Cha mẹ xem điện thoại sẽ ảnh hưởng đến trẻ như thế nào?

11:00' 24-07-2020
Theo các chuyên gia, cho dù cha mẹ không cho con sử dụng điện thoại nhưng bản thân lại dùng điện thoại ngay cả khi đang dành thời gian cho con, thì vẫn gây ra những tác hại không nhỏ đến sự phát triển của trẻ.

Đã có rất nhiều nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng việc cho trẻ em sử dụng điện thoại sớm gây tổn hại rất lớn đến sự phát triển của trẻ. Không những ảnh hưởng đến khả năng ngôn ngữ, khả năng giao tiếp, khiến trẻ béo phì do lười vận động, mắt kém, mà xem điện thoại nhiều còn khiến não bộ của trẻ kém phát triển, không thể tập trung trong học tập.

Chính vì lẽ đó mà hiện nay, hầu hết mọi người đều đã ý thức được tác hại của việc cho trẻ em xem điện thoại. Tuy nhiên, trên thực tế, các cha mẹ vẫn thường xuyên xem điện thoại ngay khi ở bên cạnh con. Vậy liệu việc này có tác động tiêu cực đối với trẻ hay không?

Vào năm 2015, một cuộc khảo sát toàn cầu với 6.000 trẻ em từ 8 – 13 tuổi do các chuyên gia của Đại học Đại học Michigan (Mỹ) thực hiện đã thu được kết quả đáng kinh ngạc. Có đến 52% trẻ em nghĩ rằng cha mẹ đã dành quá nhiều thời gian cho điện thoại di động. 32% trong số đó cảm thấy mình không quan trọng đối với cha mẹ vì họ luôn sử dụng điện thoại trong giờ ăn, khi trò chuyện, lúc xem ti vi và đi chơi bên ngoài.

Theo các chuyên gia, cho dù cha mẹ không cho con sử dụng điện thoại nhưng bản thân lại dùng điện thoại và chỉ tập trung vào việc thỏa mãn cảm xúc cũng như nhu cầu của mình ngay cả khi đang dành thời gian cho con, thì vẫn gây ra những tác hại không nhỏ đến sự phát triển của trẻ. Đặc biệt là 3 vấn đề sau:

1. Ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ

Sự quan tâm chú ý của cha mẹ không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc của trẻ, mà còn xác định kích thước bộ não của con.

Một nghiên cứu của Giáo sư Allan Schore, công tác tại trường Đại học California (Mỹ), đã cung cấp bằng chứng cho thấy sự quan tâm chú ý của cha mẹ trong những năm đầu đời không chỉ ảnh hưởng đến sự phát triển cảm xúc của trẻ, mà còn xác định kích thước bộ não của con.

Cụ thể, các nhà khoa học đã quét não của hai đứa trẻ 3 tuổi. Kết quả cho thấy, não trái thuộc về đứa trẻ nhận đủ sự quan tâm chú ý của cha mẹ có kích thước não lớn hơn, chứa ít đốm và vùng mờ hơn não phải – một đứa trẻ 3 tuổi bị cha mẹ bỏ bê.

Các nhà khoa học cũng tin rằng đứa trẻ bên trái với bộ não lớn hơn sẽ thông minh hơn và sẽ có nhiều khả năng phát triển kỹ năng xã hội để đồng cảm với người khác so với đứa trẻ bên phải.

Nghiên cứu công bố trên Tạp chí Tâm thần học năm 2016 cho biết cũng kết luận việc thiếu tập trung khi chăm sóc, nuôi con có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ của trẻ, đặc biệt là khả năng hiểu niềm vui.

"Khi một em bé mới được vài ngày, vài tuần hay vài tháng tuổi, cha mẹ có thể thấy rất phiền khi phải chăm sóc, ở bên con 24/24h, tuy nhiên, đây chính xác là những gì em bé cần cho một cuộc sống trọn vẹn và thỏa mãn về cảm xúc", Lisa Rafel, Gary Mailkin và David - tác giả cuốn sách Safe in the Arms of Love: Deeping the Essential Bond with Your Baby (Tạm dịch: An toàn trong vòng tay yêu thương: Làm sâu sắc mối liên kết thiết yếu với bé con của bạn), chia sẻ.

2. Ảnh hưởng đến việc học nói của trẻ

Trẻ sẽ bị chậm nói nếu cha mẹ không chú tâm trong cuộc trò chuyện cùng con (Ảnh minh họa).

Các chuyên gia luôn khuyến khích cha mẹ thường xuyên nói chuyện với con, vì nó giúp trẻ phát triển các kỹ năng giao tiếp cũng như tăng vốn từ vựng. Nhưng nếu các cuộc trò chuyện luôn bị gián đoạn bởi cha mẹ còn bận trả lời những tin nhắn, nghe cuộc gọi hoặc xem thông báo từ điện thoại thì trẻ sẽ bị chậm nói và khả năng giao tiếp sẽ bị hạn chế, dù những hành động của bạn chỉ diễn ra trong một thời gian cực ngắn, trong vòng 30 giây.

Bà Kathy Hirsh-Pasek - nhà tâm lý học phát triển và nhận thức kiêm giám đốc Phòng thí nghiệm Trẻ em thuộc trường Đại học Temple ở Philadelphia giải thích rằng ngôn ngữ chỉ có thể được trẻ tiếp thu một cách trọn vẹn khi những cuộc trò chuyện với cha mẹ được trọn vẹn. Đó là một trong những năng lực cốt lõi mà một đứa trẻ cần có để học tốt ở trường và thành công trong tương lai.

"Nếu bạn có một cuộc trò chuyện qua lại, trẻ sẽ học được rất nhiều thứ, nhưng nếu bạn kết thúc cuộc trò chuyện bằng một cuộc điện thoại hoặc mắt luôn dán vào điện thoại trong khi trò chuyện với con thì nghĩa là bạn đã phá vỡ khả năng qua lại này", bà Kathy cho biết.

3. Đôi khi cha mẹ hiểu sai nhu cầu tình cảm của trẻ

Cha mẹ đừng cho rằng mình lớn, mình có thể kiểm soát và sẽ không bị vướng vào chuyện nghiện điện thoại. Tuy nhiên hội chứng rối loạn phụ thuộc màn hình (SDD) không loại trừ bất kỳ ai và bất kể người lớn hay trẻ em khi mắc phải hội chứng này đều bị kích động, tâm trạng thay đổi thất thường và thích tự cách ly mình ra khỏi mọi người xung quanh.

Thế nên, cha mẹ nghiện điện thoại thường sẽ trở nên cáu kỉnh mỗi khi việc xem điện thoại của mình bị gián đoạn bởi những trò quấy phá của con. Bạn cho rằng con thật là hư khi tự dưng nổi cơn thịnh nộ, la hét, đập đồ, ăn vạ… Nhưng theo Nikki Bush - một chuyên gia nuôi dạy con cái, tác giả cuốn sách bán chạy nhất: Future-proof Your Child (Tạm dịch: Tương lai con của bạn) đã chia sẻ thật ra đây là cách để trẻ thu hút sự chú ý của cha mẹ.

"Cha mẹ hãy nhớ rằng khi các nhu cầu cơ bản của con không được chúng ta chú ý, trẻ sẽ dùng hành vi để tìm kiếm sự chú ý đó. Thay vì quát mắng con, bạn hãy bỏ điện thoại xuống, lắng nghe con nói và đáp ứng yêu cầu của con", Nikki nói.

Và điều đặc biệt cha mẹ cần nhớ kỹ rằng bạn có rất nhiều thời gian để xem điện thoại, ngay cả khi bạn đã già, nhưng con của bạn thì lại không có nhiều thời gian dành cho bạn. Vì càng lớn, con sẽ càng có nhiều mối quan tâm khác và thời gian trò chuyện cùng cha mẹ sẽ càng ngắn lại. Vậy nên, hãy bỏ điện thoại xuống mỗi khi chơi cùng con nhé.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Relax For Life Japanese Massage Chairs Vùng: Peakhurst. Phone: 02 8307 0878
Xem thêm

Article sourced from AFAMILY.

Original source can be found here: http://afamily.vn/vua-trong-con-vua-xem-dien-thoai-cung-gay-ra-nhung-tac-hai-nghiem-trong-doi-voi-su-phat-trien-cua-tre-nhat-la-nao-bo-20200721200411555.chn