinov nhận định Chameleon có thể gây nhầm lẫn cho vũ khí của đối phương dùng đầu dò dựa trên tín hiệu video trực tiếp. "Quá trình khóa mục tiêu của các loại vũ khí này có thể bị gián đoạn bởi lớp ngụy trang Chameleon. Ngoài ra, lớp phủ có thể gây nhiễu các loại đầu dò dùng phương pháp tương phản hình ảnh và đầu dò ghi nhớ hình dạng của mục tiêu", Fedutinov cho biết.
Chuyên gia này khẳng định Chameleon sẽ mang lại lợi thế đáng kể cho lục quân Nga vì những khí tài có thể hòa mình vào môi trường sẽ sống sót tốt hơn các hình thức ngụy trang tĩnh thông thường.
Pháo tự hành 2S1 của Nga phủ lớp ngụy trang bằng cây cỏ khi tham gia một cuộc diễn tập ngày 1/9. Ảnh: BQP Nga.
Một chuyên gia thuộc một hãng chế tạo UAV của Nga khẳng định các UAV trinh sát công nghệ cao với hệ thống do thám và giám sát đa kênh tiên tiến, cùng hệ thống xử lý và phân tích thông tin tự động, sẽ phát hiện được khí tài dùng lớp ngụy trang Chameleon.
"Những mẫu UAV tiên tiến chỉ cần dùng cảm biến quang học là có thể phát hiện phương tiện phủ lớp ngụy trang Chameleon. Camera với độ phân giải cao, thuật toán xử lý thông tin tự động và công nghệ máy học sẽ giúp làm điều này", chuyên gia này cho biết.
Các loại UAV đắt tiền hơn được trang bị mạng lưới thông tin và cảm biến phù hợp "sẽ dễ dàng phát hiện xe tăng chỉ với nòng pháo của nó", chuyên gia UAV Nga cho biết. Mạng lưới thông tin của UAV tiên tiến có thể phát hiện bóng của xe tăng, vệt bánh xích, súng máy, ăng ten, thiết bị giám sát và khí thải động cơ. "Toàn bộ chi tiết này sẽ vô hiệu hóa lớp ngụy trang", đại diện hãng UAV Nga nhận định.
Dù vậy, lớp ngụy trang Chameleon khi được trang bị trên diện rộng vẫn gây khó khăn cho UAV lẫn người vận hành, cũng như thiết bị quan sát quang học trên mặt đất.
"Nếu Nga sử dụng diện rộng lớp ngụy trang Chameleon, NATO sẽ phải suy nghĩ về việc chi nhiều tiền hơn cho mạng thông tin và hệ thống xử lý dữ liệu lớn cho UAV, trực thăng, tăng thiết giáp và các khí tài mặt đất khác", chuyên gia cho biết.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/tac-ke-hoa-giup-xe-tang-nga-lam-mu-uav-4379811.html