‘Đanh’ hà
Hà râu.
Xem Video: Hướng dẫn 3 cách chế biến món ngon từ đậu phụ
Trời đã hoàng hôn. Nước giếng sau nhà Uỷ ban xã Thanh Lân (huyện Cô Tô, Quảng Ninh) vốn lạnh, nay càng cảm thấy lạnh. Bốn chàng trai lọ mọ đến tắm. Dội ào ào. Trông thấy tôi, một cậu nửa chào, nửa hỏi:
- Bác không phải người đây?!
- Sao biết?
- Ề hế! Cháu đoán, bác không phải người đây, bởi người đây chả ai ra tắm giếng này lúc này cả.
- Thế các cháu cũng không phải người đây?
- Vâng! Bọn cháu đi làm thuê.
- Thuê gì?
- Chúng cháu đi lặn con hà râu.
- Hà râu? Lặn?
- Vâng! Hà râu là con vật sống nơi đáy biển. Phải lặn xuống khoảng mươi, mười lăm mét nước thì vơ được nó.
Đanh hà râu.
Khi mục sở thị, thấy hà râu là loài vật nhuyễn thể, vỏ cứng. Bên ngoài, kẻ “ăn theo” là con hà (thông thường) bám đầy. Thế nên, nhìn hà râu, thấy nó to, gộc ghệch, xù xì, tưởng như cục đá thối, lại như cục mủn đá vô duyên, vứt đi.
- Bốn thằng chúng cháu lặn. Tính ra một ngày mỗi thằng ở đáy biển khoảng tám tiếng. Vơ nó. Chỗ gành đá, nước quẩn, nó có nhiều. Đầy túi lưới, giật dây, người trên thuyền kéo lên.
- Chúng cháu quê Kiến An (Hải Phòng), ra lặn thuê cho tàu của bác thằng này (một chàng trai nhỏ con, ngực vạm vỡ). Bác ấy cũng người Kiến An ra đây xây dựng Kinh tế mới.
- Bác ấy nuôi ăn, thuốc hút. Chúng cháu chỉ việc lặn. Công xá, bác ấy hưởng 6 phần, chúng cháu được 4, bằng việc bán “đanh” hà... Này! Tối nay chúng mình đi chơi đâu nhỉ?...
Đanh hà râu xiên nướng với củ, quả.
Khoảng gần bốn giờ chiều, chúng tôi đến được thị trấn Cái Rồng (thủ phủ huyện Vân Đồn, Quảng Ninh). Người bạn đi cùng, lấy chỗ thân tình với chủ nhà, bảo chuẩn bị cho bữa cơm chiều, “nhớ là có món khoai...”.
Tôi nhanh nhảu:
- Khoai hả? Hay đấy! Tớ khoái khoai, khoái rau...
Họ phá lên cười.
Lúc bê mâm ra, chủ nhà nói:
- Nghe được điện thoại, báo sẽ qua, bà xã chạy đi chợ ngay, tìm, nhưng hôm nay không thấy có khoai. Các vị dùng tạm bữa cơm đạm bạc với khổ chủ.
Đanh hà râu bỏ lò và nước xốt.
Cả bữa ăn, người bạn và chủ nhà cứ tủm tỉm mỗi khi tôi than thở rau cỏ ở huyện đảo hiếm quá, khoai củ cũng không.
Đến ngày thứ 5 thì chúng tôi có mặt ở đảo Thanh Lân, trọ nhà Bí thư Đảng uỷ xã.
Vợ Bí thư còn trẻ, so với chồng, đặt mâm cơm xuống, bẽn lẽn:
- Các bác xơi cơm dưa muối với gia đình...
Nhìn, chả thấy “dưa muối” đâu.
Người bạn đi cùng nheo mắt với tôi, lấy đũa chỉ vào một đĩa xào:
- Khoai đấy!
- Há?
Đanh hà râu nướng trứng cút.
Màu trắng, tròn, gần bằng ngón cái, dài non/già nửa đốt, quyện lá lốt xanh thẫm. Thất lễ, tò mò, tôi gắp nếm luôn. Giòn, vị hơi ngọt mát, dậy mùi lá lốt, rất ngon.
- Khoai gì thế?.
- Không! "Đanh" con hà râu đấy.
- ???.
- Bác muốn biết cụ thể, chiều mai sang Thôn 1 mà hỏi.
- Thế ở Cái Rồng người ta gọi là "khoai" à?
Mọi người cười lên một lượt.
- Người ta còn gọi nó là “cơ” trai nữa, ông nhà báo ạ.
Đanh hà râu xốt nấm.
Hà râu đổ thành các đống, ngồn ngộn một khoảng sân. Vài chục người, cả người lớn và trẻ em, hầu hết là nữ. Họ dùng dao nhỏ hối hả tách hà để lấy “đanh”. “Đanh” chính là bó cơ để đóng - mở miệng (mở vỏ) của con hà râu. Khi được tách ra, nó co lại, ngắn khoảng non/già nửa đốt ngón tay, to gần bằng ngón tay cái.
Chúng tôi đến Thôn 1, những đống vỏ hà râu đổ đầy phía sau một số nhà, bốc mùi thối của trai ốc chết, khá nồng nặc. Một vài người dân được hỏi, bảo, lúc đầu cũng thấy rất khó ngửi, “nhưng ngửi mãi rồi cũng… quen”.
Nghề lặn biển ở ngư trường Cô Tô - Thanh Lân có khoảng từ năm 1994, khi ngư dân mua được các đồ lặn, các vật dụng khác và học cách đánh bắt của ngư dân Trung Quốc. Cách đánh bắt là lặn xuống nơi có các gành đá, các rạn san hô tìm bắt cá, bắt ốc, bàn mai hoặc hà râu. Một thợ lặn ở thôn Nam Hà (xã Đồng Tiến, huyện Cô Tô) cho biết, khi nghề này mới rộ lên, kiếm cũng được. “Nhưng bây giờ không còn sẵn. kiếm được tiền trăm cho một ngày lặn không dễ”.
- Nguyên nhân?.
- Thì đánh bắt nhiều, nhiều người đánh bắt, mọi thứ không kịp sinh sôi, phải hết.
Đanh hà râu nấu với hoa thiên lý.
Song… “đanh” hà râu Thanh Lân, “khoai” Cái Rồng, “cơ” trai Cô Tô, tuy cách gọi có khác nhau, cho ta món ăn ngon khi xào với lá lốt, hoặc tẩm bột rán, hoặc nấu bát canh chua với quả chay… cũng tuyệt. Và nó không rẻ. Ở chợ thị trấn huyện đảo Cô Tô thời giá hồi tháng 7/2015 là 35.000đ/lạng.
Lạc khoản: Khi tôi viết bài này, ngẫu nhiên xem ti vi, thấy chương trình giới thiệu món ăn chế biến từ “cồi” sò điệp, nhìn kỹ, đúng là “đanh” hà râu. Mới lên google tra tìm để hiểu kỹ. Ôi chà! Cơ man các trang nói về “cồi”, về “đanh” và các món ăn chế biến từ nó. Biết “đanh” hay “cồi” hay “cơ”, thậm chí cách nói vui là “khoai” không chỉ lấy được từ hà râu, mà còn có trong con bàn mai, trong con trai lấy ngọc, con điệp (hay điềm điệp, hay sò điệp) và là món ăn không xa lạ gì với người phương Tây, người Trung Quốc, được chế biến từ “đanh” hà còn tươi hoặc đã phơi, sấy khô. “Đanh” hay “cồi” sò điệp, bàn mai, hà râu, “cơ” trai… có khá nhiều nơi ở các tỉnh giáp biển của nước ta khắp cả nước. Tôi thử thống kê nhanh, thì đây là một số món ăn chế biến từ/với “đanh” hà râu, “cồi” sò điệp: xào sả ớt, xào chua ngọt, xào với mướp đắng, với hoa thiên lý, với hoa hẹ, với nấm, xào lẫn với măng tây và thịt bò, trộn với dưa chuột, nấu súp, nấu cà ri, nấu với đậu Hà Lan, nấu với rau củ, nấu với bí đao, nấu với nấm, nấu cháo, sốt kem, làm món sa lát, hấp miến, rán cùng khoai tây, rang muối, nướng mỡ hành, nướng cùng trứng cút, nướng với mật ong, nướng với phô mai, bỏ lò, xiên nướng, xốt với tôm hùm, làm món trứng cuộn, áp chảo với cà rốt nghiền v.v. và v.v. Nhiều lắm!
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2727519