Châu Âu lo ngại viễn cảnh ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ

18:00' 18-01-2024
Viễn cảnh ông Trump đắc cử tổng thống Mỹ khiến nhiều quốc gia châu Âu không khỏi lo lắng, trong bối cảnh khu vực đang đối mặt nhiều rối ren.

Đầu tuần trước, cựu tổng thống Mỹ Donald Trump lại trở thành tâm điểm chú ý trên chính trường châu Âu sau tiết lộ gây chấn động của một quan chức cấp cao Liên minh châu Âu (EU). Theo Ủy viên Công nghiệp và Thị trường Nội bộ EU Thierry Breton, trong cuộc gặp năm 2020, tổng thống Trump đã nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen rằng "Mỹ sẽ không bao giờ giúp đỡ và hỗ trợ nếu châu Âu bị tấn công".

"NATO đã chết, chúng tôi sẽ rời liên minh. Các vị vẫn nợ tôi 400 tỷ USD vì không chi trả những khoản cần thiết cho quốc phòng, nhất là Đức", Ủy viên Breton dẫn lời ông Trump.

Cựu tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc mít tinh ở Waterloo, Iowa, tháng 10/2023. Ảnh: AFP

Thông tin được Breton công bố trong một sự kiện tại Nghị viện châu Âu, chưa đầy một tuần trước cuộc họp kín của đảng Cộng hòa tại bang Iowa. Đây là cuộc họp kín đầu tiên để bầu chọn ứng viên đảng Cộng hòa tranh cử tổng thống năm 2024.

Theo dự đoán của các hãng truyền thông hàng đầu Mỹ, dựa trên phân tích số lượng và hỏi ý kiến cử tri tại điểm bỏ phiếu, ông Trump nhận được 70% phiếu bầu, dễ dàng giành chiến thắng tại Iowa. Đây được coi là khởi đầu thuận lợi cho ông Trump trên hành trình chinh phục cuộc đua vào Nhà Trắng.

Một số quan chức và nhà ngoại giao EU cho rằng câu chuyện được Breton kể lại vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm, khi châu Âu đang cố gắng xây dựng khả năng phòng thủ riêng bên ngoài liên minh NATO do Mỹ dẫn đầu, trong bối cảnh kho đạn dược trên khắp các quốc gia thành viên đã cạn kiệt vì hỗ trợ quân sự cho Ukraine.

Việc Trump có thực sự đưa ra những bình luận như vậy hay không không quan trọng đối với các quan chức châu Âu, bởi quan điểm của ông về vấn đề này đã được biết đến từ lâu. Khi còn ở Nhà Trắng, ông thường xuyên chỉ trích NATO, đề cập đến việc cắt giảm ngân sách cho khối.

Tuy nhiên, lời nhắc nhở rằng cựu tổng thống Trump vẫn giữ quan điểm này và việc ông có thể sớm quay trở lại Nhà Trắng đã gây ra mối lo ngại thực sự trên khắp châu Âu.

Một phần vì niềm tin của ông bắt nguồn từ sự thật không mấy dễ chịu rằng các quốc gia châu Âu đã lơ là đầu tư cho quân đội trong nhiều thập kỷ, khi họ tin rằng xung đột quy mô lớn khó có thể xảy ra ở châu lục và nếu điều tồi tệ nhất đến, Mỹ sẽ nhanh chóng hỗ trợ.

Trump đã bác bỏ thẳng thừng niềm tin này. Và thái độ không ủng hộ của ông đối với nỗ lực viện trợ Ukraine vẫn có tác động đến tận bây giờ, khiến đảng Cộng hòa do dự chuyển thêm nguồn lực hỗ trợ Ukraine trong xung đột với Nga.

"Khi ông Trump xuất hiện, chúng tôi nhận ra rằng không phải lúc nào Mỹ cũng hành động vì lợi ích châu Âu, đặc biệt nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Mỹ", một nhà ngoại giao EU nói. "Có vẻ ngây thơ nhưng đây là giả định mà rất nhiều người đã tin tưởng".

Trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump, thực tế mới này đã khiến châu Âu phải tự đánh giá lại chính sách an ninh của mình. Các quan chức kết luận rằng châu Âu cần chuẩn bị cho một tương lai mà họ không thể dựa hoàn toàn vào Mỹ như trước đây. Tư duy đó càng được nhấn mạnh khi Tổng thống Joe Biden giữ nguyên nhiều chính sách mang quan điểm "nước Mỹ trên hết" từ thời người tiền nhiệm, đặc biệt là về vấn đề thương mại với Trung Quốc.

Đây là lý do thứ hai khiến những lời nhắc nhở về quan điểm chống châu Âu của ông Trump trở nên nhức nhối. Rõ ràng nỗ lực châu Âu theo đuổi suốt thời gian qua nhằm vô hiệu hóa ảnh hưởng từ cựu tổng thống Mỹ vẫn chưa thể tiến xa.

Về thương mại, châu Âu đã thực hiện các biện pháp nhằm giảm phụ thuộc vào các quốc gia đơn lẻ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng để không bị rơi vào thế khó nếu một đối tác thương mại đột ngột thay đổi chính sách, như việc ông Trump từng áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ EU.

"Không biện pháp giảm thiểu rủi ro nào có thể bù đắp cho một bước thay đổi chính sách đột ngột khiến châu Âu khó bán hàng vào Mỹ hơn", Ian Bond, phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Cải cách châu Âu, nhận xét. "Nếu đắc cử nhiệm kỳ thứ hai, không loại trừ khả năng ông Trump sẽ coi một số mặt hàng khác của châu Âu là mối đe dọa với an ninh Mỹ".

Về quốc phòng và an ninh, EU đã thừa nhận những thất bại trong quá khứ và đồng ý tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trên toàn khối. Họ coi cuộc xung đột ở Ukraine là rất nghiêm trọng, gửi hàng tỷ USD viện trợ cho Kiev, cả về quân sự và kinh tế. EU cũng đang nỗ lực để đưa Ukraine nhanh chóng gia nhập khối.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và ông Trump trong cuộc gặp tại Thụy Sĩ hồi tháng 1/2020. Ảnh: Reuters

Mặc dù vậy, sự thật là việc tái vũ trang cho 27 quốc gia và thay đổi cách thức hoạt động thương mại của họ sẽ phải mất nhiều thời gian, ngay cả trong hoàn cảnh bình thường, giới chuyên gia đánh giá.

Những gì xảy ra vài năm qua chắc chắn không phải điều bình thường với châu Âu. Covid-19 đã tạo ra gánh nặng khổng lồ lên nền kinh tế khu vực và xung đột ở Ukraine trở thành ưu tiên hàng đầu trong chương trình nghị sự tại mọi cuộc họp của các lãnh đạo EU.

Bên cạnh những khó khăn, việc chống lại ảnh hưởng của ông Trump còn là một thách thức lớn, bởi Mỹ không phải quốc gia thù địch với châu Âu. Châu Âu không thể áp lệnh trừng phạt kinh tế hay tăng cường hiện diện quân sự để đối phó với Mỹ, đồng minh truyền thống của họ.

Hành động ngoại giao chống lại Trump cũng rất phức tạp bởi bất kỳ lời chỉ trích nào cũng tiềm ẩn nguy cơ khiến cựu tổng thống Mỹ phản ứng thái quá, giới quan sát nhấn mạnh.

Một số nhà ngoại giao châu Âu cuối cùng đạt được kết luận rằng cách tốt nhất để đối phó nếu ông Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm nay là giữ bình tĩnh và tiếp tục duy trì khoảng cách với Mỹ.

"Lần trước, chúng tôi đã mất rất nhiều thời gian để phản ứng mỗi khi ông Trump buột miệng nói ra bất cứ thứ gì vừa nảy ra trong đầu. Tuy nhiên, ông ấy thường nói mà không làm", một quan chức EU giấu tên cho hay.

Một nhà ngoại giao châu Âu khác cho biết Brussels không thể bị phân tâm bởi Trump như trước, cũng như không nên chú ý quá nhiều nếu ông nêu ra khả năng chấm dứt hỗ trợ của Mỹ cho Ukraine. "Nếu ông Trump bắt đầu nói về điều đó, chúng ta thực sự không thể làm được gì nhiều. Chúng ta chỉ cần giữ vững lập trường và tiếp tục việc mình đã làm, vì dù cuộc xung đột có kết thúc thế nào, chính châu Âu mới là bên phải gánh chịu hậu quả chứ không phải Mỹ", người này giải thích.

Các quan chức châu Âu không che giấu mong muốn về việc ông Trump không thể trở lại Nhà Trắng. Christine Lagarde, lãnh đạo Ngân hàng Trung ương châu Âu, tuần trước còn nói rằng việc cựu tổng thống Mỹ tái đắc cử sẽ là "mối đe dọa" đối với châu lục.

"Vấn đề đối với châu Âu là sẽ phải mất nhiều năm, có thể nhiều thập kỷ, họ mới chấm dứt phụ thuộc vào Mỹ. Và cho tới thời điểm đó, họ sẽ rất khó bỏ qua những gì người quyền lực nhất hành tinh đang nói vào bất kỳ ngày nào, đặc biệt là khi ông ấy nói về bạn", Luke McGee, bình luận viên chính trị kỳ cựu từ CNN, lưu ý.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Robot Building Supplies Vùng: Notting Hill. Phone: 9538 1700
Xem thêm

chuyên các mặt hàng, mefal roof Sheefs 0.47, ms flat bar 6m, falvinised sleeper channel


Article sourced from VNEXPRESS.

Original source can be found here: https://vnexpress.net/noi-lo-ong-trump-tro-lai-nha-trang-phu-bong-chau-au-4700723.html