Đừng lùi bước dẫu đời nhiều khó khăn

23:00' 06-05-2020
Sai lầm, gian nan, khó khăn luôn là một phần không thể thiếu của tuổi trẻ, hay giữ cái đầu vừa tỉnh táo vừa mộng mơ để bước qua tất cả những cảm xúc ấy bởi chúng ta luôn có gia đình đứng phía sau, sẵn sàng giang tay đón chúng ta trở về dù là nhà vô địch hay kẻ thua cuộc.

Có lẽ trong đời mỗi con người, ai cũng có những khoảnh khắc đáng nhớ đến nỗi nó như hằn sâu vào tâm trí đến cuối cuộc đời cũng không thể nào quên được. Với tôi đó là ngày sắp sửa vali, chuẩn bị khăn gói vào thành phố học đại học. Khi biết điểm chuẩn, biểt mình đậu đại học, đậu ngôi trường mà ngay cả những ngày ôn thi mệt mỏi nằm gục xuống bàn tôi cũng chiêm bao thấy, khoảnh khắc đó tôi như muốn thét lên cho cả thế giới biết.

Thế nhưng cái mừng chẳng được bao lâu thì nỗi lo đã vừa kịp ập đến. Bầy gà không bao nhiêu con mà lúc nào cũng khọt khà khọt khẹt, mấy gốc đu đủ của gia đình rồi cả cái tuổi già ngay trước mắt của ba mẹ, làm sao có thể gánh nỗi thằng con nay mai sắp sửa lên Sài Gòn ăn học. Bao nhiêu thứ phải lo nào là học phí, nào là tiền ăn, tiền ở, tiền đi lại... Nghĩ đến đó, trong đầu tôi thoáng có ý định chùn bước thì chiều lại, trong bữa cơm  dường như mẹ đọc được những gì thằng con đang nghĩ nên rào ngay: “ Mai mốt gì là lên xe rồi, lên đó ráng mà học hành cho kịp bạn kịp bè nghe con. Bữa giờ má biết mày nghĩ gì hết, tao già thì gài nhưng mẹ lo cho chị được thì mẹ cũng lo cho con được. Thấy mày học hành cũng sáng dạ nên có khổ cỡ nào tao cũng ráng lo”.

Rồi ngày nhập học cũng đến. Dẹp hết qua một bên, trong lòng tôi cũng thấy háo hức như ai. Háo hức chứ sao không, mười tám tuổi đầu 2 nới từng đặt chân đến là quê nội quê ngoại nay mai sắp sửa tới thành phố sôi động nhất nhì cả nước, không háo hức sao được. Ba tôi thì khác, ba lo sáng đó lên tới bến xe không ai đón tôi, cứ loay hoay, lớ ngớ rồi bị lừa gạt. Ba gọi điện thoại hết người này đến người kia, từ bà cô bà dì nào đó trong Sài Gòn của ba, rồi mấy ông bạn cựu chiến binh, mấy ông bạn chung hội đồng hương để nhờ họ đón tôi ở bến xe. Mà hay lắm à nha, gọi cả chục người mà kết quả như một, cuộc nói chuyện nào cũng tay bắt mặt mừng kể chuyện trên trời dưới đất rồi kết thúc bằng: “Trời tiếc ghê bữa đó cô/dì/anh/em/ bận rồi”. Gọi miết cuối cùng cũng có ông bạn nhậu ngày xưa của ba nay vào Sài Gòn chạy xe ôm công nghệ nhận đón tôi ở bến xe rồi chở tôi đến trường.

Chiều đó tôi sắp sửa đồ đạc để tối lên xe, hành lí cũng chẳng có gì nhiều, toàn là sách với vài ba bộ đồ, mấy cuốn vở Văn để vào đó có đi làm gia sư còn có tài liệu tham khảo. Bữa cơm chiều đó mẹ nấu toàn mấy món tôi thích, mẹ còn răn tôi trước: “Dô đó không có mà ăn nha con”. Ăn xong ngoại gọi tôi lại dúi vào tay tôi cả xấp tiền lẻ xếp ngay ngắn gọn gàng trong sợi dây thun màu vàng. “Ngoại cho nè, cất đi vô đó con có thiếu gì thì mua”. Tôi lắc đầu từ chối vì hơn ai hết tôi biết những đồng tiền đó ngoại phải chắt chiu giữ lắm mới có chứ vài trăm bạc trợ cấp của xã làm sao ngoại có ngần ấy tiền cho tôi. Tôi nhất quyết không chịu lấy ngoại mới cười hề: “Ngoại gưỉ đây chừng nào mấy người làm có tiền thì lì xì lại ngoại chứ có cho luôn đâu mà lo”.

Những đồng tiền của ngoại tôi vẫn gói đó, cất một ngăn trong tủ KTX không dám xài, lâu lâu mở ra coi mà nhớ ngoại thiếu điều muốn bắt xe về nhà với ngoại. Thương ngoại một đời cơ cực nắng mưa lo cho bầy cháu từ lúc mới đẻ đến bây giờ lớn to đầ ngoại vẫn còn lo, mỗi lần lấy mớ tiền ra là trong lòng tự nhủ: “Ngoại ráng chờ con ăn học thành tài nha ngoại”. Tối đó ba mẹ tiễn tôi lên xe, trước khi đi tôi hôn ngoại một cái rối nói: “Thưa ngoại con đi học, Tết con về nha ngoại”. Chắc đây là lần đầu tiên mà khoảng cách giữa “Thưa ngoại con đi học” và “Thưa ngoại con về” dài đến thế.

Chắc đời tôi không bao giờ quên được buổi tối hôm đó. Trăng thành tròn vành vạnh trên nền trời xanh nhạt, đi ngang qua cái ao sen bên đường mà hương thơm như đuổi theo chiếc xe của mẹ con tôi. Lần đầu tiên tôi mới thấy mê cái con đường tối thui không đèn không đóm của xóm mình, có đèn sáng, ba mẹ thấy tôi khóc thì sao, tôi sợ ba tôi chọc quê con trai mà khóc nhè. Chờ xe tới lâu quá, mẹ mới ngồi xuống hàng ghế ghẹo tôi: “Lát xe tới không có khóc nha ông tướng”. “Trời ơi, dô Sài Gòn đông vui muốn chết có gì đâu mà khóc mẹ”- Tôi trả lời mẹ. Nói vậy thôi chứ viết đên đây tôi cũng phải gửi lời xin lỗi tới nhà xe vì khóc ướt hết cái gối. Còn ba tôi đứng đấy chẳng nói gì, vẫn khuôn mặt điềm đạm và nghiêm khắc thường ngày, mãi đến lúc lên xe ba mới nói tôi: “ Vô đó ráng mà học hành, kiếm bạn tốt mà chơi nghe con”. Đêm trước ngày thi đại học bạ bè đứa nào cũng lo lắng mất ngủ, chỉ có tôi là ngủ một giấc ngon lành chẳng thấy lo gì, ấy vậy mà giờ đây trên xe, không biết do lạ giường hay do nhớ nhà mà tôi trằn trọn mãi đến ba giờ sáng mới chợp mắt được một chút.

Sáng hôm sau tôi đặt chân đến Sài Gòn lúc năm giờ ba mươi sáng. Vừa đến nơi thì chú Đạt - người bạn của ba mà tôi nói tới đã chờ sẵn ở bến xe để đón tôi. Trên đường từ bến xe tới trường nhập học, ngồi sau xe chú ngắm nhìn thành phố đông đúc và nhộn nhịp, xe cộ như nêm, có người quần áo mới tinh tươm, những cũng có người quần áo đã phai màu vì gió sương. Có khuôn mặt hân hoan, phấn khởi chào đón một ngày mới sắp đến nhưng cũng có những khuôn mặt kham khổ, mệt nhọc sau những cuộc mưu sinh vất vả. Nhìn vào họ, tôi tự vấn bản thân: “4 năm nữa, mày sẽ là ai?”.

 Mọi việc xong xuôi, về đến kí túc xá, ngối một mình với cái valise trong căn phòng trống trơn, trong tôi bao nhiêu là cảm xúc hỗn độn nhau. Hồi hộp, phấn khích, hoang mang, hoảng loạn- Tất cả suy nghĩ nhảy nhót, lặn ngụp trong đầu tôi.

Năm tháng trời ở thành phố, hay nói đúng hơn là ở làng đại học Thủ Đức, tôi đã trải qua gần hết các cung bậc cảm xúc của một tân sinh viên. Cũng chen lấn trên chiếc bus 53, cũng làm thêm, cũng bị lừa gạt. Thất vọng có, hi vọng có, hạnh phúc có, buồn cũng có. Mới năm tháng mà tính ra việc làm thêm gì tôi cũng “kinh”qua rồi. Ở đây, đi nhiều, tôi gặp được rất nhiều người tốt, là cô bán trà tắc, là cô lao công, là anh quản lý kí túc xá...họ đều là những người dễ dàng đồng cảm, cảm thông với người trẻ, chắc bởi vì họ nhìn thấy ngày xưa của mình tronng chúng tôi. Nhưng cũng không ít lần, tôi gặp thái độ coi thường, dè bỉu từ người đi trước khi thấy tôi không dùng máy vi tính thành thạo, nói giọng địa phương...

Cái số sinh viên ngộ lắm, chân ướt chân ráo lên thành phố còn thấp cổ bé họng nên đi đâu cũng bị ăn hiếp. Đi lên xe bus bị tiếp viên chửi, vào chợ bị tiểu thương chửi, đi làm thì bị chủ ăn hiếp cắt xén tiền lương. Nhưng dẫu có thế nào những người trẻ vẫn không lùi bước, kí túc xá sáu thằng đực rựa từ bốn phương trời nhưng lại chung một tuyên ngôn sống đầy ngạo nghễ: “Nhiệm vụ nào cũng hoàn thành, khó khăn nào cũng vượt qua, kẻ thù nào cũng đánh thắng”.

Lâu lâu buồn đời lại mở ra xấp tiền lẻ mà ngày đi ngoại dúi vào tay tôi- tất cả vẫn còn nguyên đó, chẳng vơ đi đồng nào. Những lúc như thế, dẫu có tuyệt vọng đến cùng cực, tôi và cuộc đời cũng học cách tha thứ cho nhau. Bởi vì với tôi, gia đình chính là động lực lớn nhất để tôi vượt qua  những khó khăn, thử thách để hướng tới ngày mai. Chuyến xe tối hôm đó chở tôi lên đường đi học đại học dường như cũng chở theo cả niềm tin yêu và hi vọng của  gia đình.

Hơn một lần những khó khăn vất vả nơi đất khách khiến tôi muốn buông bỏ tất cả để quay về nhà. Chạy về cái giàn hoa giấy đầy nắng trước cửa để sà vào lòng ba mẹ như những ngày còn thơ, bỏ lại nhọc nhằn ngoài cổng. Có lẽ rằng đó không phải là cảm xúc của tôi mà là còn của rất nhiều người trẻ khác trên con đường gầy dựng sự nghiệp, trên con đường học cách trở thành người lớn. Nhưng sai lầm, gian nan, khó khăn luôn là một phần không thể thiếu của tuổi trẻ, hay giữ cái đầu vừa tỉnh táo vừa mộng mơ để bước qua tất cả những cảm xúc ấy bởi chúng ta luôn có gia đình đứng phía sau, sẵn sàng giang tay đón chúng ta trở về dù là nhà vô địch hay kẻ thua cuộc. Thế nên hãy mạnh mẽ tiến lên, đừng gục ngã giữa cuộc đời.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Cultural Perspectives Vùng: Redfern. Phone: 0431 646 710
Xem thêm

Article sourced from BLOGRADIO.

Original source can be found here: https://blogradio.vn/dung-lui-buoc-dau-doi-nhieu-kho-khan-nw226309.html