''Cuộc rượt đuổi'' giữa FBI và nghiên cứu sinh Trung Quốc

05:00' 12-09-2020
Đợt rà soát của chính quyền Mỹ mùa hè vừa qua dẫn đến việc một số nghiên cứu sinh có liên hệ với quân đội Trung Quốc bị điều tra và phải tìm nhiều cách né tránh.

Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mùa hè qua đã xét hỏi hàng chục nghiên cứu sinh mối liên hệ của họ với quân đội. Những tuần qua, đợt kiểm tra ngày càng rộng này dẫn đến những tình huống “mèo đuổi chuột” giữa giới chức Mỹ và các nhà nghiên cứu, bao gồm vụ bắt giữ hai nhà nghiên cứu có liên hệ với quân đội Trung Quốc, báo Wall Street Journal dẫn các hồ sơ từ công tố viên.

Điển hình, một nghiên cứu sinh về trí tuệ nhân tạo ở Đại học California - Los Angeles bị cáo buộc phá hủy bằng chứng mà FBI đang tìm kiếm. Nhà nghiên cứu này, có tên Guan Lei, ném một ổ cứng đã bị phá hỏng vào thùng rác, chỉ vài ngày trước khi định rời Mỹ ở sân bay Los Angeles nhưng bị chặn lại.

Trong một vụ việc khác, một nghiên cứu sinh về động lực học chất lỏng ở Đại học Virginia bị cáo buộc đánh cắp các mã phần mềm độc quyền đã được thầy hướng dẫn của mình phát triển trong hai thập kỷ. Nhà nghiên cứu này, Hu Haizhou, định bay về Trung Quốc từ Chicago mà không báo với thầy hướng dẫn, nhưng cũng bị chặn lại.

Đại học Virginia, trường của ông Hu Haizhou, người bị buộc tội đánh cắp mã nguồn phần mềm. Ảnh: AP.

Rà soát các nghiên cứu sinh Trung Quốc

Hai ông Guan và Hu - đều bị bắt giữ cuối tháng 8 - chưa chính thức nhận tội hay phủ nhận tội danh. Luật sư của ông Hu cho rằng các tội danh liên quan tới bí mật thương mại thường bị thổi phồng. Còn ông Guan nói ông đã trả lời thẩm vấn của FBI vì “không có gì để giấu”, và tin rằng mình bị nhắm đến với lý do chính trị.

Đợt rà soát của FBI bắt đầu vào tháng 6, và kết quả của nó cũng được cân nhắc trong quyết định đóng cửa lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston ngày 21/7. Trong các tuần trước quyết định đóng cửa lãnh sự quán, Bộ Tư pháp Mỹ buộc tội bốn nghiên cứu sinh gian lận thị thực vì đã che giấu liên hệ với quân đội. Hai người đã phủ nhận tội danh, còn hai người vẫn chưa nhận tội hay phủ nhận.

Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói các nhà ngoại giao nước này không bao giờ có hành vi trái với mục đích nhập cảnh vào Mỹ. Bắc Kinh cũng luôn phủ nhận các cáo buộc đánh cắp tài sản trí tuệ. Dù vậy, Đại sứ quán Trung Quốc ở Washington D.C. không bình luận về các vụ việc mới nhất.

Nghiên cứu của ông Guan, ở Đại học California - Los Angeles (UCLA), tập trung vào công nghệ máy học, một lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo. Thầy hướng dẫn của ông Guan ở Trung Quốc, tại Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc, là một trung tướng và một nhân vật hàng đầu trong chương trình siêu máy tính của quân đội nước này, theo hồ sơ làm chứng do FBI nộp lên tòa.

Siêu máy tính là lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đang cạnh tranh gay gắt, vì có thể có ứng dụng rộng rãi từ mô phỏng khí hậu đến phát triển vũ khí hạt nhân. Đại học Công nghệ Quốc phòng Trung Quốc bị Bộ Thương mại Mỹ đưa vào danh sách đen vì nghi vấn đánh cắp chương trình siêu máy tính của Mỹ.

Bức ảnh ngày 4/10/2019 cho thấy một tờ thông tin của FBI cảnh báo nguy cơ từ các học giả Trung Quốc, cùng thiệt hại gây ra cho kinh tế Mỹ. Ảnh: AP.

Xóa sạch dữ liệu, lịch sử chat

Vợ chưa cưới của ông Guan, Yang Zhihui, người Trung Quốc, đang học công nghệ thông tin ở Đại học California - Irvine, bị bắt giữ khi đang chạy ở sân bay Los Angeles để lên chuyến về Trung Quốc ngày 31/8, dù trước đó luật sư của bà đã đồng ý bà sẽ ra trình diện để làm chứng chống lại ông Guan.

Ở UCLA, ông Guan làm việc trong khoa toán, nghiên cứu về “thuật toán tối ưu hóa và ứng dụng trong máy học”, theo cáo trạng. Giáo sư hướng dẫn của ông nói với FBI ông không thấy lo ngại về các hoạt động của ông Guan, và không nghĩ rằng ông Guan đã truy cập bất hợp pháp được công nghệ quân sự nào ở UCLA, theo hồ sơ cáo trạng.

Trong năm vừa qua, FBI đã hướng nhiều chú ý hơn tới các học giả Trung Quốc. Mùa hè này, các nghiên cứu sinh có liên hệ với quân đội lọt vào tầm ngắm, khiến các nhà ngoại giao Trung Quốc cảnh báo và khuyên họ xóa dữ liệu trong thiết bị điện tử cũng như lịch sử chat.

Ngày 17/7, các đặc vụ FBI thẩm vấn ông Guan ở căn hộ của ông tại Irvine, bang California, và ông đồng ý cho kiểm tra máy tính xách tay cùng hai điện thoại. Hồ sơ cáo trạng cho biết các thiết bị gần đây đã được xóa sạch, không còn nhiều dữ liệu cũ.

Hồ sơ cáo trạng cũng cho biết ông Guan trao đổi qua email với lãnh sự quán Trung Quốc ở Los Angeles và đại sứ quán ở Washington vào tháng 6-7, tỏ ý lo ngại về mối liên hệ của mình với đại học quốc phòng ở Trung Quốc và muốn được hỗ trợ để về nước. FBI truy cập được các email này nhờ trát khám xét đối với Google, vì ông Guan liên hệ với một địa chỉ Gmail của lãnh sự quán.

Nhưng hai ngày sau, ông Guan tới sân bay Los Angeles, và khi được các đặc vụ biên phòng xét hỏi, ông Guan lại nói là chưa hề liên hệ với đại sứ quán hoặc lãnh sự quán Trung Quốc. Các đặc vụ biên phòng cho ông Guan một lệnh ghi rằng việc ông Guan rời Mỹ sẽ gây hại cho nước Mỹ.

Quan chức Bộ Tư pháp Mỹ và FBI công bố cáo trạng đối với một số học giả Trung Quốc ở Boston hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters.

Bị chặn ở sân bay

Một tuần sau, ông Guan đi quanh khu chung cư của mình ở Irvine, dừng lại bên một thùng rác, lấy một vật thể từ trong tất của mình và ném vào, theo hồ sơ cáo trạng. Vợ chưa cưới Yang Zhihui là người nhìn quanh trông chừng.

Đặc vụ FBI sau đó thu được một ổ cứng nhỏ ở thùng rác, vừa với laptop trước đó bị khám xét trong căn hộ của ông Guan. Ổ cứng này bị hư hại nặng và đã bị xóa sạch dữ liệu một cách có chủ đích.

Khi các đặc vụ FBI đến bắt ông Guan một tháng sau đó, ông Guan không hợp tác, buộc họ phải phá cửa xông vào.

Trường hợp còn lại bị bắt giữ cuối tháng 8 là ông Hu, làm việc cho phòng thí nghiệm do quân đội tài trợ ở Đại học Hàng không Vũ trụ Bắc Kinh. Ông đang nghiên cứu về robot dưới nước.

Mã nguồn mà các công tố viên cáo buộc ông đánh cắp là do thầy hướng dẫn của ông ở Đại học Virginia phát triển, trong một chương trình do Hải quân Mỹ tài trợ.

Khi bị nhân viên biên phòng ở sân bay Chicago xét hỏi vào ngày 25/8, ông Hu thừa nhận đã truy cập một số mã nguồn mà thầy hướng dẫn sẽ tức giận nếu biết được.

Người thầy hướng dẫn này, không được nêu tên trong hồ sơ cáo trạng, nói với FBI ông liên tục từ chối các đề nghị của ông Hu muốn xem mã nguồn, và không rõ học trò của ông vào được mã nguồn bằng cách nào. Người thầy cũng nói ông Hu đã rời Đại học Virginia để về Trung Quốc mà không báo với mình hay tạm biệt, làm ông cảm thấy lạ.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Central Skylights Vùng: Dandenong. Phone: 9999 1526
Xem thêm

Cung cấp và lắp đặt giếng trời Velux skylights, rẻ và đẹp tại Melbourne


Article sourced from NEWS.

Original source can be found here: https://news.zing.vn/o-cung-bi-xoa-va-cuoc-ruot-duoi-cua-fbi-voi-nghien-cuu-sinh-trung-quoc-post1129047.html