Đàn ông thương vợ chẳng có gì là sai, cái sai là không biết thương sao cho đúng mà thôi
ảnh minh họa
Rất nhiều người phụ nữ đã ngậm ngùi mà nói rằng: “Lẽ ra chồng nên ở một mình thay vì cưới vợ”. Đàn ông lạ lắm! Họ biết rành rẽ những sự việc xảy ra cách nửa vòng trái đất, am tường những chuyện ngoài xã hội nhưng không hề biết vợ con mình sống ra sao.
Chẳng hiếm hình ảnh trong một bữa cơm, vợ dỗ con, bận bịu với con cái thì chồng đủng đỉnh vừa ăn vừa lướt điện thoại. Mẹ chồng ngồi nhìn thản nhiên chẳng nói câu gì, coi chuyện con trai mình làm là điều gì đúng đắn. Trong khi bà cũng là mẹ, là vợ như ai.
Ấy thế mà chỉ vì sợ mẹ tủi thân, ngại bị coi là ‘thằng hèn mới đi hầu vợ’, người chồng sẵn sàng sống mặc kệ vợ con, chẳng cần biết cô đang khổ sở thế nào. Đàn ông lạ thật, vợ mình chứ vợ ai đâu mà như thế.
Cũng giống như câu chuyện của một người phụ nữ chia sẻ trên diễn đàn kín mới đây về ông chồng ‘hèn’ đến mức đi pha cho vợ ly sữa mà nhìn thấy mẹ cũng phải uống vội.
Chị kể: “Ngay từ lúc làm đám cưới, mẹ chồng đã không thích tôi vì bà phân biệt vùng miền. Biết ý, sau khi cưới, vợ chồng tôi lên ở riêng trên thành phố, còn mẹ chồng sống ở quê.
Cho đến khi sinh con, không có người trông, thuê người giúp việc thì lại chẳng có Kinh tế nên vợ chồng tôi bàn bạc nhờ bà nội lên trông cháu giúp để hai vợ chồng đi làm.
Cứ tưởng có bà lên chăm cháu, đi làm về hai vợ chồng tập trung cơm nước dọn dẹp thì sẽ nhàn hạ, ai ngờ từ đợt mẹ chồng lên cuộc sống của hai vợ chồng tôi đảo lộn hết cả.
Còn tôi thì luôn sống trong tâm trạng ức chế, bực bội, đi làm xong không muốn trở về nhà. Tất cả cũng chỉ vì suy nghĩ cổ hủ của bà mẹ chồng cho rằng đàn ông hầu hạ vợ là hèn, là nhục nên bà không cho anh làm bất cứ việc gì trong nhà.
Ngày vào chăm cháu nội, bà chỉ làm những việc liên quan đến con trai và cháu nội bà. Chẳng hạn, bà chỉ xếp quần áo của… hai cục vàng ấy, bao giờ cũng chừa quần áo con dâu lại.
Con dâu đi chợ, bà dặn mua những món thằng M. (tên chồng) thích, không đoái hoài gì đến mình luôn. Tôi dặn lòng không để bụng, mà cố gắng học hỏi những phong tục tập quán, các món ăn, sở thích để làm vừa lòng mẹ chồng.
Thế nhưng, mọi cố gắng cũng hoài công, vì ghét vẫn hoàn ghét và bà vẫn coi tôi như cái gai trong mắt. Khách khứa tới nhà, mẹ chồng to nhỏ nói xấu con dâu. Trong khi, tôi mà có lỡ trả lời gì về gia đình với khách ở quê thì bà lập tức kết tội.
Nhiều lúc, 2 vợ chồng đi làm về, tôi phải cho con bú, tắm rửa cho con, thời gian ấy nhờ chồng nhặt hộ mớ rau, cắm hộ nồi cơm, hay quét hộ cái nhà là mẹ chồng đều phản đối không cho làm.
Bà nói đây là việc của phụ nữ, nên cứ để cho tôi làm, đàn ông đi làm về nghỉ ngơi, chơi thể thao, xem tivi giải trí là được rồi, không phải xắn tay vào việc nhà cửa, bếp núc làm gì cho mệt, mà hàng xóm nhìn vào người ta cười cho.
Vốn thương vợ, lại cũng chẳng ngại việc nhà nên dù mẹ chồng có phản đối thì chồng tôi vẫn cứ làm, thấy thế mẹ chồng tôi lại càng tức tối và cho rằng tôi bắt nạt chồng, đi cả ngày về có mỗi việc nấu cơm cũng tị nạnh.
Phụ nữ như vậy là không được, bà sống với bố chồng tôi mấy chục năm mà chưa bao giờ dám nhờ chồng quét hộ cái nhà chứ đừng nói là rửa bát, nhặt rau.
Nhiều lúc tôi chỉ muốn tung hê mọi thứ, cãi một trận cho ra ngô ra khoai với mẹ chồng, rồi ôm con ra đi. Chồng dẫu có biết chuyện thì cũng chỉ dám bảo vợ đừng để ý những gì mẹ nói.
Tôi vẫn nhớ như in lời chồng nói với mình sau những lần ấm ức tới phát khóc vì sự vô lý của mẹ chồng.
“Anh là con trai duy nhất, tình thương có phần ích kỷ của mẹ đôi khi vô lý, nhưng hãy thông cảm cho những vụn vặt của bà. Bởi dù sao cũng có anh hiểu em cơ mà và mẹ đã trải nhiều đắng cay mới nuôi anh ăn học thành tài, để ngày hôm nay người được “hưởng lợi” là em chứ mẹ có hưởng cái gì đâu”.
Tôi hiểu chồng sợ mẹ, cũng chẳng muốn bà ca thán gì nên nói những lời đó để an ủi vợ. Cũng vì biết mẹ chồng chẳng còn sống được bao nhiêu, lại đang lên đây giúp mình nên thôi thì nhịn nhục cho cuộc sống sau này, tôi bấm bụng chịu đựng.
Cho đến một ngày chẳng thể nào chịu đựng nổi nữa. Hôm đó, tôi ốm chẳng ăn uống được gì, tranh thủ đi làm về sớm rồi gục xuống giường luôn. Chồng về, thấy vợ sốt cao bèn chạy ra phòng bếp pha ly sữa mang vào phòng cho vợ.
Đúng lúc đó, bị mẹ chồng bắt gặp từ cầu thang đi xuống, bà hỏi: “Tự dưng pha sữa làm gì thế? Con ốm à. Vợ đâu sao không ra pha cho chồng uống lại để tự đi làm thế này. Vợ với chả con, chẳng nhờ vả được gì”. Thế là anh “ực” một hơi hết chỗ sữa đó luôn rồi kiếm đại cớ gì đó cho mẹ khỏi để ý vì sợ bà nói anh "hầu hạ vợ".
Chờ mẹ đi, chồng mới pha cho tôi ly sữa khác mang vào và cảnh đó bị tôi trông thấy từ đầu tới cuối. Nhiều người nghe thì thấy dở khóc dở cười nhưng trong lòng tôi lại buồn như ngàn mũi dao đâm.
Chăm vợ mình thì có làm sao mà sợ người khác dòm ngó hả mọi người. Sống trong nhà chồng mà làm gì cũng sợ hãi. Tôi đã quá mệt mỏi với mẹ chồng, cũng chẳng thiết tha bà ở lại đây trông cháu cho hai vợ chồng nữa mà muốn mang con đi gửi.
Nhưng chồng tôi lại sợ mẹ giận nên cứ đi làm về là chỉ dám ngồi chơi, mặc cho vợ bận túi bụi với hàng núi công việc nhà cửa, con cái cũng không dám giúp, vì sợ mẹ bỏ về quê. Đúng là sai lầm khi nhờ mẹ chồng lên đây chăm cháu”.
Quả thật, câu chuyện của chị cũng chẳng là điều gì đó quá lạ lùng ngoài kia. Những vấn đề, mâu thuẫn giữa mẹ chồng – nàng dâu luôn là vấn đề muôn thuở trong mỗi gia đình.
Sự khác biệt về sinh hoạt, tuổi tác cũng là nguyên nhân nảy sinh những cãi vã giữa 2 người. Nhưng chung quy cách hành xử của người chồng mới là căn nguyên của mọi bức xúc, khó chịu.
Bởi đơn giản, người con gái sau khi lấy chồng đã bỏ lại tất cả để đi theo anh, cùng chồng gây dựng cuộc hôn nhân. Với phụ nữ, chồng là người duy nhất ở lại bên cạnh mình, là người thân, là mối quan tâm duy nhất.
Trong khi, phụ nữ lấy chồng không sợ chồng không tốt, không sợ chồng khó tính mà chỉ sợ mẹ chồng khó tính, mẹ chồng không thương. Vậy đàn ông, họ đứng ở đâu trong cuộc chiến giữa hai người đàn bà mà anh yêu thương nhất?
Vẫn biết, mẹ là người cho đàn ông sinh mệnh nhưng vợ mới là người trải nghiệm cả cuộc đời với họ. Đừng bao giờ suy nghĩ ‘mẹ chỉ có một trên đời, còn vợ thì dễ kiếm’ để lấp liếm cho sự ích kỉ của mình.
Đàn ông vẫn hay than phiền rằng phụ nữ rất khó hiểu, thực ra phụ nữ không hề khó hiểu. Họ chỉ cần sẻ chia, họ chỉ cần thấu hiểu.
Họ cần một tấm lá chắn để chở che mỗi khi bị ai đó dồn vào thế yếu, và một người có thể bao dung cho cả những khiếm khuyết, sai lầm của họ mà thôi.
Với đàn ông, để làm những điều đó có gì là khó, khi đó là vợ mình. Trong khi đàn ông, thường không muốn làm mếch lòng vợ để rồi tỏ ra lạnh nhạt với vợ, họ nghĩ đó là cách thương vợ của mình, hạn chế xích mích.
Thế nhưng, đàn ông thương vợ chẳng có gì là sai, cái sai là không biết thương sao cho đúng mà thôi.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2677418