Bà Aung San Suu Kyi lại một lần nữa bị quân đội giam giữ. Nhưng khác với sự phản kháng từng xảy ra trong quá khứ, từ khi các lãnh đạo chính quyền dân sự bị quân đội khống chế sau binh biến hôm 1/2, thủ đô Naypyidaw và thủ phủ thương mại Yangon tương đối bình yên.

Tới cuối ngày 1/2, Internet và liên lạc bằng điện thoại đã phần nào được khôi phục. Ngân hàng, trung tâm thương mại, các hoạt động kinh doanh đã mở cửa trở lại.

Người dân bắt đầu phản ứng

Tại Yangon, thành phố lớn nhất cả nước, tâm lý lo lắng và sửng sốt ban đầu chuyển dần sang thất vọng và giận dữ.

"Người dân bắt đầu đổ xuống đường. Nhưng tôi nghĩ họ đang chờ chỉ đạo từ đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) và các lực lượng ủng hộ dân chủ. Họ không muốn bị buộc tội là nguồn cơn gây ra bạo lực", một cư dân sống ở Yangon cho biết.

Nhiều giờ sau cuộc chính biến, tài khoản Facebook của đảng NLD đăng tải một tuyên bố, được cho là do bà Suu Kyi chuẩn bị trước, kêu gọi người dân "phản đối" vụ binh biến.

Trong ngày 2/2, các nhà hoạt động dân sự bắt đầu chiến dịch phản kháng, nổi bật nhất là trên mạng xã hội, kêu gọi tổng đình công và bất tuân dân sự, xuống đường biểu tình phản đối chính biến.

Quân đội chặn đường dẫn đến trụ sở quốc hội. Ảnh: Reuters.

Bộ Thông tin Myanmar cảnh báo việc đăng tải thông tin trên mạng xã hội và Internet có thể châm ngòi cho bất ổn.

20h ngày 2/2, thành phố Yangon náo động với âm thanh kim loại va đập vào nhau và tiếng hò reo của người biểu tình.

Trong làn sóng phản đối chính quyền quân sự, bác sĩ và nhân viên y tế tại hơn 40 bệnh viện công của chính phủ tuyên bố họ sẽ dừng làm việc với tư cách "nhân viên dân sự của chính quyền quân sự". Những người này nói sẽ tìm cách khác để giúp đỡ người dân chống đại dịch.

Các nhà đầu tư cho biết giới doanh nghiệp thất vọng trước vụ chính biến, và rằng sự kiện này đã làm chệch hướng hoàn toàn tiềm năng phát triển của Myanmar.

"Những người đã đặt cược tiền bạc và niềm tin vào thị trường Myanmar giờ đang choáng váng", một nhà đầu tư cho biết.

Tâm trạng u ám đang bao trùm người dân Myanmar. Trong một bài đăng trên Twitter sau binh biến, nhà sử học Thant Myint U, cháu trai của cựu Tổng thư ký Liên Hợp Quốc U Thant, nói sự kiện hôm 1/2 đã đẩy Myanmar vào một "tương lai rất khác".

"Tôi có một cảm giác bi quan rằng không ai có thể kiểm soát những gì sắp xảy đến. Hãy nhớ Myanmar là một quốc gia với chia rẽ sắc tộc và tôn giáo sâu sắc, cùng hàng triệu người thiếu ăn", ông Thant Myint U viết.

Thời gian nhân nhượng đã hết

Dẫu thi hành cải cách dân chủ bằng việc thông qua hiến pháp mới năm 2008, và chuyển giao quyền lực cho chính phủ dân sự năm 2015, phe quân đội Myanmar vẫn giữ tầm ảnh hưởng lớn trong chính trường nước này.

Cơ chế cho phép tiến hành chính biến được quy định ngay trong bản hiến pháp năm 2008. Theo đó, điều 417 cho phép quân đội được phép can thiệp và nắm quyền điều hành cả ba nhánh hành pháp, lập pháp, tư pháp trong tình trạng khẩn cấp quốc gia.

Hiến pháp cũng trao cho phe quân đội 25% số ghế đại biểu lưỡng viện quốc hội mà không qua bầu cử, cùng quyền kiểm soát các bộ Nội vụ, Quốc phòng và Biên giới.

Đề nghị thay đổi hiến pháp cần có sự ủng hộ của 75% số đại biểu quốc hội. Điều này trao cho phe quân đội quyền phủ quyết gần như tuyệt đối với mọi đề nghị cải tổ hiến pháp.

Hiến pháp năm 2008 cũng cấm người có thân nhân là công dân nước ngoài giữ chức tổng thống. Điều này khiến bà Aung San Suu Kyi, có chồng và con là công dân Anh, không thể giữ chức vụ tổng thống, dù bà là lãnh đạo trên thực tế của đảng NLD cầm quyền.

Những năm qua, phe quân đội có nhiều lý do để duy trì một chính phủ dân sự trong khi họ vẫn nắm quyền lực to lớn phía sau hậu trường.

Vào thời điểm 2010, sau gần 5 thập kỷ Myanmar bị cấm vận bởi phe quân đội nắm quyền, ngay cả giới tướng lĩnh cũng phải thừa nhận đất nước đang đối mặt nguy cơ sụp đổ.

Dưới nền quân trị của các chính quyền quân sự tiếp nối, cùng hai vụ chính biến năm 1962 và 1988, Myanmar là một trong những quốc gia bị bao vây cô lập và ít được hoan nghênh nhất, hầu như đóng cửa với du khách nước ngoài, nền kinh tế kiệt quệ, Internet gần như không tồn tại.

Bà Aung San Suu Kyi trong lễ tuyên thệ nhậm chức ở Hạ viện Myanmar năm 2012. Ảnh: Reuters.

Để mở đường cho sự thay đổi, phe quân đội ban hành hiến pháp mới năm 2008. Tới năm 2010, Tổng tư lệnh quân đội Than Shwe bất ngờ tuyên bố sẽ nghỉ hưu và tổ chức tổng tuyển cử.

Thein Sein, vị tướng có quan điểm ôn hòa hơn, được lựa chọn làm người đứng đầu đảng Liên minh Đoàn kết và Phát triển do quân đội hậu thuẫn. Trong cuộc bầu cử 2010, đảng này dễ dàng giành chiến thắng. Phương Tây hoan nghênh cuộc bầu cử, nhưng vẫn hoài nghi về tiến trình dân chủ ở Myanmar.

Sau khi bà Aung San Suu Kyi được thả năm 2010 cùng hàng loạt biện pháp tự do hóa, kỷ nguyên cải cách mới đã mở ra cho Myanmar. Dấu ấn lớn nhất cho tiến trình mở cửa là chuyến thăm của Tổng thống Barack Obama đến Myanmar năm 2012.

Những cải cách nhanh chóng mang lại phần thưởng cho chính quyền bán dân sự của Tổng thống Thein Sein. Tới cuối năm 2013, Myanmar chứng kiến làn sóng đầu tư nước ngoài khổng lồ đổ vào nước này.

Nền kinh tế Myanmar tăng trưởng 8,4%, hàng đầu thế giới. Tỷ lệ người dân được tiếp cận điện thoại di động và Internet lên tới gần 100%. Tới năm 2019, GDP đầu người của Myanmar tăng lên 1.608 USD, tỷ lệ nghèo đói giảm xuống chỉ còn 25%, so với mức 48% của năm 2005.

Tuy nhiên, kế hoạch của phe quân đội bắt đầu chệch hướng sau khi đảng NLD của bà Suu Kyi chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử 2015. Với việc chiếm đa số trong lưỡng viện quốc hội, đảng NLD trao cho bà Suu Kyi vị trí Cố vấn nhà nước kiêm Bộ trưởng Ngoại giao.

Tới năm 2016, Mỹ bắt đầu dỡ bỏ gần như toàn bộ các biện pháp cấm vận chống Myanmar.

Tháng 11/2020, đảng NLD tiếp tục đánh bại đảng USDP do phe quân đội hậu thuẫn với số phiếu còn áp đảo hơn nữa. Đảng NLD của bà Suu Kyi giành 258/440 ghế tại Hạ viện và 138/224 ghế Thượng viện. Trong khi đó, USDP chỉ giành tổng cộng 33 ghế tại lưỡng viện.

Đa số cử tri Myanmar coi đảng NLD và bà Suu Kyi là vũ khí hiệu quả nhất để kiềm chế quyền lực và ảnh hưởng của quân đội.

Với nhiều người, trong 5 năm vừa qua, quan hệ giữa chính quyền dân sự của bà Suu Kyi và phe quân đội là "nhân nhượng chính trị". Nhưng đến cuối cùng, chiến thắng vang dội của bà cùng đảng NLD trở thành mối đe dọa tới tham vọng của Tổng tư lệnh quân đội Min Aung Hlaing.

Cơ hội cho Bắc Kinh, thách thức với Washington

Với vị trí địa lý đặc thù giữa Ấn Độ và Trung Quốc, Myanmar nằm ở trung tâm cuộc tranh giành ảnh hưởng giữa các cường quốc tại châu Á, được Bắc Kinh xem như "cửa ngõ" để tiếp cận Ấn Độ Dương.

Trong nhiều thập kỷ, Trung Quốc là đồng minh và nhà bảo trợ an ninh chủ chốt của Myanmar. Trung Quốc cũng cung cấp lượng lớn vũ khí, đào tạo quân sự, và đầu tư vào cơ sở hạ tầng quốc gia Đông Nam Á.

Khi lệnh cấm vận quốc tế ập đến vào thập niên 1990, các tướng lĩnh quân đội nhận ra cái giá phải trả khi làm đồng minh của Trung Quốc.

Nội bộ Myanmar bắt đầu có những bất mãn khi Bắc Kinh có liên hệ với các nhóm vũ trang thiểu số, hay tình trạng vũ khí chuyển giao từ Trung Quốc giá rẻ nhưng chất lượng kém. Myanmar cũng cảnh giác trước tham vọng của Trung Quốc đối với tài nguyên thiên nhiên nước này.

Bằng chứng rõ nét cho sự bất mãn từ phía Myanmar với Bắc Kinh là việc nước này đình chỉ dự án xây dựng đập nước Myitsone trị giá 1,4 tỷ USD ở bang Kachin. Dự án này do Trung Quốc tài trợ.

"Chúng tôi biết cần phải đa dạng hóa các mối quan hệ, mở cửa, điều đó có nghĩa phải thả Aung San Suu Kyi", cựu Tổng thống Thein Sein nói năm 2012.

Dẫu vậy, quan hệ song phương giữa hai nước vẫn gần gũi. Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và các quan chức cấp cao Myanmar thường xuyên tới thăm Trung Quốc.

Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và Ngoại trưởng Vương Nghị gặp gỡ ở Naypyidaw hôm 12/1. Ảnh: AP.

Vụ binh biến xảy ra trong thời điểm bất thường, chỉ vài tuần sau khi Ngoại trưởng Vương Nghị tới thăm Myanmar, lần lượt gặp gỡ Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing và bà Suu Kyi.

Bà Yun Sun, giám đốc chương trình nghiên cứu Trung Quốc từ Trung tâm nghiên cứu chính sách Stimson, cho rằng cách Mỹ và Trung Quốc phản ứng sau vụ binh biến sẽ định hình quan hệ của hai nước này với Myanmar, cũng như các biến động khác trong khu vực.

"Trung Quốc tỏ ra trung lập và không ép buộc, kêu gọi kiềm chế và ổn định. Phía Mỹ thì dường như đòi hỏi hơn, kêu gọi đảo ngược vụ chính biến, thả các tù nhân và tôn trọng bầu cử", bà Yun Sun nói.

Vụ binh biến hôm 1/2 là thách thức nan giải cho chính quyền mới tại Washington. Tổng thống Joe Biden đang tìm cách khôi phục lòng tin của các đồng minh và đối tác vào nền dân chủ Mỹ.

Nhà Trắng đã cảnh báo có thể sẽ áp đặt cấm vận nếu phe quân đội không tôn trọng tiến trình dân chủ.

Mặc dù vậy, các chuyên gia cảnh báo cấm vận Myanmar có thể sẽ phản tác dụng, khiến tình hình vượt tầm kiểm soát, có thể dẫn tới bất ổn xã hội.

"Cấm vận có thể trì hoãn cải cách, làm kiệt quệ tầng lớp trung lưu mới nổi, củng cố ảnh hưởng của các lực lượng theo chủ nghĩa biệt lập, tạo ra bối cảnh khiến mọi tiến trình dân chủ càng trở nên khó khăn hơn", ông Thant Myint U nói.

Một số nhà bình luận cảnh báo các biện pháp cô lập và trừng phạt của phương Tây sẽ càng đẩy phe quân đội đang nắm quyền ở Myanmar vào quỹ đạo của Trung Quốc.

"Nếu chính quyền quân đội một lần nữa bị quốc tế cô lập, Trung Quốc sẽ trở thành một trong số ít lựa chọn để nương tựa", bà Yun Sun nhận xét.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?

Steve's Liquor Vùng: Springvale Sth. Phone: 9708 2535
Xem thêm

Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/noi-tinh-phia-sau-binh-bien-o-myanmar-post1180249.html