Chính quyền Biden nhất trí cấp đạn uranium nghèo cho Ukraine
Lầu Năm Góc từng đề xuất Mỹ cần chuyển đạn uranium nghèo (DU) dùng cho M1 Abrams khi viện trợ loại xe tăng chủ lực này cho Ukraine. Lục quân Mỹ thường sử dụng loại đạn này, nhận định chúng có thể xuyên thủng giáp trước của xe tăng do Liên Xô hoặc Nga chế tạo.
Đạn DU chứa sản phẩm phụ của quá trình làm giàu uranium cho nhiên liệu và vũ khí hạt nhân. DU có tỷ lệ đồng vị phóng xạ U235 dưới 0,3%, thấp hơn so với mức 0,72% trong quặng tự nhiên, với thành phần chính là đồng vị U238 có khả năng phân hạch và tính phóng xạ thấp hơn.
Nhà Trắng đã tranh luận trong nhiều tuần về khả năng cung cấp đạn DU cho Ukraine, khi một số quan chức cho rằng việc chuyển loại đạn này sẽ khiến Washington hứng nhiều chỉ trích vì đạn DU gây lo ngại về nguy cơ ảnh hưởng tới môi trường và sức khỏe con người.
Tuy nhiên, các quan chức giấu tên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 13/6 cho biết dường như không có trở ngại lớn nào trong phê duyệt chuyển đạn DU cho Ukraine.
Đạn M829A3 do Mỹ sản xuất với thanh xuyên chứa uranium nghèo. Ảnh: Northrop Grumman
Tranh cãi về chuyển đạn DU cho Ukraine bắt đầu sau khi Mỹ đồng ý cung cấp cho Ukraine 31 xe tăng M1 Abrams. Ban đầu Mỹ định chuyển cho Ukraine biến thể M1A2, song sau đó chuyển sang tân trang mẫu M1A1 có sẵn trong kho để rút ngắn thời gian. Lầu Năm Góc cho biết Ukraine sẽ nhận xe tăng M1A1 vào mùa thu.
Khi Mỹ đang cân nhắc lựa chọn đạn dược cho số xe tăng M1A1 sẽ chuyển tới Ukraine, Anh bàn giao xe tăng chủ lực Challenger 2 cùng đạn DU cho Kiev. Nga chỉ trích động thái của Anh, cho rằng nước này "phổ biến vũ khí có thành phần phóng xạ". Anh bác cáo buộc của Nga và gọi đây là "thông tin sai lệch".
Phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ John Kirby hồi tháng 3 tuyên bố "lập luận của Nga không trung thực" và cho rằng nước này sợ xe tăng của mình bị phá hủy bằng đạn DU.
Ông Kirby cũng khẳng định đạn DU "khá phổ biến và các nghiên cứu chỉ ra rằng chúng không gây ra mối đe dọa phóng xạ". Vào thời điểm này, Mỹ không cung cấp đạn DU cho Ukraine.
Trong báo cáo công bố năm 2022, Chương trình Môi trường của Liên Hợp Quốc bày tỏ lo ngại độc tính hóa học của DU là mối nguy hiểm tiềm ẩn lớn nhất, nguy cơ "gây kích ứng da, suy thận và tăng khả năng gây ra ung thư".
Bộ Cựu binh Mỹ cho biết DU phát ra hạt alpha năng lượng cao nhưng có sức xuyên kém, không thể xâm nhập qua quần áo và da người. Tác động sức khỏe chủ yếu xảy ra nếu vật liệu lọt vào cơ thể qua vết thương hở, đường thở và đường tiêu hóa.
Tuy nhiên, DU sau khi cháy có thể phản ứng với chất ăn mòn trong nước và không khí, tạo thành các hợp chất độc hại có thể xâm nhập cơ thể qua thức ăn và nước uống, dần tích tụ ở các cơ quan như gan, lá lách và thận. Một nghiên cứu của Đại học Harvard ở Mỹ cho rằng DU gây tác hại với cả binh sĩ tham chiến và cư dân địa phương.
Xe tăng M1A1 Mỹ chuyển tới Đức để huấn luyện binh sĩ Ukraine ngày 14/5. Ảnh: US Army
Nhà Trắng đang cân nhắc khả năng cung cấp các loại vũ khí khác cho Ukraine hay không, trong đó có bom chùm và đạn chùm mà Kiev nhiều lần đề nghị. Một số quan chức Lầu Năm Góc ủng hộ cung cấp bom chùm, đạn chùm cho Ukraine để họ đối phó với lực lượng Nga. Tuy nhiên, nhiều quan chức thuộc Hội đồng An ninh Quốc gia và Bộ Ngoại giao Mỹ phản đối điều này.
Ukraine cũng tiếp tục đề nghị Mỹ viện trợ Hệ thống Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS) MGM-140, có tầm bắn 300 km và phóng từ pháo phản lực HIMARS. Tổng thống Biden hồi tháng 5 nói đây vẫn là một trong các lựa chọn, song các quan chức Mỹ cho biết quyết định viện trợ tên lửa ATACMS khó xảy ra.
Bạn đang tìm dịch vụ về Siêu thị?
chuyên bán các loại thực phẩm tươi ngon như trái cây, thịt, cá,...
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/my-co-the-chuyen-dan-uranium-ngheo-cho-ukraine-4617184.html