Để thành công trong tương lai, trẻ cần được rèn các thói quen tốt ngay từ nhỏ

18:00' 16-12-2020
Một trong những điều tốt nhất mà bố mẹ có thể dành cho con cái chính là rèn cho con có được những thói quen tốt để giúp trẻ thành công trong tương lai.

Cha mẹ thường xuyên khuyến khích trẻ đọc sách với những thông điệp tích cực để truyền cảm hứng tạo cho con đạt mục tiêu trong tương lai. Ảnh minh họa: Internet

Thói quen tốt phải được dạy từ bé

Theo các chuyên gia, một trong những điều tốt nhất chúng ta có thể làm cho con là dạy chúng những thói quen tốt. Những thói quen tốt khi được khắc sâu trong hành vi sẽ đảm bảo rằng khi lớn lên các con có được những kỹ năng sống tốt để trở thành một người có tính kỷ luật, có trách nhiệm, biết yêu thương.

Xây dựng thói quen lành mạnh cho con là điều rất tốt, tuy nhiên một vài phụ huynh vẫn nghĩ rằng điều này chỉ cần khi con bắt đầu bước vào độ tuổi trưởng thành. Trong khi đó, để con gặt hái được nhiều thành công trong tương lai, thói quen lành mạnh cần được thiết lập và duy trì ngay từ khi còn bé.

Theo chuyên gia tâm lý Nguyễn Diệu Hoa, Tổng đài Tư vấn tâm lý tình cảm 1088, thành công ở một người không phải là ngẫu nhiên mà nó cần sự chăm chỉ, kiên trì, học tập, nghiên cứu, hy sinh và hơn hết là yêu thích những gì chúng đang làm hoặc học để làm.

Đối với cha mẹ, thành công là điều mà trẻ nên được khuyến khích để đạt được. Tuy nhiên, để trẻ thành công, trước tiên chúng phải được cung cấp các công cụ và thói quen mà chúng cần từ những lời khuyên của cha mẹ.

5 gợi ý giúp các bậc cha mẹ dạy con có thói quen của người thành công

Theo các chuyên gia, 5 gợi ý nuôi dạy con cái sau đây sẽ cung cấp cho cha mẹ biết cách hướng dẫn giúp con mình có những thói quen tốt của người thành công trong tương lai.

Đặt mục tiêu

Đầu tiên, hãy để con bạn đặt mục tiêu, bất kể tuổi tác của chúng. Mục tiêu là một cách đáng kinh ngạc để giúp con bạn đạt được mức độ thành công cao. Các mục tiêu mà bạn đặt ra sẽ cần phải dựa trên nhu cầu cụ thể của con bạn.

Trẻ nhỏ có xu hướng phát triển tốt khi chúng được đưa ra các mục tiêu ngắn hạn. Có thể là thức dậy sớm mỗi buổi sáng hoặc đọc một cuốn sách vào cuối tuần. Cho dù mục tiêu là gì, nó nên được thiết kế để trẻ thiết lập thói quen tốt.

Thành tích khen thưởng

Điều quan trọng là con bạn cần phải được khen thưởng khi chúng đạt được mục tiêu của mình. Phần thưởng có thể là món tráng miệng chúng yêu thích, có thể cho trẻ chơi một trò chơi trước khi đi ngủ. Có vô số loại phần thưởng có lợi mà cha mẹ có thể cho con mình khi chúng đạt được mục tiêu. Tuy nhiên, cần lưu ý phần thưởng phải phù hợp với mức độ của mục tiêu.

Nói cách khác, nếu con bạn đạt được một mục tiêu nhỏ, thì chúng sẽ nhận được phần thưởng nhỏ. Nếu con bạn đạt được một mục tiêu lớn, thì chúng nên được nhận phần thưởng lớn hơn.

Chìa khóa cho việc tăng phần thưởng là để giúp con hiểu rằng, các mức mục tiêu khác nhau thì phần thưởng cũng khác nhau. Bằng cách hiểu hệ thống, con bạn có thể học tập hiệu quả hơn để không chỉ đạt được mục tiêu mà còn biết cách tự đặt ra mục tiêu của riêng mình.

Tạo môi trường nuôi dưỡng

Cha mẹ hãy tạo cho con một môi trường mà ở đó các thành viên trong gia đình cùng chia sẻ mục tiêu của mình. Bởi thành công không nên là một cuộc phiêu lưu đơn lẻ. Thay vào đó, thành công nên là thứ mà mọi người có thể tham gia và tận hưởng.

Để tạo ra một môi trường nuôi dưỡng và hỗ trợ thành công, trong bữa tối bạn có thể hỏi, ngày hôm nay con học được gì? Điều mà con đã hoàn thành hôm nay là gì? Hai câu hỏi tinh tế này giúp trẻ nhận ra cách chúng thành công theo cách riêng của chúng. Ví dụ, con bạn có thể đã học cách giải một loại bài toán mới, cũng có thể con bạn đã leo lên đỉnh của thang dây lần đầu tiên trong phòng tập thể dục ngày hôm đó...

Theo các chuyên gia, bất kể điều gì mà con bạn đã được học hoặc hoàn thành thì bạn cần tìm cách hỗ trợ con mình khám phá những lợi ích về cảm xúc và tinh thần khi chia sẻ thành công của chúng với những người khác trong gia đình.

Sử dụng hình ảnh để hiển thị hỗ trợ

Sử dụng hình ảnh giúp tạo ra một môi trường hỗ trợ. Ví dụ, bạn có thể sử dụng các bức ảnh cụ thể giúp hỗ trợ con bạn trên hành trình hướng tới những cấp độ thành công mới. Chẳng hạn, bạn treo hai bức ảnh trong phòng của con mình hoặc ở đâu đó mà con bạn có thể nhìn thấy được.

Bức ảnh đầu tiên sẽ cho thấy, con bạn hoàn thành một hoạt động mà chúng yêu thích. Như bức ảnh mà con bạn đang cầm một quả bóng đá bên cạnh mục tiêu, hoặc con bạn đang cầm tác phẩm nghệ thuật là bức tranh mới nhất của trẻ. Bức ảnh thứ hai nên cho thấy khoảnh khắc gia đình hạnh phúc. Ví dụ, bức ảnh thứ hai có thể cho thấy cả gia đình đang xem pháo hoa hoặc vui vẻ trong kỳ nghỉ gia đình.

Cho dù bạn chọn bức ảnh nào, bạn muốn con bạn nhìn vào những bức ảnh và nhớ rằng chúng là những người tài năng, được yêu thương và được bao quanh bởi những người luôn ủng hộ chúng. Thông qua hai bức ảnh đơn giản, bạn có thể giúp con bạn có lòng tự trọng cao, dẫn đến mức độ thành công cao hơn.

Tạo bảng tầm nhìn

Hãy giúp con bạn có một bảng tầm nhìn đến tương lai. Giống như bạn nhìn về phía trước để đạt được những mục tiêu mới trong cuộc sống cá nhân và nghề nghiệp, con bạn cũng nên học cách nhìn về tương lai. May mắn thay, bạn có thể biến một bảng tầm nhìn thành một sự kiện gia đình vui vẻ. Một khi gia đình tạo ra bảng tầm nhìn của riêng mình, hãy tổ chức một bữa tiệc bảng tầm nhìn gia đình. Điều này sẽ cho phép bạn tìm hiểu về các mục tiêu của con bạn, cũng như chia sẻ mục tiêu của bạn với chúng. Bằng cách tập cho chúng thói quen hình dung, bạn có thể khuyến khích con bạn hình dung thành công trong tương lai của chúng.

Ngoài ra, cha mẹ có thể khuyến khích trẻ trong độ tuổi học cấp hai và cấp ba đọc sách với những thông điệp tích cực, tham gia các buổi thiền giúp chúng đạt được sự cân bằng, tập trung, lắng nghe những cuộc nói chuyện, động lực sẽ truyền cảm hứng một con người thành công trong tương lai.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Marcellin College Vùng: Bullen. Phone: 9851 1589
Xem thêm

Article sourced from 24H.

Original source can be found here: https://www.24h.com.vn/giao-duc-du-hoc/5-thoi-quen-tot-de-ren-tre-thanh-cong-trong-tuong-lai-c216a1128545.html