CEDA: Úc cần sử dụng nhiều hơn các di dân có tay nghề
Công nhân làm việc tại Sydney, Australia. Ảnh: AFP/TTXVN
Báo cáo của CEDA khuyến nghị Chính phủ Liên bang tăng cường khả năng tiếp cận đào tạo tiếng Anh cho những di dân này và công nhận trình độ chuyên môn cũng như kinh nghiệm làm việc của họ ở nước ngoài để giải quyết tình trạng thiếu hụt kỹ năng đang ngày càng trầm trọng tại Australia và thu được lợi ích từ lực lượng lao động này.
Báo cáo cũng kêu gọi đưa ra các sáng kiến nhằm giải quyết vấn đề phân biệt đối xử và thành kiến nhằm giúp cải thiện kết quả việc làm cho người di dân. Trước đó, Chính phủ Liên bang Australia đã giảm mức độ tiếp nhận di dân trong quá trình cải tổ hệ thống.
Nhà kinh tế dày dạn kinh nghiệm Andrew Barker của CEDA cho biết thời gian gần đây, các di dân kiếm được ít việc làm hơn đáng kể so với những người lao động gốc Australia. Thực tế này ngày càng trở nên đáng quan ngại hơn theo thời gian.
Theo ông Barker, kỹ năng tiếng Anh yếu hơn và không được công nhận về kỹ năng khiến những di dân bị phân biệt đối xử, từ đó Australia không tận dụng được tối đa các kỹ năng và kinh nghiệm của lực lượng này.
Nhiều người vẫn làm những công việc dưới trình độ kỹ năng của họ. Việc bảo đảm cho di dân có thể sử dụng kỹ năng của họ trong vài năm đầu tiên ở Australia là điều rất quan trọng để giải quyết tình trạng thiếu kỹ năng đang diễn ra trong toàn bộ nền kinh tế của quốc gia châu Đại Dương này.
Những người di dân đã ở Australia 6 năm kiếm được trung bình ít hơn khoảng 10% so với những người lao động sinh ra ở quốc gia này. Ông Barker cho biết nếu các di dân nhận được mức lương tương đương với những người sinh ra ở Australia, họ sẽ kiếm thêm được khoảng 4 tỷ AUD mỗi năm.
Nghiên cứu cho thấy trình độ tiếng Anh kém hơn đã làm giảm mức lương trung bình của các người di dân khoảng 9%. Phụ nữ di dân có bằng sau đại học có kết quả tồi tệ nhất, kiếm được ít hơn gần 1/3 so với phụ nữ sinh ra ở Australia có trình độ học vấn tương tự.
Chúng tôi cố gắng giúp tất cả học sinh phát triển thành những người tự tin trong quá trình học tập lâu dài.
Article sourced from BNEWS.
Original source can be found here: https://bnews.vn/ceda-australia-can-su-dung-nhieu-hon-cac-di-dan-co-tay-nghe/326552.html