Chống dịch kiểu "pháo đài" và hệ lụy kinh tế

21:00' 07-06-2021
Chiến lược của Australia khi đóng chặt biên giới để phòng chống Covid-19 đạt được một số thành quả nhất định, nhưng cũng đi kèm với rủi ro về hồi phục kinh tế.

Khi dịch Covid-19 bắt đầu bùng phát, Australia - cũng như nhiều nước khác - nhanh chóng đóng cửa biên giới.

Tuy nhiên, sau hơn một năm, chính phủ và người dân Australia có vẻ vẫn chưa muốn nhanh chóng mở lại biên giới, từ đó đặt ra thách thức lớn cho phục hồi sau đại dịch.

Quy định về xuất nhập cảnh của Australia khá "ngặt nghèo", khi chính phủ Australia không chỉ cấm người nước ngoài nhập cảnh, mà còn giới hạn số công dân được phép trở về. Điều này khiến giá vé máy bay trở về Australia tăng gấp nhiều lần.

Công dân Australia sau khi trở về từ nước ngoài sẽ tiếp tục phải tự cách ly thêm 14 ngày, bất kể họ tiêm vaccine hay chưa. Những người này cũng phải tự trả toàn bộ chi phí cách ly.

Australia cũng là một trong số ít quốc gia không cho phép công dân được đi du lịch nước ngoài, trừ những người có giấy phép từ Bộ Nội vụ. Những điều này đang dần biến Australia trở thành một "pháo đài" để chống dịch Covid-19, theo Strait Times.

Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 tại Melbourne, Australia. Ảnh: Reuters.

Cho đến nay, chiến lược "pháo đài" cho thấy hiệu quả, khi Australia hiện chỉ có hơn 30.000 ca mắc và 910 ca tử vong do đại dịch Covid-19.

Cùng với đó, các cuộc khảo sát cho thấy phần đông người dân ủng hộ cách tiếp cận cứng rắn của chính phủ.

Một khảo sát của Viện Lowy cho thấy có tới 95% người Australia tham gia đồng ý rằng chính phủ đã kiểm soát rất tốt dịch bệnh, và khoảng 40% đồng ý với các biện pháp siết chặt biên giới.

Hệ lụy về kinh tế

Hồi đầu tháng 5, thủ tướng Australia Scott Morrison tuyên bố mở cửa trở lại biên giới vào giữa năm 2022 - một mục tiêu bị cho là thiếu rõ ràng và có ảnh hưởng xấu đến quá trình hồi phục về kinh tế và xã hội của Australia.

Jason Falinski, một nghị sĩ thuộc đảng Tự do của Thủ tướng Morrison, cho rằng cách tiếp cận "pháo đài" đang làm chia cắt nhiều gia đình.

"Không ít người Australia có gia đình, bạn bè hoặc người thân ở nước ngoài", ông Falinski nói, qua đó kêu gọi chính phủ Australia cho phép những công dân đã tiêm phòng được đi ra nước ngoài mà không cần giấy phép, và được quay về mà không phải cách ly.

Hàng dài máy bay của Qantas đang đậu tại Sân bay Quốc tế Melbourne. Ảnh: Reuters.

Làn sóng quan ngại tại Australia càng rõ hơn sau khi có thông tin 9.000 công dân Australia, trong đó gồm 173 trẻ em không có người lớn đi cùng, đang kẹt lại tại Ấn Độ.

Trong bài viết trên Guardian, Giáo sư Tim Soutphommasane của Đại học Sydney cảnh báo người dân Australia sẽ "trả giá đắt", nếu họ tin rằng quốc gia "nên được bảo vệ bởi các bức tường pháo đài".

"Chúng ta là một quốc gia giao thương. Sự thành công về kinh tế của chúng ta không thể tách rời khỏi thế giới mở và toàn cầu hóa. Xã hội của chúng ta sẽ không giống như bây giờ nếu không có những người nhập cư", ông Soutphommasane bình luận.

Một nghiên cứu của Viện McKell cho thấy với tốc độ tiêm chủng như hiện tại, biên giới Australia sẽ đóng cửa thêm ít nhất 81 ngày, và gây thiệt hại ít nhất 12,5 tỷ đô.

Số liệu từ Đại học Johns Hopkins (JHU) cho thấy mới chỉ có 12% dân số Australia được tiêm phòng, và chỉ 2% dân số được tiêm đủ cả 2 liều vaccine.

Straits Times dẫn lời Paul Kelly, một nhà bình luận về chính trị, cho rằng "sự ám ảnh về (chiến lược) pháo đài" của Australia sẽ là "mối đe dọa lớn đối với việc hồi phục".

"Mặc dù công chúng hiện vẫn ủng hộ việc đóng cửa, điều này sẽ nhanh chóng thay đổi khi người dân được tiêm vaccine, khi doanh nhân cần di chuyển trở lại và khi gia đình cần đoàn tụ. Lúc đó, chúng ta sẽ nhận ra cái giá rất lớn của việc đóng cửa", Tim Wilson, một nghị sĩ khác của đảng Dân chủ, bình luận.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về Hội chợ Tết?

Hội Chợ Tết St Albans Vùng: St Albans. Phone: 0425 741 498
Xem thêm

Hội chợ Tết St Albans 2024


Article sourced from Zing.