Chiến sự Gaza đang gây chia rẽ trong nội bộ Mỹ
Charles Blaha, cựu giám đốc Văn phòng An ninh và Nhân quyền của Bộ Ngoại giao Mỹ, cho hay tâm trạng của các nhân viên trong cơ quan này đang trở nên vô cùng u ám sau vụ quân đội Israel (IDF) không kích nhầm vào đoàn xe cứu trợ của Bếp ăn Trung tâm Thế giới (WCK) khiến 7 người thiệt mạng.
"Tôi chưa bao giờ thấy nhiều người bất đồng quan điểm như vậy", Blaha, người vẫn duy trì liên lạc với các nhân viên Bộ Ngoại giao, cho biết, trong bối cảnh ngày càng nhiều lo ngại về chính sách của Tổng thống Joe Biden đối với Israel trong xung đột ở Dải Gaza. "Tôi đã làm việc ở Bộ Ngoại giao 32 năm, kể cả trong Chiến tranh Iraq, nhưng chưa bao giờ thấy nhiều nỗi bất an như vậy. Nó thậm chí còn tồi tệ hơn Iraq".
Ông Biden ngày càng chịu áp lực về sự ủng hộ lâu dài và vô điều kiện của ông với Israel sau gần sáu tháng xảy ra cuộc chiến tàn khốc ở Gaza, khiến hơn 33.000 người thiệt mạng.
Việc 7 nhân viên WCK thiệt mạng, trong đó có một công dân Mỹ, trong đòn không kích chính xác của Israel, đã gây phẫn nộ khắp thế giới và khiến dư luận chú ý hơn tới việc ông Biden vẫn nhất quyết tiếp tục cung cấp vũ khí cho Tel Aviv.
Nhiều quốc gia, tổ chức lên án hành động tấn công vào tình nguyện viên. Trong cuộc điện đàm hôm 4/4, Tổng thống Biden kêu gọi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu thực hiện các biện pháp để giảm thiểu tổn hại cho dân thường, tổn thất về nhân đạo và đảm bảo an toàn cho nhân viên cứu trợ.
Ông cũng cảnh báo chính sách của Mỹ đối với Dải Gaza và Israel sẽ phụ thuộc vào việc nước này có đáp ứng các yêu cầu đó hay không. Đây được cho là lần đầu tiên Washington đặt điều kiện với Tel Aviv kể từ khi xung đột tại Dải Gaza bùng phát tháng 10/2023.
Vị trí ba chiếc xe của Bếp ăn Trung tâm Quốc tế bị tập kích ở Gaza ngày 1/4. Đồ họa: WSJ
Đây là một trong những lời chỉ trích mạnh mẽ nhất của Mỹ với Israel từ khi nước này mở chiến dịch ở Gaza để đáp trả Hamas hồi tháng 10/2023. Tuy nhiên, ông chủ Nhà Trắng cũng bác bỏ khả năng Mỹ chấm dứt viện trợ hay bỏ rơi Israel trong xung đột ở Dải Gaza.
Hai quan chức Mỹ cho biết Nhà Trắng không định có thêm động thái nào khác. "Đó là tất cả những gì chúng tôi đã lên kế hoạch", một người nói với Politico.
Giới chuyên gia cho rằng tâm trạng của các nhân viên ở Bộ Ngoại giao Mỹ cũng như các bình luận của Tổng thống Biden cho thấy nỗi bất bình đang ngày càng tăng ở Washington với chính sách của Mỹ trong chiến sự Gaza. Hiện chưa có dấu hiệu cho thấy sự việc ngày 1/4 sẽ tác động đáng kể đến sự hỗ trợ mà Washington dành cho Tel Aviv.
Tổng thống Biden hai tháng qua đã có những bình luận cứng rắn hơn với Israel, nhưng chưa có hành động cụ thể. Một cố vấn Nhà Trắng tiết lộ ông chủ Nhà Trắng cùng đồng minh vẫn chưa muốn áp trừng phạt với Israel, như áp điều kiện hoặc đình chỉ các thương vụ vũ khí.
Trong ngày Israel không kích đoàn xe của WCK, chính quyền Biden đã phê chuẩn việc chuyển giao hàng nghìn quả bom tới Israel, và đang cân nhắc thương vụ trị giá 18 tỷ USD bán tiêm kích cùng nhiều khí tài khác cho nước này.
"Đang có sự mất kết nối thực sự giữa các phân tích và khuyến nghị chính sách của Bộ Ngoại giao liên quan tới Gaza cũng như vấn đề Israel - Palestine với quyết định cuối cùng được đưa ra ở Nhà Trắng", Brian Finucane, cựu cố vấn pháp lý tại Bộ Ngoại giao Mỹ, nói.
Ông Biden ủng hộ ông Netanyahu về mục tiêu tiêu diệt Hamas. Nhưng sau gần nửa năm chiến sự, Israel chưa đạt được mục tiêu này, dù đã khiến gần 33.000 người chết, hơn 75.500 người bị thương, theo cơ quan y tế Gaza.
Các tổ chức quốc tế đã cảnh báo về cuộc khủng hoảng nhân đạo ngày càng nghiêm trọng ở Gaza, một báo cáo hồi giữa tháng 3 dự báo nạn đói "cận kề" miền bắc dải đất. Mỹ đã kêu gọi Israel tạo điều kiện để tăng dòng viện trợ vào Gaza, Tổng thống Biden và cấp phó Kamala Harris nói Tel Aviv "không có lý do gì" để không làm vậy.
Cơ sở dữ liệu An ninh Nhân viên viện trợ, chuyên theo dõi hành động bạo lực nhằm vào nhân viên cứu trợ, cho biết hơn 196 người đã thiệt mạng tại Gaza kể từ tháng 10/2023. Một quan chức Liên Hợp Quốc mô tả con số này cao gần gấp ba lần thương vong trong bất kỳ cuộc xung đột nào khác một năm qua.
Tuy nhiên, chính quyền ông Biden tháng trước nhận định Israel không cản trở hoạt động nhân đạo, điều kiện tiên quyết để các quốc gia như Israel tiếp tục được nhận viện trợ vũ khí và quân sự của Mỹ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Nhà Trắng ngày 8/2. Ảnh: AFP
Một số nhà phân tích nhận định những hành động như vậy đã tạo ra chính sách ngày càng khó hiểu của Mỹ, khi ông Biden dùng ngôn từ mạnh hơn với Israel, nhưng lại không gây được áp lực thực sự để Tel Aviv thay đổi cách tiếp cận.
"Hành động tốt hơn lời nói. Nếu lời nói không đi kèm hành động khiến Israel phải chú ý, lịch sử đã chứng minh chúng đều vô nghĩa", Frank Lowenstein, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ từng giúp dẫn dắt đàm phán Israel - Palestine năm 2014 dưới thời ông Barack Obama, bình luận.
"Chúng ta bày tỏ giận dữ vì viện trợ nhân đạo bị ảnh hưởng bởi những sự kiện cực đoan, nhưng lại mô tả quan điểm chính thức là Israel đã hành động phù hợp với Mỹ và luật pháp quốc tế", Lowenstein bổ sung. "Nếu chúng ta nói Israel không làm gì sai và không có hậu quả, sao họ phải thay đổi hành vi của mình?".
Và ngay cả khi ông Biden bất đồng với ông Netanyahu, các trợ lý nhà Trắng cũng nhanh chóng xoa dịu căng thẳng.
Mỹ gần đây bỏ phiếu trắng nghị quyết Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi ngừng bắn ngay lập tức ở Gaza. Động thái được cho là bước ngoặt bởi Washington trước đây luôn phủ quyết các đề xuất tương tự, do cho rằng chúng có những điều khoản bất lợi cho Tel Aviv.
Diễn biến cho thấy quan hệ Mỹ - Israel đã xuống thấp nhất kể từ khi chiến sự Gaza nổ ra. Nhưng chỉ vài giờ sau, Nhà Trắng nhấn mạnh nghị quyết không mang tính ràng buộc và Mỹ bỏ phiếu trắng không đồng nghĩa có thay đổi về chính sách.
Một trong ba xe của Bếp ăn Trung tâm Quốc tế sau khi bị trúng đòn tập kích của Israel ở Deir al-Balah. Ảnh: AFP
Hệ lụy từ chính sách của ông Biden dần phơi bày. Ngày càng nhiều đảng viên Dân chủ và đồng minh cho rằng Nhà Trắng nên yêu cầu một lệnh ngừng bắn ngay lập tức, đình chỉ hoặc ít nhất là viện trợ quân sự có điều kiện.
Ông Biden đang mất dần sự ủng hộ từ nhóm cử tri người Mỹ gốc Arab, cấp tiến, thanh niên và người da màu. Các tuyên bố của ông về Israel dường như không xoa dịu được tình hình. Gần 50.000 cử tri Dân chủ bang Wisconsin đã bỏ phiếu chọn "đại biểu không cam kết" thay vì ông Biden trong cuộc bầu cử sơ bộ của đảng ngày 2/4 để phản đối chính sách về chiến sự Israel - Hamas.
Con số này cao hơn hai lần mức chênh lệch từng giúp ông Biden đánh bại đối thủ Donald Trump ở bang chiến trường Wisconsin năm 2020. Dù đã hội đủ số đại biểu để trở thành đại diện đảng Dân chủ tranh cử, diễn biến này cho thấy ông Biden phải nhanh chóng thay đổi chính sách với Israel, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ để thua ông Trump khi tái đấu tại Wisconsin vào tháng 11, theo bình luận viên Yasmeen Abutaleb của Washington Post.
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/noi-bat-binh-voi-chinh-sach-cua-ong-biden-trong-chien-su-gaza-4730291.html