Căng thẳng biên giới Nga - Ukraine 'rất, rất nghiêm trọng'
"Tôi nghĩ sẽ không có động thái leo thang quân sự liên quan tới hoạt động điều chuyển binh sĩ của Nga. Tuy nhiên, Moskva dường như đang muốn thay đổi hiện trạng an ninh chung tại châu Âu vì họ không hài lòng với tình hình hiện nay", Andrey Buzarov, chuyên gia về chính trị, quan hệ quốc tế thuộc tổ chức phân tích Ukraine KyivStratPro và làm việc trong các ủy ban thuộc Quốc hội và Bộ Ngoại giao Ukraine, ngày 20/4 trả lời câu hỏi của VnExpress về nguy cơ bùng phát xung đột quân sự tại biên giới Nga - Ukraine.
Nga đang huy động lực lượng lớn chưa từng có đến biên giới giáp Ukraine và tại bán đảo Crimea. Mỹ ước tính hiện có khoảng 80.000 lính Nga tại bán đảo Crimea và gần biên giới Ukraine, gần gấp đôi lực lượng được triển khai tại đây khoảng 4 tuần trước. Trong khi đó, Liên minh châu Âu (EU) cho rằng Nga đang triển khai khoảng 100.000 quân trong khu vực.
Lữ đoàn bộ binh cơ giới Nga triển khai ở thành phố Voronezh gần biên giới Ukraine. Ảnh: Maxar.
Buzarov nhận định mục tiêu chính của Nga là buộc Mỹ và các nước châu Âu khởi động đàm phán về tình hình hiện nay. "Sẽ không có hành động quân sự, nhưng tôi lo ngại bên thứ ba có thể lợi dụng điều này để khơi mào xung đột khu vực, đặc biệt là giữa Moskva và Kiev. Nó có thể gây ra nhiều hệ lụy ngoài dự đoán với Ukraine, Nga và cả châu Âu. Tình trạng hiện nay rất, rất nghiêm trọng", Buzarov nói thêm.
Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu tuần trước cho biết nước này đang tiến hành các cuộc diễn tập nhằm đáp trả động thái "đe dọa Moskva" của NATO, đồng thời cáo buộc chính quyền Ukraine cố tình gây căng thẳng. Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Nga Nikolai Patrushev hôm 7/4 tuyên bố Moskva không có ý định can thiệp vào xung đột tại miền đông Ukraine, thêm rằng Nga đang theo dõi sát tình hình và có thể áp dụng "những biện pháp cứng rắn tùy theo diễn biến".
Giám đốc Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) William Burns lại cho rằng động thái triển khai lực lượng của Nga có thể nhằm răn đe chính phủ Ukraine và gửi thông điệp tới chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 15/4 thông báo cấm tàu quân sự và công vụ nước ngoài đi qua một số khu vực thuộc Biển Đen trong 6 tháng, bắt đầu từ ngày 24/4 và kết thúc ngày 31/10. Lệnh hạn chế sẽ ảnh hưởng tới mũi phía tây và bờ biển phía nam của bán đảo Crimea, từ Sevastopol đến Hurzuf, cùng một vùng biển hình chữ nhật ngoài khơi bán đảo Kerch gần Khu bảo tồn thiên nhiên Opuksky.
Ảnh vệ tinh được công ty Maxar Technologies chụp từ ngày 27/3 đến 16/4 cho thấy tiêm kích Su-30 xếp hàng dài trên đường băng tại căn cứ không quân Saki trên bán đảo Crimea.
Những lực lượng khác của Nga trên bán đảo bao gồm lính dù, bộ binh cơ giới, thiết giáp, trực thăng vũ trang, máy tạo khói, máy bay trinh sát không người lái, thiết bị tác chiến điện tử và một bệnh viện quân y. Tiêm kích Su-27 và Su-30, tiêm kích bom Su-34, cường kích Su-24 và Su-25 cũng xuất hiện ở những vị trí khác trong khu vực.
Khu vực biên giới Nga - Ukraine và bán đảo Crimea. Đồ họa: Washington Post.
"Biển Đen có tầm quan trọng về địa chính trị. Lệnh cấm của Nga chỉ áp dụng ở một phần Biển Đen, nhưng cho thấy Moskva đang ngày càng tăng cường kiểm soát vùng biển này kể từ khi sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014. Căng thẳng ở đây không chỉ bắt nguồn từ Nga và Ukraine, mà còn liên quan tới tình hình chung của khu vực", Buzarov nói thêm.
Bạn đang tìm dịch vụ về Tiệm rượu?
Tiệm rượu với đầy đủ các lựa chọn về rượu, bia nhiều nhất tại vùng Springvale
Article sourced from VNEXPRESS.
Original source can be found here: https://vnexpress.net/chuyen-gia-ukraine-cang-thang-voi-nga-rat-rat-nghiem-trong-4266142.html