Hạnh phúc vĩnh cửu
Nhà ai bếp nhả khói, nghe mùi cơm bay thoang thoảng thơm lừng. Nhớ người phụ nữ như thuở nào bên bếp lửa bập bùng cháy đỏ, đảm đang nấu nướng chuẩn bị một bữa cơm gia đình ấm cúng. Anh Sỹ nghe lòng mình nao nao chút buồn, thấy thương lắm vị quê.
Hai cha con với tiếng cười nói tưng bừng trên ngả đường chiều. Tiếng cười của anh Sỹ, cũng ngừng lại sau câu hỏi của đứa con.
“Ba ơi, khi nào má mới về đón con đi học?”.
Anh Sỹ quay mặt nơi khác, giấu đi nét buồn đang hiện lên khuôn mặt chất phác. Anh nắm lấy tay con mình, với nụ cười gượng ép.
“Má đang ở xa lắm, rồi má cũng sẽ về với con thôi. Má chưa về, là do con chưa ngoan. Con có muốn má về sớm không?”.
Đứa con ngây thơ trả lời.
“Dạ muốn”.
“Vậy thì con hãy ngoan lên, đi học phải nghe lời cô giáo. Má sẽ trở về với con. Má đi không về, là do con chưa ngoan đó thôi”.
“Ba nói với má đừng buồn con nữa, con hứa sẽ ngoan. Má về, má dẫn con đi chơi xe điện đụng, phải không ba?”.
“Con ngoan thì má sẽ về dẫn con đi tàu lửa, xe điện đụng, rồi vào nhà hơi, nhà banh, câu cá, rồi chiều chiều thì đi thả diều, còn nhiều thứ nữa”.
“Hoan hô sướng quá, con đi 4 vòng tàu lửa luôn nha”.
“Má đang nghe con nói đó. Con có muốn nói gì với má không?”.
“Má đang ở xa, sao nghe con nói được?”.
“Thì con nói, rồi gió sẽ chuyển lời của con tới má. Con nói đi”.
“Má ơi, về với con. Con không lì nữa đâu. Má về mua cho con siêu nhân để con chơi”.
Anh Sỹ rơi hai hàng nước mắt, ôm đứa con trai ngây thơ vào lòng, vội vàng lấy tay lau nước mắt, âu yếm nói cùng con.
“Má nghe con nói rồi đó. Má vừa nói ừ. Con ngoan lên nhé, rồi má sẽ về với con. Mình đi thôi, bà nội đang nấu cơm chờ ở nhà”.
Anh Sỹ bồng con đi về, trong cái bóng chiều hiu quạnh, những cánh diều trên bầu trời, dần dần hạ thấp xuống rồi mất hút phía dãy hàng cây cao. Tiếng cười của lũ trẻ trên tay cầm con diều, hồn nhiên kéo nhau về, bỏ lại cánh đồng xanh ngút buồn thênh thang.
Nhà anh Sỹ dễ nhận biết nhất trong xóm. Qua một cái ngõ phía trước, đầy hoa tím quanh hàng rào chính là nhà anh. Trong xóm này, ít có nhà ai trồng cây có tên gọi chiều tím như là nhà anh, nếu có thì cũng vài cây để ngắm làm cảnh.
Có thể nói, nhà anh trồng nhiều nhất trong xóm, nên việc ai đi tìm nhà, không mấy quá gọi là khó khăn. Cứ thấy, nhà nào có bông tím nhiều nhất, chính là nhà anh Sỹ, không bao giờ nhầm lẫn đi đâu được.
Ngày chị Diệp vợ anh còn sống, rất thích loài hoa này, với tên gọi chiều tím nghe vô cùng lãng mạn, có chút buồn buồn của sự xa vắng trong đợi chờ đầy nỗi nhớ nhung.
Sắc hoa mang màu tim tím, màu của thủy chung, màu của tâm hồn hiện lên nét mơ mộng, đại diện cho một tình yêu say đắm đến mãi về sau này. Ngày đám cưới của anh và chị Diệp, cô dâu vẫn trong tà áo dài màu tím ra mắt quan viên hai họ.
Đám cưới tuy nhỏ, chỉ có họ hàng đôi bên và một ít bạn bè đến tham dự, tuy cuộc sống nghèo khó thiếu thốn, nhưng tràn đầy niềm vui trong tình yêu thương của đôi vợ chồng trẻ.
Anh chị sống rất hạnh phúc trong căn nhà nhỏ này, tình yêu ấy nó to lớn vô cùng. Anh Sỹ đi làm, chị Diệp ở nhà lo cơm nước và giữ con, đến khi anh trở về cùng quay quần bên nhau ăn cơm. Căn nhà ngập tràn tiếng cười, chưa bao giờ có lời qua tiếng lại, cãi vã hay khóc lóc om sòm, chỉ có tiếng cười bên những lời yêu thương.
Tưởng chừng sống với nhau đến hết một đời, nào có ngờ tình yêu ấy nó sớm lụi tàn khi chị Diệp mắc phải căn bệnh hiểm nghèo quái ác. Dù gia đình đã cố gắng chữa trị, nhưng chị Diệp vẫn không qua khỏi. Chị ra đi bỏ lại anh Sỹ, với đứa con thơ vừa tròn 2 tuổi.
Ngày đám tang của chị, thằng bé nó thấy đông người vui quá, nó luôn miệng cười, mặc kệ ai đang khóc lóc. Với tâm hồn trẻ thơ chưa hiểu biết gì, nó chỉ vui cười, nhìn hết người này đến người khác. Anh Sỹ ôm nó vào lòng mà khóc trong nỗi mất mát quá lớn, anh hiểu ra rằng từ nay về sau con của anh sẽ vĩnh viễn mồ côi mẹ.
Từ ngày vợ anh mất, anh luôn giấu con mình cho đến tận bây giờ, dù hiểu ra rằng sau này lớn lên nó cũng sẽ biết. Những khi anh thắp hương cho vợ, thằng bé luôn miệng hỏi anh "Đó là ai" anh chỉ biết lặng lẽ mà rơi hai hàng nước mắt.
Những khi nó hỏi "Má đi đâu rồi ba", anh Sỹ thường chỉ tay về phía tấm ảnh cưới đang treo ở lưng tường, rồi trả lời.
“Người mặc áo dài tím, tay cầm bó hoa tím là má con đó. Đó là ảnh cưới, ba má chụp khi chưa sinh con ra”.
Thằng bé ngây thơ hỏi lại.
“Bây giờ má đâu rồi ba?”.
Anh Sỹ ngập ngừng rồi trả lời.
“Ba nói nhiều lần rồi mà. Má đi làm kiếm tiền về nuôi con, má đang ở nơi xa lắm, khi nào con ngoan rồi má sẽ về”.
Anh Sỹ cứ nói dối con mình như thế, hết ngày này sang ngày khác. Từ lúc chị Diệp mất, anh Sỹ ở vậy gà trống nuôi con, vừa làm ba, vừa làm má. Có nhiều người thấy anh buồn, giới thiệu hết người này tới người khác để kết đôi cùng chung sống quãng đời còn lại, anh đều từ chối. Anh không bao giờ lấy thêm bất cứ một ai nữa.
Anh nhớ chị Diệp da diết, nhìn cái nhà không còn bóng dáng của chị. Anh vẫn nấu cơm hàng ngày, nhưng với anh, cái bếp nó vẫn đìu hiu lạnh lùng khi thiếu đôi bàn tay chị.
Cứ đi đâu, thấy nhà ai thắp lên mùi khói lam chiều, anh thoáng lên cái nỗi buồn hiu hắt, trong tâm tư cứ gọi thầm "Em ơi” như ngày anh đi làm về, chị Diệp dọn cơm, cùng nhau ăn trong niềm hạnh phúc giản dị.
Chị Diệp mất, anh trồng thêm một số cây hoa chiều tím ở bờ rào, mỗi ngày chăm sóc chúng. Hoa bé nhỏ màu tim tím, đã đem tình yêu của anh và chị đến với nhau, là kỷ niệm của mối tình đầu tiên, rồi thành chồng thành vợ, đến khi chị Diệp mất cho tới hôm nay.
Loài hoa ấy, không những nở ở bên ngoài bờ rào, mà còn nở trong tâm hồn anh tím lịm trong từng nỗi nhớ. Anh yêu loài hoa chiều tím như yêu chính người vợ của mình.
Bàn thờ của chị, luôn có bình hoa tím hiện diện trước di ảnh, muốn nói rằng, dù chị có mất đi, nhưng anh vẫn ở bên chị, lo cho con cái đủ đầy, và luôn luôn yêu thương chị một lòng một dạ, như màu tím thủy chung.
Anh nô đùa cùng con trai, trước sân có đầy hoa chiều tím. Nhìn sắc màu hoa đang lay lay như cười trong gió, đong đưa rất nhẹ nhàng giống nụ duyên của vợ anh mỗi khi trò chuyện nhìn nhau.
Thằng bé quá đỗi hồn nhiên vui đùa cùng anh Sỹ. Khi lớn lên, nó sẽ hiểu vì sao nhà luôn có những cánh hoa tím, chắc chắn nó sẽ nhận ra đó là tình yêu của ba má gắn liền với sắc tím mơ mộng.
Niềm vui của nó và điểm tựa về sau, không ai khác chính là anh Sỹ. Anh phải cố gắng để làm trọn trách nhiệm, như lời đã hứa với chị Diệp sau những phút cuối đời.
Thằng bé đang hứng chịu một nỗi bất hạnh mồ côi mẹ, đó là sự mất mát vô cùng to lớn mà không có thứ gì có thể bù đắp được. Anh Sỹ còn phải còn nói dối với conmình cho đến bao giờ, chỉ biết rằng anh hoàn toàn không muốn con mình mang hai tiếng "mồ côi" giữa cuộc đời.
Nhìn khuôn mặt, nhìn nụ cười hồn nhiên thơ ngây trong sáng của nó mà anh thương xót vô cùng. Hai hàng nước mắt của anh chảy dài, lặng lẽ bên cánh hoa tím ngắt trong chiều. Nỗi nhớ của anh, cứ như là cơn gió, liên tiếp rung từng phiến lá, như gọi tên vợ mình, trong nỗi nhớ thương yêu.
Chuông điện thoại của anh vang lên, thoáng nhìn anh quá bất ngờ, vì người gọi cho anh chính là Thảo, em vợ của mình.
Từ ngày chị Diệp mất, gia đình bên vợ luôn cho rằng anh thiếu trách nhiệm. Giá như anh đồng ý bán đi cái căn nhà lấy tiền chữa bệnh cho chị Diệp, may ra vợ anh còn có cơ hội sống.
Họ cho rằng anh tiếc của, muốn giữ nhà hơn là mạng sống của vợ, bao nhiêu lời nói ra nói vào, anh nhận hết về mình.
Từ đó phía vợ từ mặt anh, cha con anh sống thế nào họ không quan tâm tới. Thế mà hôm nay, anh nhận được cuộc gọi từ người em vợ, nói rằng tối nay mời anh sang nhà mẹ vợ chơi. Đó là điều anh vô cùng bất ngờ.
Từ lúc chị Diệp mất cho đến nay, cũng đã vài năm trôi qua, trong khoảng thời gian đó, anh không hề nhận bất cứ cuộc gọi hay một lời thăm hỏi, động viên nào từ phía nhà vợ. Đây là điều quá bất ngờ đối với anh ngay lúc này.
Tối nay, anh cũng sẽ dẫn con mình ra cho ngoại nó thăm. Dù phía vợ có từ mặt anh đi chăng nữa, nhưng dẫu sao con mình cũng là cháu của họ.
Tối đó, anh bồng con về nhà vợ, thấy bà con đông đúc ngồi ở đó từ bao giờ. Thằng bé nó mừng, gặp hết người này đến người khác mà say sưa đùa giỡn.
“Lại đây dì út Thảo ôm. Nó ăn cơm anh chưa anh Hai?”.
“Nó ăn lúc chiều rồi”.
Thảo hôn vào cái đôi má của nó, đưa cho thằng bé quả chôm chôm. Nó nhìn dì út nó như một người xa lạ. Cũng đúng thôi, Thảo đi học ở Sài Gòn, lâu lắm mới có dịp về, hầu như là chỉ có ngày tết hoặc các lễ lớn trong năm. Thảo chơi đùa cùng thằng bé, quay ra nói với anh Sỹ.
“Lát anh Hai về, nhớ mang theo 4 thùng sữa để dành cho thằng bé nó uống. Em mới vừa mua xong”.
Anh Sỹ quá ngỡ ngàng, vì từ lúc đầy tháng thằng bé, phía ngoại chỉ có đến một lần duy nhất. Khi chị Diệp mất, họ không còn lui tới nữa, chưa cho thằng bé bất cứ thứ gì, từ mặt và không cho anh về. Từ đó, anh cũng không về cho đến ngày hôm nay đã gần 4 năm.
“Tôi cảm ơn dì Út nhiều”.
“Có gì đâu mà cảm ơn, em mua cho cháu em, chứ có mua cho người ngoài đâu”.
Anh Sỹ đứng một mình nơi cánh cửa, chưa dám bước vào nhà, mặc dù Thảo và họ hàng lên tiếng kêu anh vô. Đến khi cha vợ của anh gọi, anh mới dám đi vào. Họ hỏi thăm đủ thứ chuyện, về con anh và cả về anh. Cha mẹ vợ nhìn anh, đôi mắt không còn xa lạ như trước đây khi gặp ngoài đường.
“Hôm nay kêu con út Thảo gọi con ra đây là có chuyện muốn nói”.
“Dạ chuyện gì vậy má?”.
“Có phải lúc con Diệp phát hiện ra nó bị bệnh. Nó không cho con bán nhà để chữa trị phải không, vì nó biết dù có chữa trị nó cũng không qua khỏi”.
Anh ngập ngừng rồi im lặng, bởi vì đây là việc riêng tư của vợ chồng anh không ai biết. Vậy mà, hôm nay ba má vợ anh lại biết, mà lạ một điều là giờ mới biết.
“Dạ đúng là như vậy. Con muốn bán nhà để chữa trị cho vợ. Còn nước thì còn tát, biết đâu Diệp hết bệnh thì sao. Nhưng con không làm được điều đó. Con xin lỗi ba má”.
Má vợ anh rơi hai hàng nước mắt, nói trong nghẹn ngào.
“Vậy mà từ trước tới giờ ba má cứ nghĩ con quý cái nhà hơn là cái tính mạng con Diệp. Trước đây con út Thảo nó có nói, nhưng má cứ cho rằng đó chỉ là suy nghĩ của riêng nó”.
Thảo rơi nước mắt.
“Lúc chuyển chị Hai lên thành phố chữa trị, em có tới nuôi vài ngày. Chị Hai nói, anh cứ đòi bán nhà để lấy tiền trị bệnh, nhưng chị Hai không cho vì đó là căn nhà hạnh phúc của anh chị, nó được dựng lên từ tình yêu anh chị. Huống gì đã là ác tính thì trị cái gì nữa. Tốn tiền tốn của, mà có hết đâu”.
Ba vợ anh đôi mắt như muốn rưng rưng, nhìn anh như cảm thông nỗi lòng.
“Con đừng nói xin lỗi, ba má mới là người có lỗi trong suốt mấy năm qua. Từ nay về sau con cứ ra đây chơi như nhà của mình. Còn nếu con muốn lấy vợ để san sẻ mọi thứ gánh nặng trong cuộc sống thì con cứ lấy. Ba má không có ý kiến hay trách bất cứ một câu nào. Con Diệp nó mất cũng mấy năm rồi, con lại còn trẻ, nên lấy vợ là đúng”.
“Thưa ba má. Con sẽ không lấy bất cứ ai. Diệp vẫn sống trong tim con. Con ở vậy nuôi con và thờ vợ mãi về sau này. Ngày mốt là ngày giỗ của Diệp, con mong rằng ba má sẽ tới”.
“Ba má sẽ tới, từ nay về sau, ba má sẽ cùng con lo giỗ chạp cho nó. Hôm nào, con rảnh thì dẫn thằng bé ra đây chơi với ba má. Nếu không có thời gian, ba má sẽ vào đó thăm nó”.
Anh Sỹ mừng trong bụng vì nỗi khổ của anh từ lâu, nay phía vợ đã hiểu. Trước khi ra về, thằng bé tới hôn hết ông ngoại, đến bà ngoại và cả dì của nó. Phía vợ anh Sỹ cũng mừng, vì cháu của mình nó rất khôn ngoan.
Họ sẽ cùng anh Sỹ yêu thương, quan tâm, chăm sóc từ vật chất đến tinh thần để bù đắp lại cái mất mát mà nó đang gánh chịu. Hai cha con tạm biệt ngoại, bước chân ra về.
Một buổi sáng thức dậy, anh đưa thằng bé đi học rồi trở về quét dọn bàn thờ, nhìn hai bình hoa chiều tím còn tươi tốt. Di ảnh vợ anh vẫn nụ cười hiền hòa, nhìn anh như thuở nào mới quen. Nụ cười ấy, cho đến bây giờ nó hiện mãi trong tâm trí của anh, chiếc răng khểnh mà ngày xưa anh hay khen, trông chị cười thấy đáng yêu vô cùng.
Chiều đó anh xuống mộ chị, dọn những cây cỏ dại mọc xung quanh, thắp nén hương, lấy nước tưới cho những cây hoa chiều tím được trồng bao quanh ngôi mộ.
Mỗi năm, gần tới ngày giỗ của chị, anh đều ra ngồi như tâm tình trò chuyện cùng chị, anh nâng niu yêu thương từng cánh hoa tím như thuở đầu mới quen, anh đã hái cài lên tóc của chị. Đó là một tình yêu đã dẫn anh chị đến với căn nhà hạnh phúc đầy tiếng nói cười.
Hạnh phúc của anh và chị quá ngắn, nhưng với anh nó là vĩnh cửu trong cuộc đời này. Khi ra về, anh không quên ngắt một cánh hoa chiều tím đặt lên trước mộ chị, như thuở nào bảo chị nhắm mắt lại, xòe tay ra, anh đặt vào tay chị một nhành hoa tím.
Quang Nguyễn - blogradio.vn
Article sourced from BLOGRADIO.
Original source can be found here: https://blogradio.vn/hanh-phuc-dau-ngan-nhung-voi-anh-luon-la-mai-mai-nw229388.html