Dọa tung 'vũ khí yêu thích' trừng phạt Trung Quốc, ông Trump gặp khó
Tổng thống Trump hiện muốn bắt Trung Quốc phải "trả giá" vì đại dịch Covid-19. Ảnh: CNN |
Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, bao gồm cả những biện pháp áp thuế và giới hạn thương mại "ăn miếng, trả miếng" đã không chỉ gây hại cho nền kinh tế hai nước mà còn cản trở sự tăng trưởng toàn cầu trong năm 2018 và năm 2019.
Tuy nhiên, tình hình dường như được cải thiện hồi tháng Một năm nay, khi hai bên nhất trí ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1. Theo đó, Mỹ đồng ý ngưng kế hoạch đánh thuế lên 155 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc và giảm một nửa mức thuế nhập khẩu xuống còn 7,5% đối với 120 tỷ USD hàng hóa khác xuất xứ Trung Quốc. Song, chính quyền ông Trump vẫn giữ nguyên mức thuế nhập khẩu 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc trị giá 250 tỷ USD.
Đổi lại, Trung Quốc cam kết trong vòng 2 năm sẽ mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ so với năm 2017, bao gồm cả lượng nông sản trị giá 40 tỷ USD.
Tuy nhiên, tuần trước, các quan chức Mỹ đã nêu ra ý tưởng tái khởi động việc áp thuế đối với Trung Quốc để buộc nước này "chịu trách nhiệm" về những thất bại trong cách ứng phó với Covid-19, khiến dịch lây lan ra bên ngoài đại lục. Trong một cuộc phỏng vấn hôm 3/5, Tổng thống Trump nói ông đang cân nhắc khôi phục các đòn giáng thuế như “hình phạt cuối cùng” đối với Trung Quốc, đồng thời dọa sẽ "khai tử" thoả thuận thương mại song phương giai đoạn 1.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tiếp tục lặp lại các chỉ trích và cáo buộc của Washington nhắm vào Bắc Kinh, làm dấy lên những lo sợ rằng, sự đối đầu giữa hai cường quốc vì Covid-19 rốt cuộc sẽ khiến Mỹ có hành động nào đó thổi bùng chiến tranh thương mại với Trung Quốc.
Tạp chí Foreign Policy dẫn lời ông Derek Scissors, một chuyên gia về Trung Quốc thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định, cho đến hiện tại, lãnh đạo Nhà Trắng dường như vẫn muốn giữ thoả thuận giai đoạn 1 với Trung Quốc, dù những lợi ích kinh tế của thỏa thuận đang bị lu mờ trước sự hoành hành của dịch bệnh. Song, theo ông Scissors, trong giai đoạn tăng tốc chiến dịch tái tranh cử, Tổng thống Trump "sẽ phải chĩa mũi nhọn về phía Trung Quốc vì các mục đích chính trị" nhưng kết quả cuối cùng có thể chỉ là "các chính sách tào lao".
Thực tế, các quan chức trong chính quyền Trump đã nghiên cứu một loạt biện pháp khác nhau, từ việc hoãn thanh toán một số khoản nợ để buộc Trung Quốc phải chịu trách nhiệm pháp lý trước các vụ kiện đến việc ban hành chế tài buộc các nhà cung cấp một số mặt hàng thiết yếu phải di dời hoạt động ra khỏi đại lục. Song, cho đến nay, Nhà Trắng vẫn chưa tìm ra bất kỳ cách thức khả thi nào để buộc Bắc Kinh phải "trả giá".
Một số nhà quan sát tin, việc "hâm nóng" cuộc chiến thương mại với Trung Quốc có thể giúp ông Trump đánh lạc hướng chú ý của dư luận khỏi các chỉ trích nhằm vào cách Washington xử lý khủng hoảng do Covid-19 (Mỹ hiện là tâm chấn của đại dịch toàn cầu, với tổng số ca nhiễm và tử vong vì virus corona chủng mới đều cao nhất thế giới) cũng như giúp ông "ghi điểm" với cử tri.
Trong thập kỷ qua, sự bất bình với các chính sách thương mại của Trung Quốc ngày càng tăng trong dư luận Mỹ và Bắc Kinh bị buộc tội đã gây khó cho hoạt động sản xuất của Mỹ cũng như cạnh tranh không công bằng. Dịch Covid-19 đã đẩy cơn giận dữ đó lên mức cao hơn, đặc biệt trong năm bầu cử này.
Vấn đề ở chỗ, ngoài áp thuế, chính quyền ông Trump chưa nhận diện được bất kỳ biện pháp thích hợp nào khác để "trừng phạt" Trung Quốc mà không khiến Mỹ phải hao tổn quá nhiều.
Việc chính quyền ông Trump quay trở lại với các hàng rào thuế quan chắc chắn sẽ khiến Trung Quốc điêu đứng, trong bối cảnh nước này đang phải đối mặt với sự sụt giảm nhu cầu thu mua nhiều sản phẩm xuất xứ Trung Quốc khắp toàn cầu cũng như nhu cầu tiêu dùng trong nội địa.
Theo George Magnus, một chuyên gia về kinh tế Trung Quốc tại Đại học Oxford (Anh), việc các nhà lãnh đạo Trung Quốc vào mùa xuân năm nay dành sự quan tâm đặc biệt đến nhu cầu ổn định thương mại quốc tế và duy trì chuỗi cung ứng hiện có, cho thấy họ nhận thức rõ các điểm yếu thương mại của mình.
Song, hiện có 3 vấn đề lớn nếu Tổng thống Trump sử dụng chính sách thuế, vũ khí tấn công yêu thích của ông nhằm vào các nước khác, để trừng phạt Trung Quốc vì Covid-19.
Thứ nhất, lượng hàng hóa Mỹ nhập khẩu từ Trung Quốc đã giảm mạnh. Do đó, tăng các mức thuế nhập khẩu hiện tại hoặc xúc tiến việc áp các mức thuế đề xuất đã bị tạm hoãn sau thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ chẳng tạo ra mấy thay đổi đối với các quan hệ thương mại song phương.
Thứ hai, đánh thuế nhằm ép Trung Quốc chấp nhận một số nhượng bộ cụ thể, chẳng hạn như mua thêm hàng hóa Mỹ, xử lý tình trạng ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ hoặc tương tự. Việc giáng đòn thuế để trừng phạt Trung Quốc vì vai trò của nước này trong đại dịch Covid-19 sẽ không phục vụ được mục đích lớn hơn.
Cuối cùng, làn sóng đánh thuế đầu tiên trong hai năm 2018 và 2019 được thực thi vào một thời điểm tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của Mỹ, khi các doanh nghiệp và người tiêu dùng có thể chịu được giá cả cao hơn. Song, hiện nay, khi GDP sụt giảm với tỉ lệ chưa từng thấy và hàng chục triệu người lao động đột nhiên mất việc làm, việc tăng giá với đối với các doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ gây tổn hại gấp đôi cho họ.
Vì vậy, trải nghiệm sóng gió của Trung Quốc khi cố gắng khôi phục hoạt động kinh tế sau vài tháng phong toả nhằm dập dịch Covid-19 có thể hé lộ những thách thức kéo dài và đau đớn mà Mỹ nhiều khả năng cũng sẽ phải đối mặt khi tái mở cửa nền kinh tế.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VIETNAMNET.
Original source can be found here: http://vietnamnet.vn/vn/the-gioi/binh-luan-quoc-te/doa-tung-vu-khi-yeu-thich-trung-phat-tq-ong-trump-gap-kho-638834.html