Bốn ngân hàng lớn Australia siết chặt các điều kiện cho vay tín dụng
ANZ là một trong 4 ngân hàng lớn nhất của Australia. Ảnh: Reuters
Australia có một hệ thống ngân hàng gần như độc quyền, chịu chi phối bởi 4 “ông lớn” trong nhóm “Big Four” là Commonwealth Bank of Australia (CBA), Westpac, Ngân hàng Quốc gia Australia (NAB) và ANZ.
Nhóm này thống trị toàn bộ tài sản cũng như các hoạt động đầu tư và cho vay kinh doanh, mang lại cho người dân những lựa chọn hạn chế khi tìm kiếm các khoản vay tín dụng.
Kể từ khi Ủy ban Hoàng gia Australia vạch trần một số hành vi cho vay tín dụng bất cẩn và gian lận, việc cho vay tiền đối với nhóm “Big Four” đã trở nên khó khăn hơn bao giờ hết, theo nhận định của ngân hàng ANZ.
Còn đối với NAB, lãi suất các khoản vay thế chấp của họ đang trên đà giảm đáng kể, trong khi tập đoàn ngân hàng Westpac Banking Corp cho biết họ thậm chí đã phải tăng cường công tác giám sát chi phí sinh hoạt của người vay trong quá trình tiếp cận bằng cách đặt ra nhiều câu hỏi chi tiết hơn, chẳng hạn như họ đã chi tiêu cho các loại thẻ tập gym và bảo hiểm thú cưng là bao nhiêu.
Trước đó, giới chức Australia đang kêu gọi tăng cường kiểm soát hoạt động cho vay và những yêu cầu huy động vốn mới, được coi là một trong những nguyên nhân tạo ra làn sóng thoái vốn tại các tổ chức quản lý tài sản bằng tiền mặt, các tổ chức bảo hiểm, tài chính.
Quy trình cho vay chặt chẽ hơn sẽ tác động đến các khách hàng…
Một khi ngân hàng chịu sức ép thì “thượng đế” của họ cũng không tránh khỏi bị ảnh hưởng. Theo một chuyên gia trong lĩnh vực bất động sản, người vay đã bắt đầu cảm thấy quy định được siết chặt hơn khi các ngân hàng đào sâu vào lịch sử tín dụng và yêu cầu thêm những khoản đặt cọc lớn.
Trước đây, các ngân hàng đã trải qua một cuộc khủng hoảng tài chính trước khi tự tìm ra cách để đẩy mạnh doanh thu và lợi nhuận ngay cả trong khi các quy định chặt chẽ liên tục được đưa ra. Điều này đã từng được chứng kiến hồi năm 2012-13, khi các hoạt động đầu tư và buôn bán bảo hiểm bị hạn chế.
Tuy nhiên, bước đầu của các cuộc thanh kiểm do Ủy ban Hoàng gia Australia thực hiện lại đang tạo ra nhiều hiệu ứng hơn là chỉ mang tính chất răn đe, với yêu cầu về cách thức thực thi, cấu trúc và sự thống trị thị trường của các ngân hàng được đặt dưới sự giám sát chặt chẽ chưa từng có.
Gần như chắc chắn là sẽ có quy định kiểm soát mới, bởi vì người ta đã phát hiện ra những hành vi gian lận. Điều này có nghĩa là các ngân hàng sẽ phải đối mặt với không chỉ nguồn lợi ít hơn từ hoạt động cho vay mà còn cả sự gia tăng về chi phí – đặc biệt là khi họ sẽ phải thuê thêm luật sư hay các nhân viên pháp chế để giải quyết những vấn đề trước mắt do Ủy ban Hoàng gia yêu cầu và cũng để thích nghi với những quy định khó nhằn hơn trong tương lai.
Giám đốc điều hành ANZ Shayne Elliott đã nói với các nhà phân tích rằng các điều kiện cho vay đã thay đổi và những ảnh hưởng của các cuộc điều tra từ Ủy ban Hoàng gia là có thật. Mọi người sẽ vẫn muốn mua và sở hữu một ngôi nhà ... song các quy trình cho vay tín dụng sẽ thay đổi và có thể sẽ khiến họ khó thành công hơn.
Để đối phó với điều này, NAB đã tiến hành siết chặt hoạt động cho vay thế chấp từ tháng 2 đồng thời hạ thấp số tiền dự kiến sẽ giải ngân. Điều này đã khiến lợi nhuận từ hoạt động cho vay thế chấp của ngân hàng giảm 4 điểm cơ bản xuống còn 1,34%.
Trong khi đó, việc thắt chặt các quy định cho vay được CBA thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, sau khi vướng cáo buộc vi phạm luật chống rửa tiền thì ngân hàng này đã được yêu cầu phải tăng thêm 1 tỷ AUD dự phòng vốn.
"Nếu hoạt động tín dụng chậm lại trong khi môi trường lãi suất không cải thiện – điều mà tôi đang không nhìn thấy vào lúc này, thì lợi nhuận chắc chắn chịu ảnh hưởng nặng nề", Omkar Joshi, nhà quản lý danh mục đầu tư tại công ty quản lý quỹ Regal Funds Management nhận định.
… và nền kinh tế
Đối với nền kinh tế Australia, hệ thống ngân hàng là chiếc xương sống. Các tổ chức tiền gửi được ủy quyền của Australia – một lĩnh vực khác mà vẫn là “Big Four” đang chi phối, hiện đang nắm giữ khối tài sản vào khoảng 4.600 tỷ USD, theo số liệu từ Ủy ban Hoàng gia. Con số này lớn gấp 2,5 lần quy mô nền kinh tế (tính theo GDP) của Australia.
Theo số liệu thống kê của nhà tư vấn bất động sản CoreLogic, hoạt động cho vay cá nhân và thương mại tại Australia đã giảm 1,5% (số liệu đã điều chỉnh theo mùa vụ) kể từ tháng 12 năm ngoái. Trong đó giá nhà đã giảm 0,1% hồi tháng Tư so với một năm trước, qua đó ghi nhận mức giảm đầu tiên kể từ năm 2012.
Anne Nalder, người đứng đầu Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ của Australia đã cảnh báo rằng không nên xem thường những dấu hiệu này bởi vì số phận của một ngân hàng có thể gây ảnh hưởng đến cả một nền kinh tế.
Bất kỳ một trở ngại nào đối với hoạt động tín dụng đều sẽ tác động ngay lập tức đến các quyết định về chi tiêu và tuyển dụng, đặc biệt là khi tăng trưởng tiền lương đang ở mức khiêm tốn. Mặc dù vậy, các ngân hàng của Australia vẫn chưa rơi vào cảnh đường cùng phải cần đến sự giải cứu hoặc tìm đến những gói cứu trợ từ chính phủ, điều mà chúng ta đã nhìn thấy trong cuộc khủng hoảng tài chính tại châu Âu và Mỹ vừa qua.
Tuy nhiên, việc phải đối mặt với các quy định phức tạp hơn và sự giám sát tăng cao sẽ tạo ra những áp lực tài chính nhất định dành cho họ. Trong khi cả người cần vốn lẫn doanh nghiệp vay vốn đều đang rất băn khoăn thì có một ngành nghề lại được hưởng lợi từ những sự thay đổi trong hệ thống ngân hàng, đó là nghề luật sư.
Ngân hàng ANZ ước tính các chi phí pháp lý liên quan đến các cuộc điều tra của Ủy ban Hoàng gia sẽ vào khoảng 50 triệu AUD trong giai đoạn 12 tháng, trong khi CBA thậm chí đã dự phòng trước những khoản kinh phí này trong báo cáo tài chính ở mức 575 triệu AUD. Trong đó có các khoản chi phí liên quan đến việc khắc phục hậu quả của cáo buộc vi phạm luật chống rửa tiền.
Article sourced from XALUAN.
Original source can be found here: http://xaluan.com/modules.php?name=News&file=article&sid=2243285