Chính phủ Hà Lan sụp đổ

06:00' 12-07-2023
Tranh cãi trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Rutte liên quan chính sách với người nhập cư ngày càng trầm trọng, khiến chính phủ Hà Lan sụp đổ.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte, một trong những lãnh đạo tại vị lâu nhất ở châu Âu, ngày 8/7 nộp đơn từ chức lên vua, đánh dấu sự sụp đổ của chính phủ liên minh gồm 4 đảng của nước này.

Trong cuộc họp báo về quyết định từ chức hôm 7/7, ông Rutte thừa nhận bất đồng trong liên minh cầm quyền về cách kiểm soát dòng người nhập cư, vấn đề từng gây chia rẽ tại nhiều nước châu Âu, đã khiến chính phủ của ông sụp đổ.

Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte tại Amsterdam hồi tháng 4. Ảnh: Reuters

"Các đối tác trong liên minh có quan điểm rất khác nhau về chính sách nhập cư. Đây không phải điều bí mật", ông nói. "Thật không may, chúng ta phải đi đến kết luận rằng những khác biệt đó là không thể hòa giải".

Việc chính phủ sụp đổ buộc Hà Lan phải chuẩn bị cho một cuộc tổng tuyển cử mới vào mùa thu. Ông Rutte sẽ dẫn dắt một chính phủ tạm quyền cho tới thời điểm đó, nhưng sẽ không được đưa ra các quyết sách quan trọng trong khi chờ đợi thành lập một liên minh cầm quyền mới.

Đây không phải lần đầu tiên chính phủ Hà Lan sụp đổ. Rutte và nội các của ông từng từ chức vào năm 2021 sau một vụ bê bối liên quan đến việc buộc tội sai các bậc cha mẹ gian lận phúc lợi trẻ em. Tuy nhiên, họ được bầu lại hai tháng sau đó. Chính phủ của ông cũng từng từ chức vào năm 2012 sau khi các cuộc đàm phán ngân sách đổ vỡ và được bầu lại ở một vị thế mạnh mẽ hơn.

Liên minh vừa sụp đổ được thành lập vào tháng 12/2021, gồm đảng Nhân dân vì Tự do và Dân chủ (VVD) trung hữu của Rutte, đảng Dân chủ 66 (D66) và Liên minh Cơ đốc giáo (CU) trung dung, cũng như đảng Kháng nghị Dân chủ Cơ đốc giáo (CDA) trung hữu.

Theo truyền thông địa phương, mối hợp tác này đã gặp nhiều khó khăn ngay từ đầu. Kênh truyền hình NOS của Hà Lan nhận xét đây là "một cuộc hôn nhân chắc chắn sẽ thất bại ngay từ đầu", trong đó chính sách nhập cư là một trong những điểm vướng mắc lớn nhất.

Các đảng VVD và CDA ủng hộ các hạn chế nghiêm ngặt hơn với người nhập cư vào Hà Lan, trong khi D66 và CU phản đối.

Liên minh đã đàm phán về các chính sách nhằm hạn chế số lượng người xin tị nạn vào Hà Lan, trong đó có cả việc thay đổi chính sách về việc cho phép người tị nạn đón thân nhân đến đoàn tụ ở nước này.

Nhiều nước châu Âu gần đây phải vật lộn xử lý dòng người tị nạn và Hà Lan không phải ngoại lệ. Năm ngoái, tổ chức Bác sĩ Không Biên giới (DWB) lần đầu tiên được cử đến Hà Lan để hỗ trợ người tị nạn, chủ yếu là người Trung Đông và châu Phi, tại một trung tâm tiếp nhận ở làng Ter Apel, phía đông bắc đất nước.

Tháng 8 năm ngoái, khoảng 700 người phải ngủ bên ngoài trung tâm tiếp nhận mà không được đáp ứng những nhu cầu cơ bản trong "điều kiện vô nhân đạo và không được tôn trọng", DWB cho biết trong một tuyên bố, nhưng lưu ý rằng tình hình đã cải thiện đáng kể vào thời điểm họ về nước vào tháng 9.

Hà Lan dự kiến nhận 70.000 đơn xin tị nạn trong năm nay, tăng 44% so với năm ngoái, do "tình trạng hỗn loạn ở các quốc gia cả trong và ngoài châu Âu", chính phủ cho biết trong thông cáo báo chí hồi tháng 4.

Năm ngoái, khoảng 46.000 người nhập cư vào Hà Lan, với khoảng 35.000 người đến lần đầu tiên và 11.000 người đến theo diện đoàn tụ gia đình.

Theo một số hãng truyền thông Hà Lan, trong đề xuất chính sách mới, Thủ tướng Rutte cho rằng các gia đình tị nạn phải đợi ít nhất hai năm trước khi họ có thể đến đoàn tụ với người thân. Ông cũng muốn phân biệt hai nhóm người tị nạn, trong đó những người chạy trốn khỏi các cuộc đàn áp được trao nhiều quyền lợi hơn những người rời bỏ quê hương vì chiến tranh, xung đột. Ông cũng chỉ chấp nhận cho phép 200 thân nhân những người tị nạn chiến tranh được nhập cảnh vào Hà Lan mỗi năm.

Mirjam Bikker, lãnh đạo đảng CU, dường như đề cập đến những chính sách này trong một tuyên bố hôm 7/7 về việc chính phủ sụp đổ.

"Đối với chúng tôi, một trong các giá trị quan trọng ở các đề xuất là trẻ em phải được lớn lên cùng cha mẹ", bà nói. Nhưng các bên đã "không thể đạt được một thỏa thuận chung mà tất cả chúng tôi đều cùng ủng hộ".

Thực tế cho thấy nhập cư là một vấn đề nan giải đối với nhiều cử tri và đảng chính trị châu Âu, giúp thúc đẩy ủng hộ đối với các đảng theo chủ nghĩa dân tộc và cánh hữu trên khắp lục địa, đồng thời khiến hàng loạt chính phủ bị những tổ chức nhân quyền chỉ trích vì cách họ đối xử với người xin tị nạn.

Trong thập kỷ qua, khi làn sóng tị nạn từ châu Phi và Trung Đông tràn vào châu Âu, các đảng cực hữu bài nhập cư trỗi dậy mạnh mẽ. Hồi tháng 6, đảng Vox cực hữu của Tây Ban Nha đã thể hiện tốt hơn mong đợi trong các cuộc bầu cử địa phương. Vào mùa thu năm ngoái, đảng Dân chủ Thụy Điển, đảng có nguồn gốc từ phong trào tân quốc xã, giành được 20,5% phiếu bầu, trở thành đảng lớn thứ hai trong quốc hội.

Tại Pháp, nhà lãnh đạo cực hữu Marine Le Pen, người lâu nay có quan điểm chống nhập cư, đã lọt vào vòng cuối của cuộc bầu cử tổng thống năm ngoái. Tại Hungary, Thủ tướng Viktor Orban đã củng cố quyền lực một phần nhờ các thông điệp chống nhập cư.

Năm ngoái, Italy đã bầu ra một liên minh cực hữu do Thủ tướng Giorgia Meloni lãnh đạo, người lâu nay vẫn trích nhập cư và EU đã bày tỏ lo ngại về độ tin cậy của quốc gia này trong liên minh.

Đây là lý do giới quan sát tin rằng cuộc khủng hoảng sớm hay muộn sẽ xảy ra với chính phủ Hà Lan, trong bối cảnh số người nhập cư tăng vọt đã gây áp lực lớn lên năng lực cung cấp nhà ở của Hà Lan, vốn đã thiếu hụt đối với 17 triệu người dân nước này.

Liên minh cầm quyền của chính phủ Hà Lan đã gặp nhau nhiều lần trong những ngày gần đây để cố gắng tìm tiếng nói chung, song không đạt được kết quả.

"Chúng tôi đã thảo luận rất lâu nhưng vẫn phải tới đây vì chúng tôi đã không thành công", Bộ trưởng Quốc phòng Kajsa Ollongren nói trước phóng viên trước khi bước vào cuộc họp nội các hôm 7/7.

"Mọi người đều muốn tìm ra một giải pháp tốt, hiệu quả và công bằng với thực tế rằng đây là vấn đề liên quan đến sinh mạng", Bộ trưởng Tài chính Sigrid Kaag, thành viên đảng D66, cho biết trước khi các cuộc đàm phán bắt đầu và cuối cùng thất bại.

Nhân viên cứu trợ phát chăn và vật dụng khác cho những người xin tị nạn ở Ter Apel, Hà Lan, hồi tháng 8/2022. Ảnh: AFP

Với cương vị Thủ tướng tạm quyền và đã vượt qua nhiều lần sóng gió trước đây, ông Rutte vẫn có vị thế khá vững chắc và nhiều khả năng sẽ trở lại trong cuộc bầu cử tiếp theo. Tuy nhiên, trong bối cảnh vấn đề nhập cư ngày càng trở nên nổi cộm, giới phân tích đang chờ xem liệu Thủ tướng Rutte có thể nắm bắt vấn đề này để củng cố ủng hộ trước khi cuộc tổng tuyển cử diễn ra hay không.

"Các bên khác trong liên minh nghĩ rằng Thủ tướng Rutte có thể hưởng lợi từ vấn đề này. Nhập cư là vấn đề có thể khai thác và sau đó, ông ấy chỉ cần phát động chiến dịch vận động xunh quanh nó", Xander van der Wulp, nhà phân tích chính trị của CNN, nhận định.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Willocks Lawyers Vùng: Footscray. Phone: 9689 0300
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/bat-dong-khien-chinh-phu-ha-lan-sup-do-4627230.html