Google và Microsoft khẳng định không "bán đứng" khách hàng giống Yahoo
Ảnh minh họa
Vào thứ Ba (4/10), hàng loạt tờ báo quốc tế đã lên tiếng cáo buộc Yahoo bí mật cung cấp nội dung tất cả email của khách hàng cho các cơ quan tình báo Mỹ, bao gồm cả thư đến, hòm thư inbox, và cả các tệp tin đính kèm.
Vụ việc làm dấy lên lo ngại của người dùng Internet trước dịch vụ thư điện tử, và ngay cả hai ông lớn trong lĩnh vực này là Google (Alphabet) và Microsoft cũng đứng trước những nghi vấn về liệu họ có "bán" thông tin người dùng cho chính phủ giống như Yahoo hay không.
Trong một động thái mới đây, Microsoft và Google đã lên tiếng bảo vệ cho các dịch vụ của mình. Theo đó, họ cho rằng các ứng dụng email bao gồm Outlook, Hotmail và Gmail đều hoàn toàn đáng tin cậy trước gián điệp từ chính phủ Mỹ.
"Chúng tôi chưa bao giờ tham gia vào một hoạt động ngầm phía sau hệ thống email giống như báo cáo đối với Yahoo." - Một phát ngôn viên của Microsoft cho biết trong buổi phỏng vấn với tờ CNBC.
Đại diện của Google Alphabet cũng đồng thời ban hành tuyên bố, cho biết họ chưa từng nhận được một yêu cầu tương tự từ chính phủ Mỹ. "Nếu như việc đó xảy ra, câu trả lời của chúng tôi sẽ vô cùng đơn giản: Không có cách nào".
Theo hai cựu nhân viên và một người thứ 3 giấu mặt, Yahoo đã thực hiện quét hàng trăm triệu tài khoản email người dùng theo yêu cầu của NSA, FBI nhằm tìm kiếm một số ít các trường hợp sai phạm và đang là đối tượng truy nã của các cơ quan này. Công ty cũng được cho là đã xây dựng một công cụ phần mềm gián điệp nhằm theo dõi tất cả thư đến của người dùng để kiểm tra mức độ sai phạm của chúng.
Yahoo, trong bối cảnh một nửa công ty đã bán cho Verizon, nói rằng họ không làm điều gì sai phạm. "Yahoo là một công ty tuân thủ pháp luật của Hoa Kỳ", đại diện của Yahoo cho biết. Theo Ross Levinsohn, cựu Giám đốc điều hành của Yahoo, công ty có thể đã giấu Verizon trước khi đi tới thỏa thuận mua lại trị giá 5 tỷ USD.
Kể từ sau khi xảy ra vụ việc, đại diện của Verizon vẫn từ chối bình luận trước các câu hỏi của phóng viên.
Tổ chức phi chính phủ American Civil Liberties Union gọi yêu cầu từ chính phủ Mỹ đối với Yahoo là "chưa từng có và trái với hiến pháp". Đồng thời, hành động chấp nhận tuân thủ theo các yêu cầu "bán đứng" tự do thông tin người dùng của Yahoo là một nỗi thất vọng lớn.
Article sourced from XALUAN.