Là lãnh đạo một công ty nhỏ ở Bỉ, sản xuất và tái chế pin cho khách hàng châu Âu, Rahul Gopalakrishnan thuộc nhóm tiên phong giúp châu Âu thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh. Tuy nhiên, Gopalakrishnan luôn lo ngại các doanh nghiệp như Avesta Battery & Energy Engineering (ABEE) của anh cũng chẳng làm được điều này.

"Châu Âu đang tự bắn vào chân mình", doanh nhân 37 tuổi cho biết trên Reuters.

Anh giải thích mình không được chính quyền hỗ trợ đầy đủ để cạnh tranh với đối thủ Trung Quốc, trong khi phải vật lộn với các quy định như lệnh cấm "hóa chất vĩnh cửu" của châu Âu. Đây là các hóa chất gây ô nhiễm dùng trong pin lithium-ion.

Lo ngại của anh cho thấy sự bế tắc của châu Âu. Họ vừa muốn lấy lại sức mạnh kinh tế đã mất về tay Mỹ 20 năm qua, vừa muốn bảo vệ môi trường và tăng tự chủ.

Kinh tế Mỹ tăng trưởng hơn 2% mỗi năm, trong khi châu Âu đang chững lại, thậm chí có nguy cơ suy thoái. Năng suất lao động tại đây cũng tăng chậm hơn Mỹ trong 30 năm qua.

"Tốc độ tăng trưởng của Mỹ một năm qua thực sự vượt trội so với các nước giàu khác", Innes McFee - kinh tế trưởng tại Oxford Economics cho biết trên CNN hồi tháng 12/2023.

So với Mỹ, châu Âu là khối kinh tế không đồng đều, với mức độ đầu tư thấp, dân số già. Dòng chảy lao động, vốn và hàng hóa cũng không thực sự tự do, dù có thị trường chung 31 năm qua.

Khách mua hàng tại khu chợ ở Rome (Italy) tháng 6/2022. Ảnh: Reuters

Người hiện chịu trách nhiệm vạch kế hoạch giúp châu Âu vượt qua các rào cản này là Mario Draghi - cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB). Ông nổi tiếng vì đã chấm dứt cuộc khủng hoảng nợ năm 2012 tại đây, khi tuyên bố ECB sẽ làm "bất kỳ điều gì có thể" để bảo vệ đồng euro.

Cuối tuần trước, Draghi đã gặp các bộ trưởng tài chính châu Âu ở thành phố Ghent (Bỉ). Họ bàn giải pháp liên quan đến việc vốn đầu tư trong EU thấp, soạn lại luật để khuyến khích sáng tạo và tìm xem lĩnh vực nào cần sự hỗ trợ của chính quyền.

"Chúng ta cần đầu tư một khoản khổng lồ, trong thời gian ngắn, để tái cấu trúc chuỗi cung ứng và giảm khí thải của các nước", Draghi phát biểu.

Giới chức châu Âu ước tính khu vực này cần 650 tỷ euro (704 tỷ USD) đổ vào lĩnh vực tư nhân mỗi năm cho đến năm 2030 và 800 tỷ euro mỗi năm trong 10 năm sau đó. Mục tiêu là thu hẹp khoảng cách về công nghệ với Mỹ - quê hương của các đại gia công nghệ, đồng thời giúp châu Âu tự chủ hơn trong các lĩnh vực như năng lượng hay chip.

Tuy nhiên, ngoài việc tăng đầu tư, châu Âu cũng đang chảy máu dòng vốn. Năm ngoái, khoảng 330 tỷ euro đã chảy ra nước ngoài. Người châu Âu tìm đến các kênh đầu tư khác, đặc biệt là thị trường chứng khoán Mỹ có quy mô lớn hơn.

Đầu tư công hiện cũng thấp hơn nhiều Mỹ. Việc Mỹ tích cực đầu tư công đã đem đến nhiều phát minh, như Internet.

Các lãnh đạo tài chính EU tại Ghent đã đưa ra giải pháp tương tự cho vấn đề này. Đó là phá vỡ rào cản còn lại giữa các nước thành viên, để biến họ thành một thị trường chung thực sự.

"Chúng ta cần đảm bảo các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ hơn và đang tìm cách tăng trưởng, tiếp cận được nguồn vốn phù hợp", Paschal Donohoe - người đứng đầu nhóm bộ trưởng tài chính của EU cho biết tại Ghent.

Dù vậy, ý tưởng về thị trường vốn chung này đã có từ lâu và chững lại vài năm qua, do nhiều quốc gia muốn giữ quyền lợi riêng. Lần cuối cùng Pháp đưa ra ý kiến này để giúp nhóm nước nhỏ tăng trưởng, Đức đã bác bỏ ngay lập tức.

Và kể cả khi ý tưởng này thành hiện thực, EU vẫn phải giải quyết vấn đề về tính cạnh tranh. Theo chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh mới nhất của Ngân hàng Thế giới (WB), Đan Mạch là quốc gia châu Âu duy nhất xếp trên Mỹ. Italy thậm chí xếp dưới Morocco, Kenya và Kosovo.

Một vấn đề khác là giá điện tại châu Âu hiện gấp 3 lần Mỹ và sẽ vẫn ở mức cao cho đến khi EU phần nào tự chủ năng lượng trong thập kỷ tới. Doanh nghiệp ở đây đang vận động hành lang để được trợ giá năng lượng và nới lỏng các quy định về môi trường.

"Trong giai đoạn chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, chúng tôi phải chịu mức giá điện khiến sản phẩm không thể cạnh tranh toàn cầu", Gunnar Groebler - CEO hãng thép Salzgitter nhận định.

Đại gia dầu mỏ ExxonMobil thậm chí đưa ra viễn cảnh "phi công nghiệp hóa" nếu EU không thay đổi.

Hiện tại, rất ít công ty lớn rời EU. Nhưng một số doanh nghiệp, như hãng cung cấp linh kiện tự động hóa Forvia đang cắt giảm việc làm trong khu vực. Số khác, như hãng khí đốt công nghiệp Air Liquide thì đang tăng hiện diện tại Mỹ.

Một nhóm công ty công nghiệp tuần trước đã đề xuất EU trợ cấp, không chỉ về đầu tư mà còn về chi phí hoạt động, như Washington đang làm. Tuy nhiên, giới chức đã khẳng định số tiền rót vào EU cần đến từ lĩnh vực tư nhân.

"Việc này chưa bao giờ diễn ra ở châu Âu. Luôn có rủi ro rằng doanh nghiệp sẽ biến mất khi không còn được trợ cấp nữa", Simone Tagliapietra - nhà nghiên cứu tại tổ chức tư vấn Bruegel kết luận.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Natalie Suleyman MPParliament of Victoria Vùng: Keilor Downs. Phone: (03) 9367 9925
Xem thêm

Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/chau-au-tim-cach-bat-kip-tang-truong-cua-my-4715812.html