"Đám cháy zombie", cơn bão "quái vật"... những hiện tượng thời tiết không khác trong phim khoa học viễn tưởng

03:00' 25-05-2021
Tuần qua, tiêu đề các bản tin thời tiết dồn dập xuất hiện những hiện tượng không khác gì phim khoa học viễn tưởng, với đám cháy zombie, cơn bão quái vật hay tảng băng khổng lồ.

Những hiện tượng thời tiết cực đoan này được cho là câu trả lời của thiên nhiên với tình trạng biến đổi khí hậu.

Theo các chuyên gia, một khi Trái Đất nóng lên và làm thay đổi các mô hình thời tiết trên đất liền và trên biển, các tác động sẽ ngày càng rõ ràng và cực đoan hơn nữa.

Robert Ballard - nhà hải dương học nổi tiếng với cuộc điều tra về vụ đắm tàu ​​Titanic - cho biết: “Trái Đất đang “tuyên chiến” với con người. Nếu chúng ta không hành động - ví dụ xử lý lượng khí thải carbon, Mẹ Trái Đất sẽ loại bỏ chúng ta”.

Biến đổi khí hậu không chỉ đơn thuần là gia tăng nhiệt độ. Biến đổi khí hậu sẽ dần tạo ra các kiểu thời tiết mới. Hiệu ứng gợn sóng đến từ biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng đến cơ chế hoạt động của bão và lũ lụt.

Thảm họa diễn ra ở bang Louisiana, Mỹ và Ấn Độ là một lời cảnh báo rõ ràng về tác động của biến đổi khí hậu tới loài người.

“Đám cháy zombie” khó “tiêu diệt”

Bắc Cực đang chứng kiến ​​một loạt các trận cháy rừng quy mô lớn trong những năm gần đây. Trước đây, lớp tuyết ở Bắc Cực đủ dày để dập tắt hầu hết đám cháy.

Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết biến đổi khí hậu đã khiến tàn lửa âm ỉ trong suốt mùa đông và chỉ đợi bùng phát lại vào mùa xuân.

Một lính cứu hỏa địa phương đang dập lửa ở làng Shipunovo, Siberia. Ảnh: CNN.

Đó là lý do các trận cháy rừng được gọi là “đám cháy zombie”. Cũng giống như đám zombie trong phim, những đám cháy này rất khó để dập hoàn toàn.

Tàn lửa này sẽ được nuôi dưỡng bởi các loại đất giàu chất dinh dưỡng ở Bắc bán cầu và lượng oxy ít ỏi có sẵn trong tuyết. “Đám cháy zombie” sẽ bùng phát lại sau nhiều tháng, tồn tại rất lâu sau khi ngọn lửa trên mặt đất đã được dập tắt.

Một nghiên cứu được công bố trong tháng 5 trên tạp chí Nature cho biết: "Mùa cháy rừng và hạn hán kéo dài kết hợp với hiện tượng nóng lên toàn cầu khiến vào mùa thu, đám cháy không thể tự dập tắt mà bước vào giai đoạn cháy âm ỉ”.

Bão "quái vật" cuồng nộ

Trong bối cảnh Ấn Độ đang bị “làn sóng” Covid-19 nhấn chìm, siêu bão Tauktae đã càn quét và tàn phá nặng nề bờ biển phía tây quốc gia này.

Đây là trận bão lớn nhất từng đổ bộ vào khu vực - được truyền thông địa phương gọi là bão "quái vật" - với sức gió lên đến 185 km/h.

Đồ đạc từ một ngôi nhà bị hư hỏng sau khi cơn bão Tauktae đổ bộ ở bang Gujarat, miền Tây Ấn Độ. Ảnh: CNN.

Hơn 90 người Ấn Độ thiệt mạng và 49 người mất tích vì siêu bão “quái vật” Tauktae, theo Guardian. Cơn bão đã "hủy diệt hoàn toàn" các ngôi nhà tranh, tàn phá các nhà máy, đánh bật các cột điện và trạm liên lạc, gây ra lũ lụt và thiệt hại cho mùa màng ở một số khu vực.

Các chuyên gia nhận định sẽ còn nhiều trận siêu bão với cường độ mạnh với tốc độ di chuyển nhanh hơn càn quét khu vực, do hậu quả của sự ấm lên toàn cầu.

Nhà khí tượng học Brandon Miller lo ngại: “Trước đây, các cơn bão trên biển Arab không mạnh bằng những cơn bão đổ bộ vào Ấn Độ từ Vịnh Bengal. Tuy nhiên giờ đây, với sức gió tối đa lên tới 200 km/h, cơn bão này có sức gió mạnh nhất trong bất cứ cơn bão nào từng đổ bộ vào biển Arab”.

Cường độ lốc xoáy đã tăng lên trong hai thập kỷ qua. Theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ, biến đổi khí hậu khiến bề mặt nước biển ấm lên sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến quá trình hình thành các xoáy thuận nhiệt đới.

Mưa và lũ lụt diễn ra thường xuyên

Một cơn mưa với lượng mưa hơn 304,8 mm đã trút xuống Lake Charles vào ngày 18/5 - lượng mưa kỷ lục tại thành phố này trong vòng 41 năm, theo CNN.

Trên thực tế, lượng mưa trút xuống Lake Charles vào ngày 18/5 còn lớn hơn cả lượng mưa trong hai trận siêu bão Laura và Delta đổ bộ vào Louisiana năm 2020 cộng lại.

Và một lần nữa, biến đổi khí hậu làm tăng mức độ nghiêm trọng của những trận mưa này.

Nhiệt độ cao hơn có nghĩa là bầu khí quyển có thể giữ được nhiều độ ẩm hơn. Nước biển và không khí nóng hơn dẫn đến tình trạng bốc hơi thường xuyên hơn, ông Miller nói.

Lượng mưa hơn 304,8 mm đổ xuống Lake Charles hôm 17/5 - tổng lượng mưa trong một ngày lớn nhất tại đây trong vòng 41 năm qua. Ảnh: CNN.

Ông nói: “Các sự kiện mưa chỉ xảy ra một lần trong vòng 50 năm đang xảy ra 10 năm một lần. Và ở những nơi như Louisiana và Texas, chúng ta đã nhìn thấy những hiện tượng này nhiều lần trong thập kỷ qua".

Tảng băng trôi lớn nhất thế giới

Tuy nhiên, không phải tất cả các hiện tượng thời tiết bất thường đều là kết quả của biến đổi khí hậu.

Một tảng băng trôi khổng lồ có kích thước gấp gần 80 lần Manhattan đã tách khỏi rìa đông lạnh từ thềm băng Ronne-Filchner - một thềm băng ở Nam Cực giáp biển Weddell.

Các nhà khoa học tin rằng đây là một phần trong chu kỳ tự nhiên của tảng băng trôi.

Giống như việc một viên đá chảy không làm tăng mực nước trong ly, tảng băng trôi vốn đã nằm bên trong đại dương sẽ không làm mực nước biển dâng cao.

Khối băng lớn nhất thế giới này chính thức được gọi tên là A-76.

Ùn tắc băng vào mùa xuân ở bang Alaska

Ở phía tây bắc bang Alaska, một đoạn sông bị tắc nghẽn do các tảng băng khiến nước tràn ra ngoài bờ, gây ngập và hư hại nhà cửa cùng với các cơ sở hạ tầng, khiến người dân phải di tản.

Băng sông thường bị kẹt ở hạ lưu khiến nước dâng lên nhanh chóng.

Scott Lindsey, giám đốc khu vực tại Cục Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia ở Anchorage, cho biết hiện tượng này chủ yếu xảy ra vào mùa xuân khi nhiệt độ ấm lên và băng tuyết dần tan.

Thống đốc bang Alaska Mike Dunleavy đã phải tuyên bố tình trạng thảm họa ở Buckland, Alaska vì lũ lụt xảy ra khi băng tan. Ảnh: CNN.

Tuy nhiên, Lindsey khẳng định ông không thấy bất kỳ nghiên cứu nào chỉ ra được mối quan hệ giữa hiện tượng ùn tắc băng và biến đổi khí hậu.

“Nếu băng trên sông chưa vỡ thành những mảnh nhỏ, hiện tượng kẹt cứng tảng băng sẽ hình thành. Biến đổi khí hậu có thể làm giảm mối đe dọa của những sự kiện này, vì mùa đông ấm hơn thường dẫn đến lớp băng mỏng hơn, và mùa đông ngắn lại khiến tổng lượng băng tuyết ít hơn”, ông nói.

Tuy nhiên, dù tình trạng ùn tắc băng là điều bình thường ở Alaska, biến đổi khí hậu sẽ ảnh hưởng đến quá trình tan băng vào mùa xuân - làm trầm trọng hơn hậu quả của hiện tượng ùn tắc băng, theo Sarah Aarons, trợ lý giáo sư tại Viện Hải dương học Scripps của UC San Diego.

 

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/the-gioi-trai-qua-tuan-quay-cuong-voi-dam-chay-zombie-va-bao-quai-vat-post1218605.html