Cần những sáng kiến ngoại giao mới để khuyến khích Triều Tiên trở lại bàn đàm phán

12:02' 28-09-2017
Lãnh đạo các nước cần tìm kiếm những sáng kiến ngoại giao và kinh tế mới để khuyến khích Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán, trong bối cảnh mối đe dọa hạt nhân Triều Tiên ngày càng trở nên nghiêm trọng.


ảnh minh họa

Tổng thống Mỹ Donald Trump đã phản ứng bằng cách tuyên bố sẽ trút “hỏa lực và cơn thịnh nộ” nếu Triều Tiên một lần nữa đe dọa Mỹ. Tuy nhiên, Bình Nhưỡng tiếp tục đe dọa triển khai tên lửa vào các vùng biển gần căn cứ quân sự Mỹ tại đảo Guam và bắn hai quả tên lửa đạn đạo vào vùng biển ngoài đảo Hokkaido của Nhật Bản.

Những vụ thử tên lửa và hạt nhân của Triều Tiên là rất đáng lo ngại. Dù muốn hay không, Bình Nhưỡng đã chứng minh rằng nước này đã làm chủ công nghệ, có khả năng thu nhỏ đầu đạn hạt nhân để gắn vào tên lửa và nhằm mục tiêu vào lục địa nước Mỹ cũng như các đồng minh của Mỹ ở châu Á.

Trong bối cảnh khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên ngày một gia tăng, chính quyền Trump và nhiều nước coi Trung Quốc có vai trò chủ chốt để ngăn chặn tham vọng hạt nhân của Triều Tiên, dựa trên cơ sở hiệp ước hữu nghị và tương trợ lẫn nhau giữa Trung Quốc và Triều Tiên trong hàng thập kỷ qua.

Và quan trọng hơn, trên thực tế, khoảng 90% thương mại của Triều Tiên hiện nay diễn ra với hoặc thông qua Trung Quốc. Với việc Triều Tiên phụ thuộc kinh tế gần như hoàn toàn vào Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác đã liên tục kêu gọi Trung Quốc thắt chặt lệnh trừng phạt kinh tế.

Trung Quốc phản đối thắt chặt lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên vì sợ rằng áp lực kinh tế có thể đẩy dòng người tị nạn ồ ạt chạy vào Đông Bắc Trung Quốc, hoặc thậm chí gây ra sự sụp đổ của chế độ Bình Nhưỡng.

Mặc dù Triều Tiên là “gã” hàng xóm phiền phức và khó lường nhất của Trung Quốc, nhưng nước này lại đóng vai trò như một khu vực “đệm” chiến lược giữa Trung Quốc và các lực lượng quân đội của Mỹ đồn trú tại Nhật Bản và Hàn Quốc.

Tuy nhiên, áp lực quốc tế ngày càng tăng và sự thất vọng riêng của Bắc Kinh về chương trình hạt nhân không mong muốn của Bình Nhưỡng đã hối thúc Trung Quốc áp dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế.

Tháng 2/2017, sau vụ Triều Tiên bắn thử tên lửa tầm ngắn vào vùng biển Nhật Bản, và vụ ám sát anh trai của nhà lãnh đạo Kim Jong-un tại Malaysia, Trung Quốc đã thông báo ngừng nhập khẩu than từ Triều Tiên cho đến hết năm 2017.

Tiếp đến, ngày 11/9/2017 vừa qua, Trung Quốc (và Nga) đã đồng ý các lệnh trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) cấm Triều Tiên xuất khẩu hàng dệt may, đóng băng nhập khẩu dầu thô ở mức hiện tại và cắt giảm nhập khẩu sản phẩm dầu mỏ tinh chế.

Đây là những biện pháp trừng phạt có ảnh hưởng sâu rộng nhất được áp dụng đối với Triều Tiên cho đến nay. Ngoài ra, các ngân hàng nhà nước Trung Quốc bắt đầu cấm Triều Tiên mở các tài khoản mới và đình chỉ các giao dịch trên tài khoản của các cá nhân, tổ chức Triều Tiên nắm giữ.

Tuy nhiên, vấn đề quan trọng ở đây là chưa thấy có bằng chứng rằng biện pháp trừng phạt đã có hiệu quả để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Triều Tiên.

Hầu hết các nhà phân tích khu vực tỏ ra khá bi quan, cho rằng ngay cả vòng trừng phạt mới nhất của HĐBA LHQ cũng có thể khó kiểm tra được tính hiệu quả của chúng đối với chương trình phát triển hạt nhân của chế độ này.

Mới đây, ông Chen Dongxiao thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải và ông Jia Qingguo của Đại học Bắc Kinh đã nhấn mạnh việc nhất thiết phải đánh giá lại và tìm kiếm những biện pháp mới để quản lý vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Cả hai ông cho rằng can dự ngoại giao với Bình Nhưỡng và giữa các quốc gia chủ chốt ở khu vực trước mắt là cách duy nhất. Theo ông Chen, không nên trông chờ Bắc Kinh gia tăng áp lực để buộc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân.

Ông nhấn mạnh: “Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ chịu nhượng bộ để từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình, thậm chí phải trả giá bằng lợi ích an ninh quốc gia của Trung Quốc và sự ổn định chung của khu vực”.

Thay vào đó, khu vực phải tìm kiếm những sáng kiến ngoại giao và kinh tế mới để khuyến khích Bình Nhưỡng trở lại bàn đàm phán. Bước đầu tiên có lẽ là Mỹ và Hàn Quốc hoãn tập trận chung trong tương lai, đổi lại Bình Nhưỡng sẽ tạm ngừng thử các vụ thử tên lửa.

Bước thứ hai, Bắc Kinh nên bắt đầu thực hiện các đàm phán “kế hoạch dự phòng” tích cực với Washington và Seoul. Trong quá khứ, Bắc Kinh đã do dự khi tham gia các cuộc đàm phán như vậy. Trước tình hình nghiêm trọng và khả năng Triều Tiên tiếp tục phớt lờ những nỗ lực ngoại giao của Bắc Kinh, giờ là lúc Trung Quốc nên sẵn sàng tham gia các cuộc đàm phán nghiêm túc với Washington và Seoul.

Các đàm phán “kế hoạch dự phòng” nên bao gồm một loạt vấn đề quan trọng như: kiểm soát kho vũ khí hạt nhân của Triều Tiên trong trường hợp chế độ này sụp đổ; đối phó với vấn đề người tị nạn Triều Tiên; lập lại trật tự ở Triều Tiên trong trường hợp khủng hoảng; các thỏa thuận chính trị hậu khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên; và gỡ bỏ Hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) nếu chương trình hạt nhân của Triều Tiên kết thúc.

Mỗi vấn đề kể trên đều là nỗi lo lắng đáng kể của Bắc Kinh, và cho đến nay chúng đã cản trở hợp tác chặt chẽ hơn trong khu vực về vấn đề hạt nhân Triều Tiên. Trên thực tế, những vấn đề này chứng tỏ “sự nghi ngờ chiến lược sâu sắc” giữa Mỹ và Trung Quốc.

Do đó, đối thoại và đàm phán về những vấn đề này có thể giúp phá vỡ tình trạng bế tắc hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ, đồng thời giảm bớt khả năng Bình Nhưỡng khai thác sự thiếu thống nhất trong các nước láng giềng.

Việc lựa chọn giải pháp quân sự cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên không phải là một lựa chọn tốt và khôn ngoan. Điều quan trọng, các nước và “kẻ thù” của nhau phải đàm phán trên những vấn đề an ninh, chính trị cơ bản và lâu dài.

Mời bạn bầu chọn hay chia sẻ trên Facebook:

Bạn đang tìm dịch vụ về ?

Shou Sumiyaki Vùng: Melbourne. Phone: 9663 0801
Xem thêm

ẩm thực đặc sắc của Nhật Bản, thịt bò wagyu thượng hạng


Article sourced from XALUAN.

Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1909712