Chính phủ Italia đã chỉ trích lời kêu gọi của Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg về việc dỡ bỏ các hạn chế đối với việc sử dụng vũ khí phương Tây cung cấp cho chính quyền Kiev.

Ngày 26/5, Ngoại trưởng Italia Antonio Tajani cho rằng Ukraine không nên sử dụng vũ khí phương Tây tấn công các mục tiêu ở Nga.

Hãng thông tấn Adnkronos dẫn lời ông Tajani nói: “Chúng tôi sẽ không cử một binh sĩ Italia nào đến Ukraine và các thiết bị quân sự mà Rome hỗ trợ sẽ chỉ được sử dụng trên lãnh thổ Ukraine”.

Ngoại trưởng Tajani lưu ý thêm rằng Italia là một thành viên của NATO và mọi quyết định phải được đưa ra tập thể.

Trước đó, hôm 25/5, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết trong một cuộc phỏng vấn với tờ The Economist rằng các nước NATO nên dỡ bỏ các hạn chế đối với việc Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào các mục tiêu trong lãnh thổ Nga.

Bình luận về tuyên bố của ông Stoltenberg, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Giao thông Italia Matteo Salvini, người đứng đầu đảng Liên đoàn trong liên minh cánh hữu cầm quyền, nói rằng không thể có việc dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng vũ khí phương Tây nhằm vào lãnh thổ Nga.

Đồng thời, Phó Thủ tướng Italia khẳng định, ông luôn phản đối việc cử quân đội Italia tham gia vào giao tranh ở Ukraine.

"Italia không có chiến tranh với bất kỳ ai, và mặc dù hỗ trợ quân sự cho Ukraine là đúng đắn nhưng việc dỡ bỏ lệnh cấm Kiev tấn công các mục tiêu quân sự ở Nga là điều không thể chấp nhận được. Tương tự, tôi nhắc lại rằng đảng Liên đoàn Lega phản đối việc cử dù chỉ một người lính đi chiến đấu ở Ukraine, chúng tôi tìm kiếm hòa bình chứ không phải khúc dạo đầu cho Thế chiến thứ ba,” ông Salvini nhấn mạnh.

Cùng ngày, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cũng bày tỏ quan điểm phản đối việc cho phép Ukraine sử dụng vũ khí phương Tây chống lại các mục tiêu quân sự ở Nga.

Thủ tướng Đức Olaf Scholz. Ảnh: Tass

Hãng thông tấn DPA dẫn lời Thủ tướng Đức tại cuộc họp hôm 24/5 nêu rõ: “Chúng tôi có những quy định rõ ràng về việc sử dụng vũ khí mà Berlin cung cấp cho Kiev. Chúng tôi đã thống nhất với Ukraine và không có căn cứ để thay đổi những quy định này trong thời điểm hiện tại”.

Trước đó, hôm 24/5, Thủ tướng Scholz cam kết sẽ tiếp tục hỗ trợ quân sự cho Ukraine nhưng một lần nữa giải thích lý do Đức không thể cung cấp tên lửa tầm xa Taurus cho Kiev.

Hãng tin Tass dẫn lời Thủ tướng Đức nói: "Chúng tôi sẽ hỗ trợ Ukraine chừng nào còn cần thiết. Tuy nhiên, mỗi quyết định nên được cân nhắc kỹ lưỡng. Đức ủng hộ các nỗ lực phòng thủ của Ukraine nhưng không muốn tình hình leo thang thành một cuộc chiến giữa Nga và NATO. Hãy tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra với châu Âu và toàn thế giới nếu điều đó xảy ra".

Ông Scholz cũng nhắc lại rằng viện trợ quân sự của Berlin cho Kiev đã lên tới 28 tỷ euro. Đức hiện là nhà cung cấp vũ khí lớn thứ hai cho Ukraine, chỉ sau Mỹ. Cách đây không lâu, Berlin cam kết cung cấp thêm một hệ thống Patriot nhằm thúc đẩy các quốc gia khác tăng cường viện trợ cho Ukraine..

Tuy nhiên, ông Scholz lại một lần nữa tuyên bố phản đối gửi tên lửa Taurus cho Ukraine, vì điều đó có nghĩa là binh lính Đức sẽ phải giúp Ukraine đặt mục tiêu cũng như thực hiện các nhiệm vụ khác.

Ukraine đã nhiều lần đề nghị Đức cung cấp tên lửa Taurus kể từ khi xảy ra cuộc xung đột với Nga. Những tên lửa này được coi là tương tự với tên lửa Storm Shadows mà Anh cung cấp cho Ukraine. Tuy nhiên, tên lửa Taurus có thể bay xa hơn Storm Shadow, lên tới 500km.

Thủ tướng Đức đã liên tiếp bác bỏ việc chuyển tên lửa Taurus cho Ukraine. Theo Thủ tướng Scholz, để sử dụng những tên lửa này được hiệu quả, quân nhân Đức phải tham gia và đây là ranh giới mà ông không muốn vượt qua.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?

Big Sam Market Vùng: Niddrie. Phone: 9366 2237
Xem thêm

chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: https://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=3687466